Những điều tốt đẹp vẫn luôn hiện hữu!
“Bên mình tình hình thế nào rồi em? Chị bên này cũng như ngồi trên đống lửa vì dịch bệnh. Công việc thì làm bữa nghỉ bữa. Không biết đến bao giờ cuộc sống mới trở lại bình thường” - giữa đêm khuya, điện thoại tôi vẫn sáng dòng chat của người chị họ ở Mỹ. “Dạ. Cơ bản ổn rồi chị ạ. Mọi việc đang được kiểm soát tốt!”. Gần tháng nay, chị em tôi gần như ngày nào cũng hỏi thăm nhau. Tôi biết chị ở xa lo lắng cho ba má và bà con ở quê, nên thường chia sẻ và cập nhật tình hình cho chị yên tâm.
Những ngày dịch giã, nhiều mặt của cuộc sống bị xáo trộn. Mọi thứ dường như có vẻ trầm xuống, chậm lại và xuất hiện nhiều nét lo âu trên mặt người. Quán xá ế ẩm. Bao người giảm thu nhập. Quán cà phê đầu hẻm nơi tôi hay ngồi khách ít hẳn. Một số người ở gần thì chủ quán ship tận nhà, người xa thì chịu khó chạy xe ra mua về uống. “Nhiều mối khách quen vẫn ủng hộ, nếu không có sự chia sẻ với nhau như vậy chắc em cũng đuối. Có bất tiện một chút trong giao dịch, nhưng không sao cả anh” - anh thanh niên mới mở quán cà phê lập nghiệp tâm sự với tôi mà như tự sự với chính mình.
Ở góc độ tích cực, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều người đã nhận ra nhiều thứ, tìm được nhiều điều ý nghĩa. Họ tạm gọi đây là quãng thời gian sống chậm, sống khác thời Covid-19. Nếu so với cuộc sống hối hả thường nhật thì sẽ khó cảm nhận được sâu sắc. Ở khu phố tôi sống, bà con gần như đã quen dần và thực hiện tốt việc hạn chế ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết. Ông bác hàng xóm không ngồi với hội đánh cờ như mọi ngày. Nhiều vợ chồng trẻ sống đơn giản hơn, tiết kiệm hơn, tự cắt giảm chi tiêu... để sống trong điều kiện bình thường mới. Họ bình tĩnh đón nhận một số sự bất tiện như vậy mà không mấy ai kêu ca, phàn nàn. Bởi họ biết, bảo vệ mình, gia đình mình cũng là bảo vệ cộng đồng. Có lẽ chính trong hoàn cảnh khó khăn này, người ta mới thấm hai chữ “trách nhiệm” sâu sắc hơn lúc nào hết.
Nhiều người bảo “cách ly nhưng không cách lòng”. Thực tế đã thấy, nếu chẳng may nhà này bị cách ly thì nhà kia ở ngoài sẽ giúp mua sắm và tiếp tế. Chúng ta cũng thấy những chuyến xe của các doanh nghiệp, nhóm thiện nguyện chở hàng hóa, lương thực đến từng nhà trọ gửi cho những người tứ xứ tha phương, những công nhân mất việc vì dịch không về quê được; những phiên chợ 0 đồng, những bữa cơm tử tế trao tận tay cụ già, em nhỏ. Bên cạnh những chương trình chung tay góp sức vượt qua khó khăn dịch bệnh do Nhà nước kêu gọi, còn biết bao nghĩa tình thầm lặng như vậy. Có những khoảnh khắc thật đẹp như hình ảnh cậu bé 8 tuổi người đồng bào Ca Dong đi chân trần, vác khúc măng rừng, tay ôm xấp lá gói rau góp về Đà Nẵng chống dịch; hay hình ảnh cô bé người đồng bào Cơ Tu gùi từng bó củi góp vào công tác hậu cần ở khu cách ly...
Những điều tốt đẹp như vậy đang được biểu hiện một cách tự nhiên, giữa cuộc sống và trong lòng người, khiến chúng ta phải suy ngẫm, trân quý và cảm thấy ấm lòng…