Tác nghiệp ở khu cách ly

HUỲNH CHÍN 20/06/2020 09:39

Phải “trực chiến” cùng đồng đội ngay trong khu cách ly dành cho những người có nguy cơ nhiễm vi rút Corona vô tình lại trở thành một cơ hội cho tôi có thể ghi nhận được những thông tin, hình ảnh chân thật nhất để gửi tới bạn đọc, ngay từ bên trong “điểm nóng”. Đó cũng là trải nghiệm khó quên đối với tôi, trong những năm tháng cùng làm báo…

Tổ bảo vệ và quân y phối hợp ghi sổ nhật ký diễn biến tại khu cách ly.Ảnh: H.C
Tổ bảo vệ và quân y phối hợp ghi sổ nhật ký diễn biến tại khu cách ly.Ảnh: H.C

Chuyến đi không báo trước

19 giờ ngày 9.3, còi báo hiệu tập trung vang lên tại cơ quan Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh. Trước đó, chúng tôi đã túc trực từ nhiều ngày theo lệnh sẵn sàng trực chiến của cơ quan, ba lô đựng quân tư trang cần thiết lúc nào cũng chuẩn bị sẵn để cơ động. Và rồi nhận lệnh, từng người trong chúng tôi lần lượt lên xe. Quen với những chuyến đi như thế, song trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lại không biết điểm đến và nhiệm vụ tiếp theo sẽ là gì, anh em có phần lo lắng.

Chuyến xe dừng lại tại Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam phân hiệu miền Trung - Tây Nguyên (phường Cửa Đại, TP.Hội An). Thượng tá Trần Tiến Hiền - Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh quán triệt: theo chỉ đạo của UBND tỉnh, toàn bộ khu vực này được giao cho BĐBP tỉnh để thành lập trung tâm cách ly dành cho các trường hợp có nguy cơ nhiễm Covid-19. Chúng tôi nhanh chóng được chia thành 2 tổ: 3 đồng chí ở tổ quân y, còn lại 12 đồng chí thuộc tổ bảo vệ thay phiên nhau trực gác 24/24 giờ.

Tôi nằm trong tổ bảo vệ. Công việc được giao là tiếp nhận, kiểm tra thân nhiệt, sắp xếp chỗ nghỉ, khi có các trường hợp người đến cách ly và bảo vệ tuyệt đối an toàn tại khu vực này. Đồng thời toàn đội phải nhanh chóng phối hợp cùng cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Đại tổ chức vệ sinh, kê giường, chuẩn bị đầy đủ vật dụng cần thiết nhanh chóng đưa khu cách ly vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Sau 3 giờ làm việc khẩn trương, 100 chỗ nghỉ trên 50 giường cùng các khu vệ sinh đã hoàn thành. Mệt nhoài vì công việc gấp gáp, lo xong cho “khách”, chúng tôi lại tiếp tục tự bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt cho chính mình. Khu nhà ở lâu nay ít được sử dụng, thiếu “hơi người”, nên việc vệ sinh ngốn khá nhiều thời gian, công sức của anh em tham gia trực chiến.

Là người lính, quen với thao trường, súng đạn, nên khi được giao thực hiện nhiệm vụ ai trong chúng tôi cũng đều bỡ ngỡ, vụng về. Thời điểm đó là giai đoạn đầu căng mình chống dịch, mọi thứ quá mới mẻ, những kiến thức cơ bản về phòng chống dịch chưa kịp được trang bị nên ai cũng dấy lên niềm lo lắng. Sinh hoạt, ăn ở cùng khuôn viên với các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao thật sự là một thử thách. Trong khi đó, 39 trường hợp đầu tiên được chuyển vào khu vực cách ly lại là những trường hợp đi chung chuyến bay với bệnh nhân số 17 (bệnh nhân có tiền sử lây nhiễm cao).

Nhiệm vụ càng nặng nề hơn khi chúng tôi phải vào vệ sinh, thu gom, giặt giũ chăn ga tại các phòng nghỉ khi những trường hợp thực hiện đủ thời gian cách ly rời đi để sẵn sàng đón các trường hợp mới. Đặc biệt, sau khi phát hiện thêm ca dương tính số 57, tình hình càng “căng” hơn. Nếu không cẩn thận, bất cứ lúc nào, bất cứ ai trong chúng tôi cũng đều có nguy cơ trở thành một “số thứ tự” nào đó trong đại dịch.

Làm “người sau cuối”

Lo lắng chưa qua, nhưng trong thời khắc đó, lại trỗi dậy trong tôi niềm thôi thúc rằng phải ngay lập tức ghi lại những hình ảnh, thông tin để truyền tải đến bạn đọc. Bởi, an ninh ở khu cách ly khá nghiêm ngặt, cộng thêm nhiều yếu tố nguy cơ cao nên không phải ai cũng có cơ hội được thâm nhập để thu thập thông tin. Vả lại, thân thuộc với đồng đội cũng là một lợi thế để có thể ghi lại những hình ảnh tự nhiên, chân thực nhất tại đây.

Cái khó, là trong tay tôi chỉ có dụng cụ duy nhất để tác nghiệp, là chiếc điện thoại. Tôi liên lạc với đồng nghiệp ở Báo Quảng Nam, chia sẻ ngắn gọn về những gì đang diễn ra, cung cấp các thông tin nền cũng như tường thuật “trải nghiệm” của mình và đề nghị phối hợp. Từ bên trong khu cách ly, những gì chân xác nhất đang diễn ra bắt đầu được hiện diện trên mặt báo.

Không lâu sau đó, bài viết “biệt đội sao đêm” cùng phóng sự ảnh của tôi và phóng viên Alăng Ngước đồng tác giả ra đời. Bài viết đã trở thành nguồn động viên to lớn, là sự ghi nhận những công việc thầm lặng, không quản ngại vất vả, hiểm nguy của lực lượng BĐBP khi tham gia phòng chống dịch.

Đồng đội chuyền tay nhau bài viết trên điện thoại di động để đọc, rồi chia sẻ cho người thân đang mong ngóng ở nhà. Quan trọng nhất, diễn biến và thông tin được chuyển tải kịp thời, chính xác giúp đông đảo người dân hiểu, yên tâm hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giúp cho công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao.

Trong 16 ngày ăn ở, sinh hoạt tại khu cách ly, chúng tôi luôn động viên nhau vượt qua bộn bề áp lực, lấy khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” để cố gắng làm tròn vai của một người lính trong cuộc chiến không kém phần hiểm nguy này. Những người cuối cùng rời khỏi khu cách ly, đến lượt anh em chúng tôi trở thành đối tượng được… cách ly, vì những quy định nghiêm ngặt của phòng chống dịch.

Thời khắc đó, sự bồn chồn, lo lắng vẫn còn ám ảnh, tất thảy đợi chờ kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của chính mình. Hai ngày bỗng trở thành quãng thời gian dài dằng dặc, để rồi cuối cùng niềm vui cũng vỡ òa khi tất cả đều cho kết quả âm tính với vi rút Corona. Chia tay khu cách ly, chúng tôi được đưa về bệnh xá BĐBP, lại tiếp tục thêm 7 ngày cách ly nữa trước khi về lại đơn vị.

Những khoảng lặng tại bệnh xá BĐBP tỉnh giúp chúng tôi rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong cuộc chiến phòng chống đại dịch. Cuộc chiến đấu với dịch Covid-19 còn tiếp tục, được trở về, song trong lòng chúng tôi vẫn là tâm thế sẵn sàng cho những chuyến đi mới. Phía biên giới, đã có lệnh điều động lực lượng để tham gia các chốt chặn tại đường mòn, lối mở qua lại. Những phức tạp đã được dự lường, song chẳng ai dám khẳng định khi nào dịch bệnh được đẩy lùi hoàn toàn. Nhưng chúng tôi tin, lòng quyết tâm sẽ từng ngày đầy lên, đắp xây cho “thành trì” chống dịch. Chúng tôi luôn sẵn sàng lên đường.

HUỲNH CHÍN