Viết báo từ chuyện quanh tôi
Là một cộng tác viên nên việc chọn những vấn đề bức thiết, gắn với đời sống để phản ánh, giúp tôi có nhiều bài báo được đăng...
Trong 25 năm cộng tác với các báo, tôi có niềm vui và nỗi lo chung của các cộng tác viên thời làm báo “thủ công”. Chẳng hạn, bài gửi đi rồi phải lo giờ bưu điện phân chia thư báo để đọc, bài nóng thì fax, bài không mang tính thời sự gấp gáp thì dán tem, gửi xong hồi hộp chờ đợi ngày báo ra. Có nhiều lúc bài mình cảm thấy hay thì bị loại, bài “bình thứ” thì lại được đăng.
Mấy bài viết cho các ngày lễ, ngày xuân, phải lo gửi trước ít nhất một tháng. Khổ nhất là thời gian chờ đợi ngày nào cũng phải lo đón báo như đón người thân đi xa sắp về để đọc, có khi một ngày đi mấy bận. Bài được đăng thì ngóng chờ nhuận bút và báo biếu. Đối với cộng tác viên, báo biếu là kỷ vật còn nhuận bút là xăng dầu, là năng lượng để tái sản xuất...
Tôi bắt đầu cộng tác với báo từ những mẩu chuyện vui cười, tiểu phẩm, sau đó dần hình thành thói quen viết. Tôi nhớ bài báo đầu của tôi là viết về chuyện đấu tranh xét hết tập sự cho giáo viên trên báo Quảng Nam - Đà Nẵng vào năm 1988.
Cụ thể, nội dung là một số giáo viên ra trường trước tôi nhưng các cơ quan chức năng không chịu ra quyết định xét hết thời gian tập sự. Cầm tờ quyết định phân bổ công tác của Sở GD-ĐT Quảng Nam - Đà Nẵng đọc đi đọc lại, tôi thấy quá vô lý. Bởi thời gian tập sự quy định 24 tháng; trong khi đó các thầy cô đã trải 36 tháng tập sự, được nhà trường đánh giá phẩm chất đạo đức tốt, năng lực khá, giỏi.
Sau đó, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng lên tiếng yêu cầu huyện xem xét, “…nếu không vi phạm kỷ luật, hoàn thành nhiệm vụ được giao, có nghiệp vụ giảng dạy từ loại khá trở lên phải được xét hết tập sự”. Một tháng sau kể từ khi bài báo được đăng, chúng tôi được xét cái “rụp”. Cầm quyết định trên tay mà nghe sướng rơn cả người.
Một kỷ niệm đáng nhớ nữa, đó là bài báo phản ánh chế độ của giáo viên khu vực miền núi. Cụ thể, xã Tam Mỹ (Núi Thành) được công nhận là xã miền núi, nhưng suốt hai năm giảng dạy, giáo viên không được hưởng chế độ ưu tiên theo quy định của Nhà nước.
Thật may, bài viết của tôi được đăng trên mục “Công luận và nhà báo” tờ cuối tuần của báo Quảng Nam - Đà Nẵng. Khi báo đăng, lần lượt được Sở GD-ĐT và Ủy ban Dân tộc miền núi trả lời. Nội dung trả lời chung quy là được hưởng nhưng do thủ tục nên chưa triển khai. Lúc đó các thầy cô ở 5 trường của xã Tam Mỹ (1 trường THCS, 2 trường tiểu học và 2 trường mẫu giáo) đều phấn khởi, chờ được hưởng chế độ theo quy định.
Sau vụ này tôi có dịp ra Đà Nẵng đến cơ quan Báo Quảng Nam - Đà Nẵng ở đường Trần Phú thăm một số anh em quen biết. Tôi vẫn còn nhớ như in thư ký tòa soạn của báo nói: “đây là tác giả của bài báo được hai cơ quan trả lời”. Với tôi, đó như là lời động viên, để tiếp tục gắn bó với nghề viết.