Phóng viên đài huyện làm tin bão lụt

VĂN PHIN 30/06/2019 14:38

Vào mùa mưa, cơ quan Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Núi Thành (cũ) đóng vai trò rất quan trọng công tác thông tin diễn biến bão lũ, vì vậy phóng viên tác nghiệp ở cơ sở cũng gặp không ít khó khăn.

Phóng viên Đài Núi Thành tác nghiệp trong lũ.
Phóng viên Đài Núi Thành tác nghiệp trong lũ.

Núi Thành là huyện có địa hình khá phức tạp, nhiều xã nằm ven biển, ven sông, mưa bão lớn xảy ra là ngập lụt, đường sá chia cắt, ở các xã miền núi thì ngoài lũ lụt còn có tình trạng sạt lở đất… Vì vậy chuyện phóng viên cấp huyện đi tác nghiệp vùng bão lũ không những gian nan mà còn hiểm nguy đến tính mạng. Có mặt kịp thời ở những nơi xảy ra bão lũ nặng, chúng tôi đã quay, chụp được nhiều hình ảnh sống động, quý giá. Tuy nhiên, nhiều lần phải “toát mồ hôi hột” khi máy quay, máy ảnh bị ẩm vì mưa to, thậm chí có lần bị “xước đầu từ” máy quay phim sử dụng băng V… Tôi nhớ lần đó cách đây hơn 16 năm, trong cơn mưa gió bão bùng, tôi mang máy quay loại sử dụng băng V lớn theo Ban chỉ huy phòng chống bão lụt huyện đến khu tái định cư xã Tam Hiệp.

Tại đây, đoàn công tác chứng kiến cảnh hàng loạt nhà dân bị sụp đổ, tốc mái ngổn ngang do cơn lốc xoáy gây ra. Vội vàng mở máy để tác nghiệp nhưng loay hoay không khởi động được. Tôi bình tĩnh thực hiện các động tác lau đầu từ nhưng tình hình không khá hơn, mãi mới nhận ra đầu từ máy quay bị xước. Thuở ấy, máy quay phim bằng băng V, khi đầu từ bị nhớp, theo hướng dẫn của kỹ thuật viên và kinh nghiệm của mình, tôi thường dùng bông y tế thấm xăng để lau, nhưng lần ấy đành tiếc nuối bỏ lỡ hiện trường. Chiều tối hôm đó, về đến cơ quan, anh Kim Sơn (Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh) gọi điện đề nghị tôi chuyển hình ảnh thiệt hại do lốc xoáy gây ra ở Núi Thành cho đài tỉnh, tôi đành bó tay mà lòng day dứt mãi. Mới đây, trong lần về xã Tam Hải cứu trợ bà con bị lốc xoáy, trời vẫn còn mưa dầm dề, máy quay của tôi và một phóng viên ở đài khác đều có hiện tượng ẩm. Do máy quay đời mới có khả năng tự khắc phục ẩm tốt hơn nên việc tác nghiệp suôn sẻ hơn.

Hồi mùa mưa 2010, một cơn lũ làm hai người đàn ông ở miền núi Tam Mỹ bị cuốn trôi, đến sáng được phát hiện đang bám trên cây giữa sông gần cầu Thạnh Mỹ (xã Tam Mỹ Tây). Trong lúc nước lũ chảy xiết, sóng cuồn cuộn, hai người bị nạn cố sức chống chọi với thần chết. Lực lượng cứu nạn cứu hộ được triển khai, người đến xem đông nghẹt, tôi cùng với một đồng nghiệp chọn góc đặt máy để quay. Cuộc cứu nạn diễn ra trong thời gian khá dài và đầy căng thẳng, cho đến khi người bị nạn được đưa vào nơi an toàn, tôi mới nhớ ra chân máy quay để bên lan can cầu và quay lại tìm nhưng đã rớt xuống sông. Cũng may hôm đó có ông Trần Văn Hưng - Phó Trưởng ban Thưởng trực Ban chỉ huy phòng chống bão lụt huyện cùng đi, nghe tôi “kể khổ” đã duyệt ngay cho đài mua một cái chân máy quay mới.

Chuyện phóng viên đài huyện đi làm tin bão lụt gặp rất nhiều tình huống xảy ra và không ít lần “toát mồ hôi hột” vì đồ nghề gặp sự cố. Thế nhưng hạnh phúc nhất của chúng tôi - những người làm tin ở cơ sở - là qua những bài viết, thước phim, tấm hình của mình thực hiện nơi bão lũ được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, để mọi người được biết, phòng tránh, chia sẻ, giúp đỡ đồng bào vùng bị thiên tai.

VĂN PHIN