Xe nào dành cho người khuyết tật?
Phương tiện giao thông là nhu cầu không thể thiếu đối với người khuyết tật (NKT) khi di chuyển. Họ cần được giúp đỡ, tạo điều kiện để có phương tiện di chuyển, mưu sinh và hòa nhập với cộng đồng.
Quảng Nam hiện có khoảng 36.000 người khuyết tật (NKT), trong đó có rất nhiều thương, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam… Và họ cũng là đối tượng thường xuyên tham gia giao thông nhưng phương tiện giao thông đường bộ dành cho NKT còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều văn bản được ban hành về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe mô tô, xe gắn máy ba bánh dùng cho người tàn tật nhưng đến nay việc thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Theo quy định của pháp luật, các loại xe công nông, xe ba bánh, bốn bánh tự chế sẽ không được tham gia giao thông. Vậy, NKT không sử dụng xe tự chế thì dùng xe nào? Bà Nguyễn Thị Đào - thương binh¼, chia sẻ: “Lúc đầu, tôi mua xe lăn về sử dụng, vì xe lăn là đôi chân thay thế của người khuyết tật. Nay sức khỏe kém, không thể dùng xe lăn tay, tôi mua xe ba bánh tự chế chưa được kiểm định nên không được dùng, đành bỏ trong xó nhà. Không có phương tiện di chuyển, tôi buộc phải mua chiếc xe tự chế bằng điện”.
Anh H. ở Tam Lộc (Phú Ninh) tâm sự: “Tôi bị liệt từ nhỏ, một chân và một tay bị yếu, chiếc xe tự chế 3 bánh hoặc 4 bánh không những giúp tôi đi lại, mà còn có cơ hội hòa nhập với cộng đồng. Sở hữu chiếc xe là một nhu cầu bức thiết, là niềm mơ ước của tôi, nhưng không có ai tư vấn, sợ tiền mất, tật mang”. Còn anh K. bán vé số ở TP.Tam Kỳ, cho biết, anh mua xe gắn máy 2 bánh, sau đó ra Đà Nẵng chế lại thành xe bốn bánh, không những mất công, lại tốn rất nhiều tiền. Hôm trước suýt gây tai nạn vì do được thiết kế không cân đối, nên tạo ra lực đẩy lệch, làm nghiêng vai người lái, gây lật xe”. Chủ một tiệm sửa xe ở Đà Nẵng cho hay, hầu hết xe 3 bánh của NKT là xe tự chế theo công thức 3 X 1, chỉ có một bánh sau được chuyển động từ động cơ. Những chiếc xe này được hoán đổi từ xe gắn máy 2 bánh, nhưng kết cấu được thay đổi: cần số tay, phanh tay, lắp 2 bánh phía sau, giá cả dao động 15 - 25 triệu đồng/chiếc. Để lựa chọn được một “đôi chân” phù hợp cho NKT, đòi hỏi phải biết loại xe nào hoán đổi được, kỹ thuật lắp ráp, thay đổi các chi tiết như cần số, tay phanh...
Hiện nay, hầu hết NKT sử dụng xe tự chế do tự thiết kế sản xuất, không theo một quy định nào. Nhà nước chưa ban hành quy chuẩn, chưa có tổ chức kiểm định về phương tiện di chuyển của NKT. Luật Giao thông đường bộ cũng chưa tính đến NKT, không có những quy định cụ thể để cấp bằng lái xe cho NKT. Điều đó đã gây khó cho NKT khi sắm phương tiện di chuyển để mưu sinh và hòa nhập với công đồng.
AN DÂN