Đổi thay ở Bình Sa

THU SƯƠNG 17/02/2017 08:31

Là một xã thuần nông, những năm gần đây, xã Bình Sa (huyện Thăng Bình) vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Các cánh đồng sản xuất lúa năng suất thấp như cánh đồng chợ Tây Giang, cánh đồng Cồn Ngãi (thôn Tiên Đỏa)… được chuyển sang trồng đậu phụng, bắp, dưa hấu...

Nhờ tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi và được ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí, năm 2016, nông dân Bình Sa có điều kiện để đầu tư máy móc phục vụ sản xuất. Đến nay, Bình Sa có 2 máy gặt đập liên hợp, 8 máy cày. Cũng trong năm qua, xã đã xây dựng mới 452m đường bê tông giao thông nội đồng, 900m đường giao thông nông thôn, lắp đặt 1km đường dây điện hạ thế phục vụ công trình thủy lợi hóa đất màu tại thôn Châu Khê, xây dựng ba-ra ngăn mặn tại thôn Cổ Linh, xây dựng công trình trạm bơm Tứ Sơn. Đặc biệt, xây dựng 2 tuyến kênh dài 530m tại cánh đồng thôn Tiên Đỏa và Châu Khê, giúp bà con chủ động được nước tưới, việc sản xuất lúa và hoa màu của người dân thuận lợi hơn.

 Các mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi ở Bình Sa đang phát huy hiệu quả tích cực. Ảnh: T.S
 Các mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi ở Bình Sa đang phát huy hiệu quả tích cực. Ảnh: T.S

Những năm gần đây, trên địa bàn xã Bình Sa, nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học, chăn nuôi heo, bò sinh sản được thành lập với quy mô lớn. Hướng đi này đang dần mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, tổng đàn gia súc của xã gần 5.500 con, tăng 182 con so với trước đây. Trong đó, bò lai có hơn 1.300 con chiếm 65% so với tổng đàn, heo nái là 2.240. Đặc biệt, đàn gà hiện có hơn 23 ngàn con, vượt 88,2% so với kế hoạch. Tùy theo thế mạnh của từng vùng, từng thôn mà người dân có hướng phát triển kinh tế gia đình phù hợp, tạo nên sự đa dạng trong sản xuất, chăn nuôi. Ông Hà Như Diêu - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sa cho biết: “Thôn Tiên Đỏa phát triển các mô hình bò cái sinh sản, thôn Bình Trúc 1 nổi lên với mô hình nuôi gà đệm lót sinh học, còn thôn Châu Khê lại trồng rau sạch với diện tích 3ha đã được cấp Giấy chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt theo chương trình VietGAP do Công ty CP Chứng nhận và giám định VinaCert cấp. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tập trung về vốn và kỹ thuật đẩy mạnh phát triển”. Hàng năm ngoài các đợt tập huấn chung cho 6 thôn, mỗi thôn còn có các lớp tập huấn riêng về mô hình  đang thực hiện. Nhờ đó, kỹ thuật nuôi trồng được quan tâm chuyên sâu, việc sản xuất, chăn nuôi của người dân đạt được hiệu quả cao hơn.

Theo ông Trần Ngọc Thọ - Bí thư Đảng ủy xã Bình Sa, sự thay đổi trong những năm gần đây đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho các xóm thôn ở địa phương”.

THU SƯƠNG

THU SƯƠNG