Sách ngôn tình & những hệ lụy…
Giới trẻ hiện nay, nhất là sinh viên, “ghiền” đọc sách ngôn tình đến mức quên ăn quên ngủ. Bởi các bạn trẻ không lường hết được những hệ lụy do nó gây ra…
Sức hút sách ngôn tình
Đọc sách là thói quen, là sở thích của các bạn sinh viên các trường đại học, cao đẳng... Và điều dễ nhận thấy là đa số bạn trẻ hiện nay thích chọn đọc truyện ngôn tình nhiều hơn là những sách văn học giàu tính nhân văn, nuôi dưỡng tâm hồn để sống tốt đẹp hơn. Một phần vì phim ảnh, âm nhạc từ các quốc gia trên thế giới hiện nay như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… nhiều vô cùng mà lại rất hấp dẫn giới trẻ thế hệ 9x, 10x. Có thể kể tên hàng loạt tác phẩm nổi tiếng được các bạn trẻ ái mộ như “Bên nhau trọn đời”, “Yêu em từ cái nhìn đầu tiên” của nhà văn Cố Mạn hay như “Bộ Bộ Kinh tâm” của nhà văn Đồng Hoa, “Nếu ốc sên có tình yêu” của nhà văn Đinh Mặc…
Theo ý kiến của một số bạn trẻ, họ thường gọi các nhân vật trong phim, truyện với những cái tên rất hoa mỹ như “soái ca”, “oppa” và hòa mình trong các bộ phim, truyện tranh như thể mình là một trong những nhân vật được sống trong đó. C. năm nay 21 tuổi, tự nhận mình là “fan cuồng” của truyện ngôn tình các thể loại. C. có thể nằm cả ngày ở nhà chỉ để đọc, nếu không trong giờ học trên giảng đường thay vì nghe giảng viên giảng dạy, C. mở điện thoại ra và… đọc. Còn G. sinh viên năm 4 của một trường đại học, lại có thể thức trắng đêm chỉ để đọc xong một chương của bộ truyện dài kỳ rồi sáng hôm sau ngủ bù thay vì tới lớp học v.v… Phần lớn giới trẻ “nghiện” đọc những truyện ngôn tình như: “Đam mỹ” nói về tình yêu đồng giới của những người đàn ông có ngoại hình đẹp, “Hủ nữ” nói về những cô gái thích đọc truyện, xem phim… “Giới trẻ thích đọc là bởi vì nó mới mẻ, nó kích thích sự tò mò và hấp dẫn hơn so với các thể loại truyện khác” - T. sinh viên năm 2 chia sẻ.
Và những hệ lụy…
Các bạn trẻ bây giờ cho rằng, đọc sách văn học đích thực là “lạc hậu” vì không hấp dẫn. Do vậy, khi áp dụng vào thực tế, làm bài thi cử, đa số những bạn trẻ đam mê ngôn tình, phim ảnh thường không có gì để viết vào lúc cần thiết. Những lá đơn xin việc ngô nghê, sử dụng “teen code” hay đơn cử như khi gửi email, hơn 1/2 giới trẻ sẽ không biết phải viết gì, nên viết gì, thường dẫn đến trường hợp email của họ sẽ bị nhà tuyển dụng bỏ qua hoặc cho là thư spam. Là bởi vì, họ không tư duy, không chủ động trong câu chữ của mình nên kết quả chỉ là những câu văn ngô nghê, râu ông nọ cắm cằm bà kia.
Đam mê truyện ngôn tình, đọc truyện ngôn tình ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào có thể, các bạn trẻ đã gặp phải những hệ lụy không ngờ. Một mớ nội dung truyện ngôn tình na ná nhau không giúp ích gì cho các bạn trẻ trong việc học tập, khi ra trường nó cũng “gây khó” cho việc phỏng vấn do diễn đạt kém, kiến thức lại hẫng hụt, khiến nhà tuyển dụng lắc đầu thất vọng… Đấy là thực trạng không ít bạn trẻ đã gặp phải. Vì vậy, đã đến lúc các bạn trẻ nên nhìn nhận lại, liệu có nên đánh đổi giữa những thứ ảo tưởng với những thứ mang lại cho chúng ta sự hiểu biết và cơ hội tìm kiếm việc làm cao hơn. Bởi bên cạnh sách ngôn tình, còn có rất nhiều sách hay và hấp dẫn khác như “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Thế nên, các bạn trẻ cần suy nghĩ kỹ để khỏi phải phung phí tiền bạc và thời gian vào loại sách ngôn tình mà phần lớn là vô bổ…
HẠNH NGUYÊN TRANG