Thói quen đi họp trễ

VĂN  HOÀNG 19/02/2016 09:31

Sau Tết Nguyên đán, tình trạng cán bộ đi trễ trong các cuộc họp cơ quan hay người dân đi họp không đúng giờ tại các địa phương đã trở thành căn bệnh trầm kha bấy lâu nay. Cuộc họp bắt đầu lúc 7h30 nhưng thường phải đợi chờ đến 8h hoặc hơn mới có thể tiến hành được. Tâm lý trễ giờ một chút khi đi họp đã ăn sâu vào nhiều người khiến việc hội họp trễ giờ đã trở nên bình thường.

Người viết bài này cũng thường xuyên tham dự và tổ chức các cuộc họp đã nhận thấy hiếm khi ban tổ chức trễ giờ, họ thường đến sớm hơn nửa tiếng để kiểm tra công việc chuẩn bị cho cuộc họp. Người được mời dự họp thường hay đến trễ, số người này đôi khi chiếm tỷ lệ quá lớn, buộc lòng ban tổ chức phải chờ đợi, vì hội trường trống vắng quá, không thể bắt đầu cuộc họp được. Nếu cuộc họp mà cấp trên chỉ đạo cấp dưới thì ban tổ chức có thể kiểm điểm, nhắc nhở thậm chí  không cho phép người đi trễ vào họp. Nhưng các cuộc họp mang tính liên ngành, phối hợp hoặc họp với những thành phần không thuộc diện lãnh đạo, quản lý trực tiếp thì không dễ gì nhắc nhở, phê bình. Mặc dù thời gian qua các cơ quan đã có những biện pháp chấn chỉnh việc đi họp trễ giờ nhưng rồi mọi chuyện vẫn không có thay đổi mấy. Đi trễ không chỉ đơn thuần là một thói quen xấu mà còn bám rễ vào tư tưởng mỗi người, gây nên sự lãng phí rất lớn về thời gian, tiền bạc.

Để khắc phục thói quen xấu là đi trễ, bản thân mỗi người phải có ý thức tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân mình. Nếu bạn không muốn phải chờ đợi người khác thì chắc chắn người khác cũng không dễ chịu khi phải chờ đợi bạn. Vì vậy, khi được mời dự họp, chúng ta cần nhớ rõ ngày giờ, nơi chốn để đi họp đúng giờ. Chúng ta nên tạo cho mình thói quen đến sớm hơn vài phút sẽ tốt hơn là đến trễ vài phút. Vẫn biết, việc thay đổi thói quen đi họp trễ đối với mọi người là chuyện không phải dễ nhưng đừng vì thế mà hứa lần hứa hồi rồi chậc lưỡi… cho qua!

VĂN  HOÀNG

VĂN  HOÀNG