Quy hoạch, bố trí đất tái định cư ở Đông Giang: Nhu cầu vượt khả năng

NGUYÊN ĐĂNG 16/10/2015 09:21

Nhân đọc bài “Miền núi thiếu đất ở, đất sản xuất: Giải pháp nào?” trên số báo thứ Năm 15.10, bạn đọc Nguyên Đăng có bài viết gửi đến Báo Quảng Nam phản ánh thực trạng hàng trăm hộ dân ở Đông Giang sống trong vùng sạt lở có nhu cầu di dời tái định cư (TĐC) nhưng những nỗ lực của chính quyền địa phương vẫn rơi vào bế tắc. Ngay cả những hộ TĐC nay phát sinh hộ mới cũng không biết ở đâu.

Nhu cầu lớn

Hơn 330 hộ đồng bào địa phương nằm trong các vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao cần được di dời, đã cho thấy nhu cầu sắp xếp bố trí TĐC cho người dân ở xã vùng cao Đông Giang rất lớn. Tại 2 khu TĐC thủy điện Cutchrun và Pachepalanh (xã Ma Cooih), theo thông tin từ chính quyền địa phương hiện có đến hơn 200 hộ dân có nhu cầu TĐC để ổn định cuộc sống lâu dài. Ông Ata Đum, ở thôn A Đền (thuộc khu TĐC Cutchrun) cho hay, người dân địa phương đang rất khó khăn trong việc tìm đất sản xuất, cũng như bố trí nơi ở cho 34 hộ dân phát sinh trong những năm gần đây. Do vậy, tình trạng 2 - 3 gia đình cùng chung sống dưới một mái nhà diễn ra từ nhiều năm nay, do chưa tìm được đất ở mới. “Trước đây, khi bố trí TĐC cho người dân, chính quyền địa phương và chủ đầu tư không tính đến chuyện dự trữ quỹ đất cho các hộ phát sinh sau này, nên bây giờ người dân gặp khó khăn” - ông Ata Đum nói. Liên quan đến việc tìm đất ở mới, nhiều hộ dân địa phương kiến nghị cần mở rộng thêm 2 khu tái định cư Cutchrun, Pachepalanh để bố trí đất ở và đất sản xuất cho các hộ phát sinh. Đồng thời tỉnh cũng cần thu hồi diện tích rừng sản xuất và diện tích đất tại khu vực đường vào đập nhà máy thủy điện A Vương để cấp bổ sung cho nhân dân ở hai khu TĐC này.

Chưa tìm được đất ở mới, nhiều hộ dân phát sinh ở xã Ma Cooih đành phải dựng tạm nhà sàn để tá túc. Ảnh: NGUYÊN ĐĂNG
Chưa tìm được đất ở mới, nhiều hộ dân phát sinh ở xã Ma Cooih đành phải dựng tạm nhà sàn để tá túc. Ảnh: NGUYÊN ĐĂNG

Xã Ma Cooih chỉ là một trong nhiều địa phương của huyện Đông Giang đang gặp phải tình trạng tương tự khi thiếu đất bố trí TĐC cho người dân bản địa. Theo bà Zơrâm Thị Nép - Chủ tịch UBND xã Jơ Ngây, địa phương hiện có hơn 35 hộ đồng bào bản địa ở thôn Brùa có nhu cầu về bố trí TĐC. Ngoài một vài hộ nằm trong khu vực nguy hiểm do sạt lở bờ sông, số còn lại là phát sinh mới. Theo kế hoạch, các hộ dân này sẽ được di dời vào năm 2016, tại khu TĐC mới thuộc thôn C’loò, gần tuyến đường liên xã Za Hung - Jơ Ngây. “Nếu khu TĐC mới được triển khai xây dựng hoàn chỉnh, sẽ đáp ứng được khoảng 40 hộ dân sinh sống ổn định, giúp địa phương giải quyết được tình trạng về đất ở cho các nhóm hộ phát sinh, cũng như xóa nỗi lo về mối hiểm họa do sạt lở đất ở các sông suối vùng cao” - bà Nép nói. Còn tại xã Kà Dăng, theo báo cáo của chính quyền địa phương, hiện có khoảng 65 hộ dân ở các thôn A Chôm 1, A Chôm 2 và Tu Núc có nhu cầu về đất ở, cần được di dời. Tương tự, tại các thôn Xà Nghìn 2 (xã Za Hung), A Bung (xã Arooih), hàng chục hộ dân khác cũng đang đối mặt với nguy cơ sạt lở đất và lũ quét, nhất là ở thời điểm mưa lũ đang đến rất gần.

Vượt khả năng của địa phương

Những năm gần đây, khi nhu cầu bố trí TĐC của người dân địa phương tăng cao, chính quyền huyện Đông Giang đã nỗ lực tìm các biện pháp nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài, nhất là đối với các hộ đồng bào nằm trong dự án thủy điện. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, việc tìm đất bố trí, quy hoạch TĐC cũng như huy động nguồn vốn thực hiện cho các dự án này đang trở nên rất khó khăn, vượt khả năng của địa phương. Trong khi đó, tại nhiều khu dân cư thuộc các xã Ca Dăng, Jơ Ngây, Za Hung... mưa lũ hằng năm đã gây ra nhiều điểm sạt lở đất gần nhà ở, khiến người dân lo lắng.

Cũng theo ông Đỗ Tài, ngoài việc tìm nguồn vốn đầu tư xây dựng TĐC cho người dân, chính quyền địa phương cũng đang gặp khó do thiếu quỹ đất để bố trí TĐC mới. Đơn cử là việc tìm đất bố trí TĐC cho đồng bào Cơ Tu ở các thôn A Chôm 1, A Chôm 2 và Tu Núc (xã Ca Dăng) kéo dài từ nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài. Bởi công tác quy hoạch đang có liên quan đến khu vực đất của Trại giam An Điềm (huyện Đại Lộc), khiến công tác TĐC chưa thể triển khai. “Vấn đề TĐC cho người dân địa phương kéo dài từ nhiều năm qua, nhưng khả năng của huyện không giải quyết được. Do vậy, tỉnh cần có chủ trương hỗ trợ giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống người dân trên địa bàn huyện” - ông Tài nói.

Trước mùa mưa lũ hằng năm, mặc dù chính quyền địa phương đã triển khai nhiều phương án tại chỗ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân bản địa, nhưng xét cho cùng đó vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Còn về lâu dài, theo người dân địa phương là cần phải có chỗ ở mới ổn định, đảm bảo cuộc sống theo hướng bền vững. Trước những khó khăn của huyện Đông Giang về sắp xếp, bố trí TĐC cho người dân bản địa, các ngành liên quan của tỉnh cũng đã xây dựng các đề án khắc phục nhằm từng bước tháo gỡ, tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, theo một đại diện lãnh đạo của Ban Dân tộc tỉnh, đến nay ngoài 8 hộ dân ở thôn Xà Nghìn 2 (xã Za Hung) được bố trí nơi ở mới tại khu TĐC dọc tuyến đường Za Hung - Jơ Ngây, hiện chỉ có thêm khu TĐC thôn Brùa (xã Jơ Ngây) và thôn A Bung (xã Arooih) đã được lập đề án quy hoạch trình Ủy ban Dân tộc phê duyệt. Tại buổi làm việc với UBND huyện Đông Giang mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chia sẻ với những khó khăn của địa phương trong việc tìm hướng sắp xếp, bố trí TĐC cho người dân nằm trong vùng nguy hiểm cần được di dời. Đồng thời cho biết, tỉnh sẽ tạo điều kiện giúp địa phương tìm nguồn vốn để triển khai các dự án TĐC. Trước mắt, huyện Đông Giang cần chủ động hơn trong công tác quy hoạch đất nông nghiệp, có hướng hỗ trợ, bố trí đất sản xuất cho người dân địa phương, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

NGUYÊN ĐĂNG

NGUYÊN ĐĂNG