Báo động ô nhiễm môi trường nông thôn

TRẦN LỰ 09/10/2015 08:29

Nếu khu vực đô thị đang đau đầu về ô nhiễm không khí, ứ đọng rác thải công nghiệp thì ở nông thôn, khu vực này đang đối mặt về ô nhiễm môi trường, nhà vệ sinh hoặc ô nhiễm nguồn nước do chất thải từ các làng nghề; ô nhiễm trong môi trường đất do sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Cùng với đó là sự phát triển của ngành nông nghiệp (trồng trọt, làm thủy lợi, chăn nuôi, gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản...) đều đi kèm với những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ngay cả chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đang than thở khó có thể hoàn thiện 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới vì khó có thể đáp ứng được tiêu chí về môi trường. Để tiến tới một nền nông nghiệp xanh và bền vững, ta cần những biện pháp quyết liệt kiểm soát tình trạng ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm phát sinh trong sản xuất, xây dựng hạ tầng và sinh hoạt ở khu vực nông thôn.

Qua các số liệu thống kê cho thấy, hiện có khoảng 60 - 65% lượng phân đạm không được cây trồng hấp thu, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái nông nghiệp và ô nhiễm nguồn nước. Thêm vào đó, lượng rác thải, chất thải khí ngày càng tăng, lượng rác thải rắn chưa qua xử lý tùy tiện đổ ra ven đường làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó, nổi cộm là vùng nuôi tôm tập trung và nuôi cá. Trung bình cứ 576 tấn cá cũng đã tạo ra 600 tấn chất thải đổ thẳng ra sông. Còn trong lĩnh vực chăn nuôi, hàng năm, khoảng 60% trong số 78 triệu tấn thải rắn chưa qua xử lý từ đàn gia súc, gia cầm đổ thẳng ra môi trường, xuống hệ thống thoát nước, kênh mương...

Nhiều làng quê bây giờ phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, dễ thấy nhất và trầm trọng hơn cả là ô nhiễm môi trường nước, làm cho sức khỏe con người bị ảnh hưởng trực tiếp. Đặc biệt là những bệnh ung thư, bệnh da liễu và một số bệnh truyền nhiễm khác gần đây xảy ra liên tục ở nhiều địa phương. Thực tế này đang ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân nói chung và người dân nông thôn nói riêng. Những sản phẩm như rau quả, lương thực, thực phẩm ít nhiều đều ảnh hưởng trực tiếp đến con người; cư dân nông thôn mắc các bệnh do ô nhiễm có tỷ lệ cao hơn thành phố, đặc biệt cư dân làm việc và sinh sống tại các làng nghề, gần các khu công nghiệp.

Để kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay ở nông thôn, thiết nghĩ điều đầu tiên nên làm là phải quy hoạch các làng nghề, nhất là các làng nghề nằm xen kẽ tại các khu dân cư, các khu công nghiệp. Kế đến, phải có hệ thống xử lý nước thải chung cho cả một làng nghề; phải khuyến cáo người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng hướng dẫn, tránh dư lượng trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tuyên truyền cho người dân thay đổi nhận thức do thói quen xả rác tùy tiện và tập quán canh tác. Hệ thống pháp luật cũng cần phải được đẩy mạnh để tăng tính răn đe, có chế tài xử lý, không thể coi việc gây ô nhiễm môi trường là việc của xã hội, không phải việc của mình. Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bảo đảm vệ sinh. Ngoài đầu tư của Nhà nước, chính quyền địa phương cũng phải vào cuộc xây dựng các công trình vệ sinh công cộng; mỗi địa phương nên dành quỹ đất để việc thu gom xử lý rác thải được thuận tiện, tránh tình trạng đổ, vứt rác tràn lan... gây ô nhiễm môi trường nông thôn. Có như vậy mới trả lại cho bộ mặt nông thôn bầu không khí trong lành như vốn có của nó. Trước mắt, chúng ta cùng nhau tiếp tục hành động theo Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm nay với chủ đề: “Hãy hành động vì môi trường nông thôn bền vững”.

TRẦN LỰ

TRẦN LỰ