"Học kỳ 3"

CHÂU NỮ 05/06/2015 10:00

Báo Quảng Nam số ra ngày 4.6 đăng bài “Chuyện nghỉ hè”, bàn cách nghỉ ngơi nào trong dịp hè có ích cho học sinh. Tuy nhiên, vấn đề trẻ em không có mùa hè trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

GỌI là “nghỉ hè” nhưng dường như bây giờ hiếm có học sinh nào được nghỉ hè đúng nghĩa, ấy là được nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí trong mấy tháng hè. Mùa hè trở thành học kỳ 3 của các em khi phải tiếp tục ôn luyện để chuẩn bị cho năm học tới. Không chỉ trẻ em thành phố mà trẻ em ở nông thôn cũng không còn cơ hội để chơi những trò đá dế, thả diều như xưa kia, bởi tất cả đều quay cuồng với sách vở hoặc những cuộc mưu sinh để chuẩn bị cho năm học mới. Cuối năm học, nhiều phụ huynh đã bàn tán hè này cho con học thêm môn gì, ở đâu? Có phụ huynh tâm sự, dù muốn cho con được thư giãn trong mấy tháng hè nhưng sợ con không theo kịp bạn bè nên phải cho con đi học hè. Vả lại, nếu không cho con học hè, các bậc phụ huynh cũng khó quản nổi con cái. Hơn nữa học hè cũng là một cách giúp con hạn chế chơi game online hoặc chơi những trò chơi nguy hiểm. Những thông tin về trẻ em đuối nước trong những ngày qua tại Quảng Nam lại càng làm cho các bậc cha mẹ lo lắng hơn về sự an toàn của con cái trong kỳ nghỉ hè.

Bởi vậy, trong dịp hè, học sinh tiểu học được gửi vào các lớp bán trú học cả ngày như học chính khóa; học sinh THCS, THPT “chạy sô” học hè nhiều môn. Riêng với học sinh ở lứa tuổi mầm non, nghỉ hè càng là nỗi “ám ảnh” của các bậc cha mẹ vì không biết gửi con ở đâu cho an tâm. Có người gửi cho các nhóm trẻ gia đình bán chuyên nghiệp, vừa được lập ra trong dịp hè. Có người gửi người thân, ông bà nhờ trông giúp nhưng bữa được bữa mất nên ngày nào cũng thấp thỏm. Không ít cán bộ, công chức chọn cách đưa con đến cơ quan, biến cơ quan thành “nhà trẻ” bất đắc dĩ...

Chính vì thế, trong dịp hè, nhiều lớp kỹ năng, năng khiếu hè được mở ra tại các trung tâm. Ví như tại Nhà Thiếu nhi TP.Tam Kỳ tổ chức hàng chục lớp ở lĩnh vực thể thao (bơi lội, bóng bàn, cầu lông...); văn hóa văn nghệ (đàn, hát, múa, vẽ...). Kiểu học mà chơi, chơi mà học trong dịp hè như thế này được nhiều phụ huynh quan tâm. Nhiều học sinh được cha mẹ đăng ký tham gia các lớp học kỳ trong quân đội. Đây có thể được xem là cách rèn luyện tích cực khi các em được trải nghiệm cuộc sống quân ngũ vốn mang tính tập thể, tính kỷ luật rất cao. Nhưng mùa hè ý nghĩa này cũng chỉ kéo dài vài ba tuần, rồi sau đó, các em cũng phải tất bật ôm sách vở học hè cho bằng bạn bằng bè. Và một “vòng quay” khắc nghiệt được lặp lại: Để cho bằng bạn bằng bè, các em lại phải... chạy sô, vừa học văn hóa vừa học năng khiếu.

Nhiều thầy cô giáo, các bậc phụ huynh kêu gọi trên các phương tiện truyền thông, trên mạng xã hội rằng “Hãy trả lại cho học sinh kỳ nghỉ hè đúng nghĩa” nhưng xem ra việc này không dễ thực hiện. Việc học sinh không được nghỉ hè đúng nghĩa có lẽ không chỉ do phụ huynh mà còn có một phần trách nhiệm không nhỏ của ngành giáo dục và của cả xã hội.

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ