Thoát nghèo nhờ chăn nuôi dê, bò…

NGUYỄN HƯNG 12/09/2014 10:07

Từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhờ chăn nuôi dê và bò lai mà gia đình anh Dương Văn Quân ở thôn Cẩm Đông, xã Tiên Cẩm (Tiên Phước) đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định với thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Năm 2011, qua lời giới thiệu của bàn bè, anh Dương Văn Quân đã mua 4 con dê ở xã Tam Đàn (Phú Ninh) với giá 5 triệu đồng đem về nuôi thử. Đến nay, đàn dê của gia đình anh có 31 con, trong đó có 26 con dê nái. Anh Quân cho hay, anh là người đầu tiên ở địa phương nuôi dê nên nguồn thức ăn cho chúng khá phong phú. Hàng ngày, khi mặt trời lên cao, cây cỏ hết ướt sương, anh mới thả đàn dê ra cho ăn, đến tối chúng tự quay về chuồng. Dê là loài tạp ăn, nhiều loại lá cây và cả phụ phế phẩm nông nghiệp khác chúng đều có thể ăn được. Cũng theo anh Quân, một con dê con nuôi dưỡng tốt, sau 10 tháng là bắt đầu sinh sản. Trung bình mỗi năm dê đẻ khoảng 2 lứa, mỗi lứa 2 - 3 con. Nuôi khoảng 7 - 8 tháng có thể đạt 30 - 35kg và bán với giá 120.000 đồng/kg.

Nông dân trong xã đến tham quan học hỏi mô hình chăn nuôi dê và bò lai của gia đình anh Dương Văn Quân.  Ảnh: N.H
Nông dân trong xã đến tham quan học hỏi mô hình chăn nuôi dê và bò lai của gia đình anh Dương Văn Quân. Ảnh: N.H

“Việc nuôi dê cũng khá đơn giản chủ yếu nắm được các đặc tính của loài dê để phòng ngừa dịch bệnh. Trước tiên, chuồng trại phải thông thoáng, sạch sẽ, tránh nắng nóng và sàn gỗ cách mặt đất khoảng 1m vì loài dê không ưa độ ẩm cao. Phía trước chuồng nuôi cần có một khoản đất trống để quản lý theo dõi đàn dê, cho ăn, phối giống và phòng trị bệnh. Nuôi dê không mất công chăn thả, ít bị lây nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài, chuồng trại đơn giản, nuôi chúng còn có nguồn phân bón để chăm sóc cho cây trồng trong vườn. Hiện tại, tôi tập trung nhân rộng con nái giống nên chỉ xuất bán dê đực và dê thịt. Trong năm vừa qua, gia đình tôi bán dê thịt thu được khoảng 40 - 50 triệu đồng” - Anh Quân tâm sự. Việc chăn nuôi dê rất phù hợp với địa bàn Tiên Cẩm, bởi nơi đây địa hình đồi núi, khí hậu thuận lợi cho cây tạp, cỏ dại phát triển là nguồn thức ăn dồi dào để chăn thả dê. Hiện, thị trường tiêu thụ dê thịt rất mạnh, các thương lái ở TP.Tam Kỳ tìm đến tận nhà hỏi mua với giá khá cao và ổn định. Dê ít bị dịch bệnh, chi phí thức ăn không nhiều nên hiệu quả mang lại khá cao.

Cùng với việc nuôi dê, gia đình anh Quân còn đầu tư trồng thêm 6 sào cỏ voi, cỏ sả để nuôi 8 con bò lai sinh sản. Chị Phạm Thị Hà - vợ anh Quân, cho biết: “Vợ chồng tôi nuôi bò khá lâu nhưng trước đây chăn thả theo kiểu truyền thống chứ không nuôi nhốt. Hiện, gia đình chuyển sang nuôi bò thịt theo kiểu nuôi nhốt rất thuận lợi, chỉ cần một mình tôi cũng có thể chăm sóc cho cả đàn bò mà vẫn có thời gian rỗi để làm những công việc khác. Loại cỏ voi, cỏ sả rất phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng ở địa phương. Với diện tích cỏ voi, cỏ sả đã trồng, cộng thêm những phụ phẩm nông nghiệp lá bắp, rơm rạ… gia đình tôi có đủ thức ăn cho 8 con bò nuôi nhốt”. Chị Phạm Thị Hà cũng cho biết thêm, một con bò nghé 8 - 10 tháng tuổi bán được gần 10 triệu đồng. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình chị bán bò giống và bò thịt thu về khoảng 50 - 60 triệu đồng.

Từ một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhờ chăn nuôi dê và bò lai, đến nay vợ chồng anh Quân đã vươn lên khá giả với thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng. Việc học hành của 3 đứa con, vợ chồng anh không còn phải lo lắng gì. Ông Võ Khánh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Cẩm cho biết: “Mô hình nuôi dê và bò lai của gia đình Dương Văn Quân là một mô hình có hiệu quả và cần được nhân rộng. Chúng tôi cũng đã giới thiệu cho hội viên ở các thôn đến tham quan học hỏi, nếu hộ nào có nhu cầu chăn nuôi dê và bò lai sind địa phương sẽ tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn vay”.

NGUYỄN HƯNG

NGUYỄN HƯNG