Tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi: Vất vả, nhiêu khê...
Hội thi giáo viên dạy giỏi (GVDG) được ngành giáo dục duy trì nhằm tuyển chọn, công nhận và tôn vinh những giáo viên (GV) đạt danh hiệu GVDG các cấp. Tuy nhiên, đáng lưu tâm là có không ít GV miễn cưỡng tham gia. Vì sao vậy?
HỘI thi GVDG là hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của các trường tiểu học, THCS và THPT. Hội thi được tổ chức mỗi năm một lần đối với cấp trường, 2 năm một lần đối với cấp huyện và 4 năm một lần đối với cấp tỉnh. Mục đích của hội thi là tuyển chọn, công nhận và tôn vinh những GV đạt danh hiệu GVDG các cấp, tạo điều kiện để họ thể hiện năng lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy; tổ chức lớp học. Được công nhận GVDG là niềm hãnh diện, tự hào của GV; là vật bảo chứng cho năng lực sư phạm và uy tín của GV đối với học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, hiện nay không ít GV lại tỏ ra thờ ơ, không thiết tha với danh hiệu này. Vì sao vậy? Câu trả lời đơn giản là tham gia hội thi GVDG hết sức vất vả vì phải đầu tư quá nhiều công sức và tiền bạc, có khi xao nhãng cả việc giảng dạy trên lớp, trong khi danh hiệu GVDG không còn sức thuyết phục học sinh và phụ huynh về năng lực giảng dạy của GV và những giá trị mà nó mang lại không thấm tháp gì so với thời gian, công sức và tiền bạc mà GV tham gia hội thi bỏ ra.
Thầy Nguyễn Hữu Hùng, GV trường THCS Trần Quý Cáp (Thăng Bình) trong giờ thao giảng tại Hội thi GV dạy giỏi huyện Thăng Bình lần thứ II. Ảnh: Đ.N.N |
Theo Điều lệ Hội thi GVDG, GV dự thi phải nộp báo cáo sáng kiến kinh nghiệm hoặc kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng được đánh giá trong 4 năm học gần nhất; làm một bài kiểm tra năng lực hiểu biết về kiến thức chuyên môn hoặc nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm, hoặc hiểu biết về chủ trương, đường lối, định hướng đổi mới giáo dục và các nội dung chỉ đạo của ngành; rồi thực hành giảng dạy 2 tiết trong chương trình giảng dạy tại thời điểm diễn ra hội thi.
Ở vòng thi báo cáo sáng kiến kinh nghiệm khá đơn giản vì GV đã có sẵn, chỉ việc in ra và đem nộp là xong. Nhưng vòng thi năng lực thì đã thấy rõ sự vất vả, khổ cực, lao tâm khổ tứ của GV vì ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, soạn giáo án, làm hồ sơ, chấm bài, làm công tác chủ nhiệm... thầy cô giáo còn phải tìm tài liệu, nghiên cứu rồi học thuộc lòng các văn bản, thông tư, điều lệ... để đi thi. Qua được cửa ải này, GV tiếp tục chuẩn bị giáo án, soạn bài giảng điện tử, chuẩn bị đồ dùng dạy học cho hai tiết dạy. Ở nhiều hội thi cấp huyện, ban tổ chức quy định các tiết dạy phải được tổ chức ở trường khác nên GV phải đi làm quen trước với lớp một vài lần, dặn dò học sinh chuẩn bị rồi mới dạy có ban giám khảo dự giờ đánh giá. Trước ngày thi giảng, GV phải dạy thử một vài lần cho học sinh trường mình để ban giám hiệu, tổ chuyên môn và đồng nghiệp góp ý và hoàn thiện giáo án. Đến ngày thi, GV phải mang vác lỉnh kỉnh bảng phụ, đồ dùng trực quan để phục vụ cho tiết dạy. Đối với các môn như Hóa, Lý, Sinh có khi phải mang vác hai ba lần mới hết. Nếu trường giảng dạy ở gần còn đỡ, chứ lỡ bốc thăm ở trường xa thì thật là một tai họa. Chỉ mỗi việc này, GV cũng đã ngán!
Theo điều lệ, trong hai tiết dạy có một tiết tự chọn và một tiết do ban tổ chức xác định bằng hình thức bốc thăm. Đối với GV THCS và THPT dạy theo môn nên bốc thăm trúng khối nào cũng không có vấn đề gì, nhưng với GV tiểu học lại khác. Có GV hàng chục năm dạy lớp 5, được chọn đi thi cấp huyện, rủi thay khi bốc thăm chọn tiết dạy lại rơi vào tiết học vần lớp 1. Thế là phải khăn gói dự giờ các đồng nghiệp dạy lớp 1 hết người này đến người khác, rồi học cách phát âm của chính con gái mình đang học lớp 1. Thế đã hết đâu, để tham dự hội thi, GV phải tự trang trải toàn bộ kinh phí, từ chuẩn bị đồ dùng dạy học đến in ấn tài liệu. Vì thế, đầu tư cho một tiết dạy bài bản cũng mất vài trăm ngàn đồng là chuyện bình thường. Trong khi kinh phí của các nhà trường hạn hẹp, cố gắng lắm cũng chỉ hỗ trợ 100 - 200 nghìn đồng cho mỗi GV trong suốt quá trình chuẩn bị và tham gia hội thi. Quả là con đường để đạt được danh hiệu GVDG thật quá gian nan, khổ cực. Thế nhưng, GV được công nhận GVDG chỉ nhận mức thưởng mang tính tượng trưng! Thông cảm nỗi nhọc nhằn của GV dự thi nên ban giám khảo cũng có phần nương tay, điều này vô hình trung làm giảm giá trị vốn có của danh hiệu GVDG.
Tổ chức hội thi GVDG để tuyển chọn, công nhận và tôn vinh GV đạt danh hiệu GVDG các cấp là việc cần làm. Vấn đề là làm như thế nào để khuyến khích sự tham gia nhiệt tình của GV, để họ cảm nhận được sự đãi ngộ tương xứng với cống hiến, không chỉ qua một vài hội thi mà cả một đời làm nghề dạy học. Và quan trọng nhất là phải có cơ chế linh hoạt và thông thoáng hơn về chế độ, ví dụ như nâng lương trước hạn cho GV được công nhận là GVDG. Theo thiển ý của người viết bài này, nên chăng thay vì tổ chức hội thi GVDG như hiện nay, qua một thời gian 3 năm hoặc 5 năm một lần, ngành giáo dục tổ chức thi nâng bậc cho GV giống như là thi nâng bậc cho công nhân. Có như vậy mới khuyến khích GV trau dồi trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để trở thành GVDG, xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của nhân dân.
ĐOÀN NGỌC NGHĨA