Nét đẹp tết quê

CHÂU NỮ 07/02/2014 10:47

Nhiều hoạt động văn hóa dân gian sôi nổi,  nhiều việc làm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và lòng nhân ái cùng việc giữ gìn văn hóa truyền thống... là những nét đẹp của tết quê xứ Quảng.

Từ mùng 4 Tết Giáp Ngọ 2014, Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam đã bắt đầu chuyến lưu diễn phục vụ bà con quê nghèo ở Bình Nam (Thăng Bình), Tam Thanh (Tam Kỳ) với vở diễn “Chuyện tình trong vương phủ” - đề tài không mới nhưng cách thể hiện mới. Đêm diễn tại Tam Thanh tối mùng 6 tết thu hút khá đông người xem, trong đó có nhiều nam nữ thanh niên. Điều đó cho thấy dân ca kịch ngày nay vẫn còn sức hấp dẫn đối với giới trẻ. Ông Huỳnh Nhật Lệ - Trưởng đoàn Dân ca kịch Quảng Nam cho biết, để đáp ứng sự yêu mến của người dân, tại mỗi nơi dừng chân, đoàn diễn liên tục 2 đêm và dự kiến sẽ lưu diễn tại các vùng quê trên địa bàn tỉnh đến hết ngày 16 tháng giêng âm lịch.

 Gói bánh tét trong những ngày giáp tết.
Gói bánh tét trong những ngày giáp tết.

Bỏ qua những trò chơi mang tính ăn thua như tôm cua bầu cá, cờ bạc, trò chơi dân gian như hô lô tô ở Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung thu hút khá đông bạn trẻ tham gia. Nhiều bạn cũng bày tỏ sự nuối tiếc khi năm nay trung tâm không có chương trình hô bài chòi. Trong dịp này, các hoạt động văn hóa - thể thao cũng diễn ra khắp nơi. Thanh niên thôn Phú Lộc (xã Quế Xuân 2, Quế Sơn) đã sôi nổi với giải bóng chuyền được tổ chức từ mùng 5 tết và sẽ còn kéo dài. Tại Đại Lộc, sáng mùng 6 âm lịch đã diễn ra hội đua ghe truyền thống với sự tham dự của 24 thuyền đua nữ. Đông đúc, sôi nổi hơn, khi khung cảnh trên bờ là hàng ngàn người hò reo, cổ vũ, trong tinh thần tươi vui, đoàn kết... Ông Lê Nho Sáu - người dân thôn Phú Lộc nói, nhờ tham gia vào các hoạt động thể thao giải trí lành mạnh nên nạn chơi cờ bạc, bầu cua tôm cá... của thanh niên ở đây giảm hẳn hơn so với mọi năm.

Trong khi đó, nhiều con dân xứ Quảng sống xa quê trở về lại có nhiều việc làm ý nghĩa, từ tỏ lòng tri ân các bậc tiền nhân, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn bằng việc tảo mộ, thắp hương nhà thờ, ông bà, đình chùa đầu năm đến việc chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn bất hạnh. Nhà thờ tộc Phan Tấn (thôn Bàu Tròn, Đại An, Đại Lộc) trong những ngày tết lúc nào cũng đông đúc con cháu đến thắp hương, nhất là con cháu sống xa quê. Còn anh Trương Lút, Việt kiều Canada, trong chuyến về quê ăn tết ở thôn Mông Lãnh, Quế Xuân 2, Quế Sơn đã tặng hàng chục suất quà cho người nghèo và bà con láng giềng. Anh Lút chia sẻ: “Nhiều năm sống xa quê, nay trở về quê nhà, tôi thấy nhiều bà con quê mình vẫn còn cực khổ, thương quá! Món quà nhỏ đầu xuân của tôi dành cho bà con mong góp một phần nhỏ để bà con sắm tết đầy đủ hơn”.

Một số loại bánh truyền thống của người dân xứ Quảng vào dịp Tết Nguyên đán.  Ảnh: C.N
Một số loại bánh truyền thống của người dân xứ Quảng vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: C.N

Tết năm nào cũng vậy, trên thị trường không bao giờ thiếu các loại bánh mứt từ bình dân đến cao cấp. Tuy nhiên, nhiều mẹ, nhiều chị ở quê vẫn muốn tự tay làm và dạy con cháu làm những loại bánh như bánh in, bánh tét, bánh nổ, bánh tổ, mứt gừng, mứt dừa... Tự tay làm bánh mứt không chỉ đảm bảo khâu an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn tiết kiệm vì đa số được làm những nguyên vật liệu “cây nhà lá vườn” như nếp, đường, gừng, dừa... Quan trọng hơn, thông qua đó còn khơi gợi, nhắc nhớ con cháu về giá trị văn hóa truyền thống. Chiều cuối năm, đi dọc đường làng, nhiều người con xa quê trở về cảm thấy ấm áp khi nghe tiếng nếp nổ lép bép vui tai. Cũng vậy, hình ảnh cả nhà quây quần gói bánh chưng, bánh tét, rồi ngồi canh lửa chờ bánh chín và trò chuyện, mới thấy hết giá trị của nét đẹp văn hóa truyền thống. Tết này bà Hồ Thị Ba cùng cô con dâu ở khu Hoán Mỹ (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) làm đủ loại bánh, từ bánh khô khổ, bánh in, bánh tổ, bánh tét, đến muối thịt, làm nem... để gửi cho các con bà ở xa không về quê ăn tết được. Nhận được quà quê mẹ gửi, chị Lê Khánh Thi - con gái bà Ba, cảm động nói: “Những món quà quê của mẹ đã gợi cho tôi nhớ kỷ niệm tuổi thơ một thời”.

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ