Khoai Trà Đõa quê tôi
Chẳng biết bà con Cẩm Phô gánh hàng đi bán từ lúc nào mà quê tôi Chợ Được (Bình Triều) khi ông mặt trời còn chưa thức dậy, đã nghe tiếng rao lanh lảnh “Hến đây, hến đây! “. Như vậy là, canh hến Cẩm Phô (Hội An) đậm đà, cộng với khoai lang Trà Đõa ngọt ngào thơm lựng làm nên bữa ăn dân dã, ngon lành, cũng là nếp sống thường xuyên đời đời quen thuộc của bà con quê tôi.
“Quảng Nam có lụa Phú Bông,
Có khoai Trà Đõa, có sông Thu Bồn”.
Phải chăng đó cũng là đặc điểm của một vùng quê đất Quảng. Khoai Trà Đõa là một loại khoai tuyệt diệu, có từ lúc nào? Cao su, cà phê, phi lao, kể cả xà lách… nghe nói gốc từ châu Phi, châu Mỹ người Pháp đã đưa giống sang ta. Còn khoai lang Trà Đõa quê tôi, có thể ra đời từ thuở hồng hoang, khi có con người đặc biệt xuất hiện trên mảnh đất đặc biệt này chăng? Quê tôi, đất ruộng không nhiều, hầu hết là đất cát pha. Sông Trường Giang vắt ngang qua quê tôi, nhưng lại là con sông nhuốm đầy nước mặn. Thủy lợi xưa nay chưa có, bà con ta bao đời nay lấy gì để sống trên mảnh đất khô cằn đầy thử thách này? Có thể nói, nhờ bàn tay cần cù lao động mà củ khoai Trà Đõa tuyệt diệu đã được sinh ra trên mảnh đất hiếm này.
Đã bao đời nay quê tôi nghèo khổ, nhưng chưa bao giờ đói rét. Lúc giáp hạt gạo không có, nhưng nhà nào cũng năm bảy sạp khoai. Khoai khô có, khoai chà, khoai trụng, bánh tráng khoai, bánh gói khoai, cháo khoai… thôi thì đủ thứ, món gì cũng khoai là khoai. Khoai là cuộc sống, là niềm vui của bao lớp người. Nhà nông làm đồng, đói bụng, ăn nửa bữa sáng, chiều có khoai chà, dỗ dành trẻ nhỏ có bánh tráng khoai, một loại bánh mà nướng lên thơm phức, cứ mỗi lần thấy bà giáo Đáng nướng bánh tráng khoai mà lũ nhỏ chúng tôi thèm rõ dãi. Về thăm ngoại, lần nào cũng vậy, một bát khoai chà ngoại đem ra, ngoại còn ưu ái cạo thêm một ít đường đen trộn vào. Khoai vốn có chất ngọt, lại thêm đường của ngoại thật là hết ý. Chúng tôi lấy lá mít xúc ăn, vừa ăn vừa khen: Khoai ngoại ngon quá, ngon quá! Đi học xa nhà, ngày nào tôi cũng đem theo một bịch khoai trụng (khoai nấu chín, xắt mỏng, phơi khô), ngồi trong lớp thỉnh thoảng lấy ra ngậm, khoai vừa ngon, vừa ngọt, vừa đỡ đói.
Rứa đó, khoai gắn liền với con người, với cuộc sống. Sáng nghe tiếng rao của cô bán hến, đã là khoai với hến. Trưa, chiều cũng lại hến với khoai. Bà con quê tôi thường nói: Sáng ăn khoai với hến, chiều ăn hến với khoai, trưa lại một rá đầy toàn khoai với hến. Hến và khoai đã gắn bó thủy chung ở quê tôi chẳng biết từ lúc nào, nhưng rõ nhất, đẹp nhất mà tôi đã thấy là những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Vùng tự do Liên khu 5 bốn bề bị địch bao vây, quê tôi lại phát huy tinh thần bất khuất của khoai - khoai chống đói, chống giặc, khoai ăn no ấm bụng. Và, chính khoai quê tôi đã góp một phần tích cực để đánh thắng kẻ thù trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ ở địa phương.
Gần đây, một anh bạn của tôi người Hy Lạp tên Kostas Nguyễn Văn Lập có về Việt Nam và có đến thăm tôi. Năm 1946, anh bỏ hàng ngũ quân đội Pháp sang ta. Chín năm sống chiến đấu ở chiến trường Liên khu 5, anh có dịp ở quê tôi. Đến thăm tôi anh nói: “Mấy chục năm rồi xa Thăng Bình, mình nhớ khoai quá! Nghe anh nói, tưởng món gì đặc biệt chứ khoai thì có gì là khó. Thế là, một đĩa khoai thơm nức được dọn ra. Cầm lấy củ khoai anh ngắm nghía hoài… Khoai Trà Đõa đây rồi! Nhớ quá! Hy Lạp không có, Ý có nhưng không ngon bằng. Cảm ơn bạn đã cho tôi thưởng thức lại một mùi vị đậm đà đặc biệt của quê hương”.
VÕ VĂN MINH