Sừng tê giác có chữa được bệnh?

PHƯƠNG NAM 29/11/2013 09:05

Dù chưa hiểu biết gì về công dụng chữa bệnh của sừng tê giác, song nghe lời đồn đoán, không ít người đã tốn công, tốn của tìm mua để chữa bệnh.

Sừng tê giác hút được chất độc?

Chuyện về bà Trần Thị T. ở thôn 2, Tiên Thọ (Tiên Phước) dùng sừng tê giác để chữa trị rắn độc hoặc chó dại cắn đã không còn xa lạ với người dân địa phương. Theo người dân ở đây cho biết, trước đây, ông Trần H., cha của bà T. đứng ra chữa bệnh cho mọi người bằng một mẩu sừng tê giác nhỏ. Sau khi ông H. qua đời, bà T. nối nghiệp cha chữa bệnh cho dân làng. Người dân còn cho biết thêm, sừng tê giác của bà T. còn có khả năng đặc biệt là “hút” được các chất độc của rắn, chó dại ra khỏi cơ thể bệnh nhân.

Theo bà Trần Thị T., khi nạn nhân bị rắn độc hoặc chó dại cắn, nếu áp sát sừng tê giác vào chỗ vết thương, mẩu sừng tê giác sẽ hít chặt vào vết thương như nam châm. Còn nếu người bị chó cắn nhưng không phải là chó dại cắn thì mẩu sừng không hít chặt vào da thịt. Sau khi để đoạn sừng “hút” chất độc được 30 phút thì phải lấy ra, bỏ vào chén nước để chất độc “thoát” ra ngoài. Đến khi nào đưa sừng tê giác vào vết thương mà sừng không bám vào miệng vết thương nữa thì có nghĩa là chất độc đã được hút ra hết và bệnh nhân coi như đã khỏi bệnh! Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hoàng - Phó Chi cục Thú y cho biết, bệnh dại là bệnh do siêu vi trùng gây ra. Người bị chó, mèo mắc dại cắn sẽ bị lây nhiễm bệnh và chỉ có thể điều trị dự phòng bằng vắc-xin hoặc kháng huyết thanh dại. Việc chữa bệnh dại bằng sừng tê giác là không có cơ sở khoa học.

Tiền mất tật mang

Anh Nguyễn Văn Y. ở thôn Tích Phú, xã Đại Hiệp (Đại Lộc) kể, anh bị bệnh gút, nghe một người bạn bảo, mua sừng tê giác mài hòa vào nước uống sẽ khỏi. Anh Y. đã vượt gần 100 cây số lên Tiên Phước để trả 3 triệu đồng cho 30 phút mài sừng. Tốn công tốn của nhưng đến nay bệnh tình anh vẫn không thuyên giảm. Trường hợp của gia đình anh Nguyễn Đình H. ở phường Hòa Thuận (TP.Tam Kỳ) càng đau lòng hơn. Ba năm trước, mẹ anh bị ung thư trực tràng. Nghe lời một người quen bảo sừng tê giác có thể chữa được bệnh ung thư, anh đã bỏ ra 180 triệu đồng mua một đoạn nhỏ sừng tê giác về mài ra cho mẹ uống. Kết cục là tiền mất nhưng mẹ anh vẫn không vượt qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo.

Theo GS-TS. Đỗ Tất Lợi, nhà nghiên cứu dược liệu nổi tiếng của nước ta, thành phần hóa học của sừng tê giác gồm có keratin, canxi cacbonat, canxi photphat. Tê giác là vị thuốc thường dùng trong đông  y, có tác dụng thanh huyết nhiệt, giải ôn độc và định kinh. Người ta có thể dùng sừng tê giác để chữa nóng sốt và giải độc. Tuy nhiên, để sử dụng làm thuốc phải mài sừng tê giác thành bột hòa với nước và thêm các vị thuốc đông y khác để sắc uống. Còn sừng tê giác có khả năng “hút” chất độc trực tiếp, chữa được bệnh dại, bệnh ung thư hoặc các bệnh khác thì chưa có tài liệu nào công bố. Còn GS-TS. Nguyễn Lân Dũng (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì khẳng định rằng, sừng tê giác hoàn toàn không có khả năng chữa được bệnh ung thư, thậm chí còn gây tác dụng ngược. Vì vậy, bệnh nhân bị rắn độc cắn nếu chỉ tin vào “sừng tê giác kỳ diệu” có thể sẽ gặp nguy hiểm.

Hiện nay tê giác thuộc động vật đặc biệt quý hiếm cần được bảo vệ. Vì thế, mọi người cần phải có nhận thức đúng đắn về việc sử dụng sừng tê giác để chữa bệnh.

PHƯƠNG NAM

PHƯƠNG NAM