Cau tươi rớt giá
Khoảng 10 năm nay, khi quả cau trở thành mặt hàng xuất khẩu, diện tích cau ở Tiên Phước không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, giá cau tươi thường xuyên biến động.
Cau rớt giá khiến không ít nông dân Tiên Phước mất đi nguồn thu nhập. Ảnh: N.H |
Các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên Hiệp và Tiên Mỹ là những địa phương có diện tích cau trồng nhiều nhất. Hầu như hộ nào cũng trồng cau, nhiều thì trồng vài ngàn, ít cũng dăm ba chục cây. Cau thuộc loại dễ trồng, không tốn công chăm bón, dễ thích nghi với môi trường, trồng ở đâu cũng sống và phát triển tốt. Bên cạnh đó, cây cau không chiếm nhiều diện tích đất. Dưới tán cau bà con nông dân có thể trồng thêm các loại rau quả, hoa màu mà không bị ảnh hưởng nhiều.
Mấy năm trước đây, giá cau tươi dao động từ 10 - 12 nghìn đồng/kg, lúc đắt giá lên đến 16 nghìn đồng/kg. Năm 2012, giá cau tươi ở mức trung bình từ 5 - 7 nghìn đồng/kg. Thế nhưng, năm nay giá cau tươi bất ngờ “tụt” xuống mức thê thảm, chỉ còn 500 - 700 đồng/kg, bằng 1/5 giá cau năm ngoái. Ông Nguyễn Đình Tiên ở thôn 3 xã Tiên Lãnh cho biết: “Gia đình tôi trồng khoảng 1.000 cây cau, mỗi năm thu hoạch được tiền triệu là chuyện bình thường. Tuy vậy, năm nay cau rớt giá, số tiền thu về không đủ trả công thuê mướn người hái nên đành chấp nhận để nó chín rụng”. Những năm trước cau tươi có giá, các thương lái tại địa phương thi nhau mở lò xông, sấy cau để xuất bán đi các nơi. Họ vào tận nhà đặt tiền cọc trước để thu mua cau tươi. Năm nay, cau tươi rớt giá, các lò cau đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng đã khiến không ít bà con nông dân than vắn thở dài.
Ông Võ Trang ở thôn 10 xã Tiên Lãnh nói: “Trước đây, cây cau đã giúp cho không ít hộ dân ở địa phương có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống. Người dân đua nhau trồng cau. Bây giờ giá cau tươi không ổn định, khiến không ít gia đình thất thu”. Ông Trang cho hay, nhà ông có khoảng 10 sào đất vừa trồng cau vừa trồng một số loại cây khác. Mọi năm, thu nhập từ cau khoảng năm, bảy triệu đồng. Năm nay, tự bẻ cau đem bán được 1.500 - 2.000 đồng/kg, còn để thương lái đến thu mua, giá khoảng 500 - 700 đồng/kg. Giá cau quá rẻ không đủ trả tiền công cho người bẻ cau thuê, nhưng nếu không hái trái và dọn vệ sinh cho cây cau thì mùa sau cây cau cho ít quả nên đành chấp nhận bỏ thêm tiền túi để trả công lao động. Tuy giá cả cau tươi không ổn định nhưng gia đình ông cũng như những hộ khác không có ý định chặt bỏ mà cố giữ lại với hy vọng những năm sau cau tươi lại được giá. “Cau tươi rớt giá, nên thương lái cũng kén chọn những buồng cau không quá non hoặc quá cứng, mới mua” - bà Nguyễn Thị Nhung ở thôn 5 xã Tiên Hiệp nói.
Những năm gần đây, chính quyền địa phương không khuyến khích người dân trồng cau, nhưng vì cau là loại dễ trồng, quả chín rơi xuống tự mọc lên, không cần đầu tư, chăm bón nên nhiều hộ dân vẫn phát triển giống cây này. Năm 2012, theo thống kê của Phòng NN&PTNN huyện Tiên Phước, cả huyện xuất bán khoảng 1.500 tấn cau, doanh thu hơn 7,5 tỷ đồng. Song năm nay, cây cau lại khiến nhiều hộ dân khốn đốn vì cau tươi bán chẳng ai mua nhưng vẫn phải bỏ công sức tiền của ra thu hoạch để dọn vườn, hy vọng mùa sau...
NGUYỄN HƯNG