Trượt patin

HÀ AN 05/07/2013 08:42

Cuối năm 2012, phong trào trượt patin ở nhiều huyện trong tỉnh phát triển rầm rộ. Nhiều sân chơi được tận dụng từ đất thừa thãi trong vườn nhà hoặc chuyển đổi quán cà phê, nhà hàng tiệc cưới... hình thành với những cái tên rất kêu như “Câu lạc bộ patin 9x”, “Phong cách xtin” “CLB patin Five”...

ĐÂY là môn thể thao hấp dẫn, có tác dụng giúp người chơi rèn luyện thể chất, sự dẻo dai, khéo léo, năng động, phát triển cơ bắp, và thỏa mãn nhu cầu chinh phục tốc độ cũng như cảm giác mạnh... Vì vậy, hầu như huyện nào cũng có từ 2 - 5 sân trượt patin. Chỉ tính riêng hai huyện Thăng Bình và Quế Sơn, mỗi huyện cũng có đến 10 sân trượt lớn nhỏ, thu hút đông đảo giới trẻ tham gia. Bộ môn thể thao này được Bộ VH-TT&DL có Thông tư 16/2012/BVH-TT-DL “Quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động patin”, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.2.2013. Thông tư quy định rất rõ về điều kiện  cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và nhân viên chuyên môn của cơ sở tổ chức hoạt động patin. Theo đó, các cơ sở hoạt động patin phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kinh doanh quy định tại Khoản 5 Điều 55 của Luật Thể dục - Thể thao, như sân tập luyện patin có diện tích từ 300m2  trở lên, mật độ tập luyện tối thiểu 5m2/người.

Trẻ em trượt patin (ảnh minh họa, khai thác từ internet).
Trẻ em trượt patin (ảnh minh họa, khai thác từ internet).

Ngoài ra, còn có các quy định khác về mặt sân, âm thanh, tiếng ồn bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; phải có cơ số thuốc thông thường, dụng cụ sơ cứu ban đầu và phải đăng ký liên kết với cơ sở y tế ... Về trang thiết bị tập luyện cho người tập có tấm lót khủyu tay, tấm lót đầu gối, mũ đội đầu, giày trượt phải đảm bảo các thông số, bánh xe, khung đỡ và lắp bánh của giày... Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều cơ sở trượt patin không có giấy phép kinh doanh, nhân viên chuyên môn lại chưa tham dự một lớp tập huấn về chuyên môn. Các cơ số thuốc cần thiết, trang thiết bị thiết yếu cho người tập như mũ đội đầu, tấm lót khủyu tay, tấm lót đầu gối... đều không có, nếu có cũng không đảm bảo chất lượng theo quy định. Người chơi patin chỉ cần một đôi giày và khoảng 10.000 - 15.000 đồng là vào sân và thoải mái trượt, nhào lộn.

Vì mục đích lợi nhuận, nhiều cơ sở kinh doanh cho trẻ em 3 - 4 tuổi tham gia trượt patin. Một bác sĩ khoa ngoại - chấn thương cho rằng, trẻ em xương khớp vẫn còn rất mềm, dễ uốn nắn, nhưng khi cho trẻ tham gia môn thể thao này, cha mẹ cũng cần chú ý cảnh giác với những chấn thương. Trong quá trình nhào lộn, trượt xoay chưa được thành thạo ngay, trẻ em rất dễ bị ngã, gây chấn động đến cơ xương khớp hay các tổn thương khác như bong gân, gãy chân nếu va chạm mạnh. Một đôi giày trượt patin không hề nhẹ, nếu đeo vào những đôi chân của các em dưới 5 tuổi thì khó điều khiển, dẫn đến việc không làm chủ được phương tiện trượt patin và dễ bị té ngã. Dẫu biết chơi thể thao là tốt nhưng phụ huynh cũng nên chọn lứa tuổi cho phù hợp, đảm bảo sức khỏe, cần có đủ trang bị bảo hộ nhằm hạn chế tối đa những chấn thương có thể xảy ra đối với trẻ. Khi chọn giày trượt nên chọn giày vừa  chân, không quá rộng, cũng không quá hẹp. Hiện nay, ở TP.Tam Kỳ có một số thanh thiếu niên tổ chức trượt patin trên các đường phố rất nguy hiểm đối với chính người chơi môn thể thao này và những người xung quanh.

Để bộ môn trượt patin phát triển, giúp thanh thiếu niên rèn luyện thể chất, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh môn thể thao này không thực hiện đúng tinh thần Thông tư 16 của Bộ VH-TT&DL. Có như vậy, mới phòng tránh được những sự cố chấn thương đáng tiếc có thể xảy ra.

HÀ AN

HÀ AN