Để cái đẹp đến với mọi người
Hơn một tháng qua, kể từ khi vườn tượng nghệ thuật tại Quảng trường 24.3 (TP.Tam Kỳ) được khánh thành, mỗi lần đi ngang qua đây, tôi đều có cảm giác thích thú. Vườn tượng đã góp phần làm cho quảng trường trở nên sinh động hơn, duyên dáng hơn; làm cho thành phố văn minh hẳn lên. Nhiều cô chú, anh chị đi tập thể dục buổi sáng và buổi chiều tối có thêm cái để chuyện trò, bình phẩm. Các bạn thanh thiếu niên chiều chiều lại dắt nhau tới vườn tượng tạo dáng chụp ảnh, trông thật vui mắt. Người đi bộ qua đường, khi ngồi nghỉ chân ở ghế đá đặt dưới các gốc cây chung quanh quảng trường cũng có cái để nhìn ngắm mà bớt đi sự mệt mỏi... Là công dân Tam Kỳ, tôi rất tự hào khi quê mình có được một vườn tượng không thua gì các thành phố lớn, văn minh, hiện đại trong nước.
Tuy nhiên, cũng có lúc tôi cảm thấy... tự ti, nếu có ai bất ngờ chỉ một bức tượng nào đấy trong vườn tượng mà hỏi về ý nghĩa của nó. Thú thật, trong 24 bức tượng đặt ở đây thì chỉ có vài bức khi đọc tên tác phẩm xong tôi có thể mường tượng, hình dung được phần nào ý nghĩa của chúng, như bức “Dáng em Thu Bồn” của tác giả Hồ Thu, “Hiếu học” của Nguyễn Quang, “Rộn ràng thoi đưa” của Vương Hữu Tư... Những tác phẩm còn lại, nhìn qua có thể cảm thấy bức tượng nào cũng đẹp, nhưng hỏi ý nghĩa của chúng thì đành chịu. Chỉ thấy đèm đẹp mà không hiểu được gì, thành ra cái đẹp ấy cũng giảm đi phần nhiều.
Vẫn biết, tác phẩm nghệ thuật thường chỉ dành cho những người am hiểu nghệ thuật, không dành cho số đông. Nhưng với những bức tượng nghệ thuật được đặt ở vườn tượng Quảng trường 24.3, rõ ràng không dành cho riêng một nhóm đối tượng nào. Để cái đẹp đến được với mọi người, trước hết ai cũng cần được hiểu, được rõ ý nghĩa sâu xa, tiềm ẩn bên trong, đằng sau mỗi tác phẩm. Do vậy, nên chăng, bên cạnh bia ghi tên tác giả, cơ quan quản lý nên có thêm đôi dòng vắn tắt, chú thích, thuyết minh về ý nghĩa của từng bức tượng thì tốt biết bao!