Ruộng ngập, bỏ hoang do làm đường, ai chịu trách nhiệm?
Bà Nguyễn Thị Yến (trú thôn Đồng Phú, xã Tam Ngọc, Tam Kỳ) có đơn gửi Báo Quảng Nam phản ánh, thửa ruộng hơn 800m2 của gia đình nhiều năm không thể canh tác do thường xuyên bị ngập úng sau khi TP.Tam Kỳ thi công xây dựng đường giao thông.
Bà Yến: Đã phản ánh nhiều lần!
Trong đơn gửi Báo Quảng Nam, bà Yến cho biết, gia đình bà có thửa ruộng 1.100m2 tại cánh đồng Ruộng Sông (xã Tam Ngọc). Khi TP.Tam Kỳ làm con đường ven sông (đường ven sông Tam Kỳ, hoàn thành năm 2009 - PV) đã ảnh hưởng đến một phần thửa ruộng, với diện tích bồi thường 250m2.
Tuy nhiên, sau khi con đường hoàn thành, phần diện tích còn lại của gia đình bà Yến (khoảng 850m2) không thể trồng lúa như trước do thường xuyên bị ngập úng. Theo bà Yến, thửa ruộng này gia đình bà canh tác từ năm 1993, khi chưa có đường mỗi năm làm 2 vụ lúa, đạt sản lượng cao. Từ ngày con đường hoàn thành, thửa ruộng thường xuyên bị ngập, gia đình phải bỏ hoang.
“Thửa ruộng của tôi nằm phía dưới cùng của cánh đồng, sát với con đường, nước toàn bộ dồn về đó nhưng lại không có chỗ thoát nên thường xuyên ngập úng. Gia đình có cho người khác làm nhưng cũng chẳng ai mặn mà” - bà Yến nói.
Bà Yến cho biết, sự việc đã được bà phản ánh nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri tại nhà văn hóa thôn. Tuy nhiên, kiến nghị của bà Yến qua nhiều năm vẫn không được trả lời, giải quyết. Gần nhất, bà có làm đơn gửi lên xã Tam Ngọc, xã có cử cán bộ xuống nắm tình hình, nhưng sau đó cũng không thấy giải quyết.
Nhiều năm thửa ruộng bị ngập khiến cho gia đình bà Yến thiếu đất trồng lúa. Đặc biệt, hoàn cảnh gia đình thêm khó khăn khi năm 2018 chồng bà không may bị tai nạn qua đời. Hiện gia đình 3 nhân khẩu nhưng chỉ còn 1 sào đất trồng lúa; có năm mất mùa, không đủ ăn. Bà Yến phải đi phụ quán cơm dưới thành phố để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống…
Ông Phạm Sơn, hàng xóm với bà Yến cho rằng phản ánh của bà Yến đúng thực tế, thửa ruộng bị bỏ hoang nhiều năm nay từ ngày có con đường. “Làm đường nhưng không có cống thoát nên nước dồn về bị chặn lại. Nhà nông, ai cũng trông vào miếng ruộng, đám lúa, mà nước ngập miết rứa thì làm được chi” - ông Sơn nói.
Lãnh đạo xã: Lần đầu biết sự việc
Trước phản ánh của bà Nguyễn Thị Yến, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo xã Tam Ngọc để đăng ký làm việc. Sau khi nghe nội dung phản ánh, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Ngọc đã trực tiếp đến thửa ruộng của bà Yến để kiểm tra, đồng thời trao đổi với cán bộ thôn Đồng Phú để nắm bắt vụ việc.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam sau khi kiểm tra, ông Phương thừa nhận phản ánh của bà Yến về việc ngập nước trên thửa ruộng của gia đình là đúng. Tuy nhiên, ông Phương cho biết mới lần đầu nghe và nắm sự việc, do bà Yến chưa báo với địa phương. Còn việc bà Yến nói có phản ánh tại các buổi tiếp xúc cử tri; qua làm việc với tổ HĐND xã và thôn trưởng ở đó cho hay, bà Yến trước giờ ít khi nào đi họp dân.
Theo ông Phương, qua trao đổi với đơn vị thi công đường ven sông trước đây, dự án này do UBND TP.Tam Kỳ làm chủ đầu tư; trong hồ sơ thiết kế không có cống thoát nước qua vị trí bà Yến phản ánh. Ngoài ra, thời điểm đó, đơn vị thi công có đề nghị các hộ dân gần đó mua ống nhựa lồng qua đường để thoát nước nhưng không hộ nào thực hiện.
Về phương án giải quyết, ông Phương khẳng định, địa phương không để hộ dân nào không có ruộng sản xuất. Do đó, sắp tới, xã sẽ hỗ trợ phương tiện hoặc đề nghị đơn vị Bộ đội 270 đóng trên địa bàn trong quá trình làm công tác dân vận sẽ giúp bà Yến đào mương thoát nước để có thể canh tác được.
Những điều khó hiểu!
Trở lại câu chuyện của bà Nguyễn Thị Yến, bà khẳng định với phóng viên Báo Quảng Nam đã phản ánh sự việc nhiều lần, có cả gửi đơn lên xã.
“Tôi gửi đơn lên xã, xã có cử cán bộ xuống nắm sự việc và còn bảo tôi đừng trồng lúa nữa mà chuyển qua trồng sen. Tôi trả lời là “lúa không làm được mà làm sen biết bán cho ai” - bà Yến kể.
Về việc thoát nước chống úng, bà Yến cũng khẳng định: Thời điểm đó, khi đơn vị thi công đang làm đường, bà đã kiến nghị làm cống thoát nước nhưng họ nói làm vậy sẽ sạt đường.
Chúng tôi cũng đã đem sự việc của bà Yến trao đổi với ông Phan Đình Đức - Trưởng thôn Đồng Phú, tuy nhiên ông Đức cũng cho biết không nắm được nội dung phản ánh...
Thật khó hiểu, khi một vụ việc được người dân cho là phản ánh nhiều lần, có cả đơn gửi lên xã, nhưng cả thôn và xã đều cho biết là lần đầu nghe sự vụ.
Với cá nhân người viết thì thắc mắc, ngoài phương án giải quyết như lãnh đạo xã đã hứa, vậy nhiều năm qua thửa ruộng gia đình bà Yến không gieo trồng được, liệu có ai đứng ra bồi thường?