Hệ lụy từ việc chậm giải quyết hồ sơ đất đai ở Núi Thành
Người dân tốn nhiều công sức, chi phí; những người môi giới có “đất” để “canh tác”... là hệ lụy do chậm giải quyết hồ sơ đất đai của cơ quan chức năng huyện Núi Thành.
Báo Quảng Nam nhận hàng chục lá đơn “kêu cứu” của người dân huyện Núi Thành về các hồ sơ đất đai chậm giải quyết thời gian gần đây.
Xin lỗi vì chậm trễ
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Hồng Thanh (thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến) nói, từ tháng 1/2021 đến nay, hồ sơ đề nghị công nhận đất trồng cây lâu năm của ông không được giải quyết nhưng ngành chức năng trả lời thiếu thuyết phục.
“Trên địa bàn, nhiều hộ dân có đất như tôi đã được UBND huyện Núi Thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) là đất trồng cây lâu năm nhưng với tôi thì cho rằng đó là đất rừng phòng hộ.
Căn cứ Quyết định 120 của UBND tỉnh ký ngày 11/1/2017 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam 2011 - 2020, Phòng TN-MT huyện có thể tham mưu UBND huyện Núi Thành cấp giấy CNQSDĐ của chúng tôi là đất trồng cây lâu năm” - ông Thanh nói.
Bà Thái Thị Thuấn (thôn Bích Ngô, xã Tam Xuân 2) cho biết, từ ngày 25/4/2022 đã gửi đầy đủ hồ sơ đến cơ quan chức năng của huyện Núi Thành để cấp giấy CNQSDĐ cho thửa đất số 509, tờ bản đồ số 15, diện tích đất 2.386,8m2, loại đất ở và đất trồng cây lâu năm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp.
Ông Nguyễn Chí Dân - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, hiện nay Núi Thành gặp không ít khó khăn, áp lực liên quan đến việc giải quyết hồ sơ thủ tục đất đai cho người dân. Huyện đã làm việc với Sở TN-MT để được hướng dẫn.
Trong giải quyết từng hồ sơ cụ thể, Phòng TN-MT sẽ có yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo từng hướng dẫn từ Sở TN-MT. Do đó, một số hồ sơ thủ tục nếu không đáp ứng, chưa đủ điều kiện sẽ phải trả lại cho người dân.
Khối lượng công việc liên quan đến đất đai ở Núi Thành trong bối cảnh hiện tại rất lớn, do đó khó tránh khỏi chậm trễ. UBND huyện nhận trách nhiệm về sự chậm trễ này và đang cố gắng khắc phục.
Đối với những trường hợp giấy tờ, thủ tục người dân bị trễ hạn, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị có thư xin lỗi công dân, đồng thời đôn đốc tiến độ để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Đối với trường hợp của bà Thái Thị Thuấn, Phòng TN-MT đã xin lỗi vì chậm trễ và đến nay hồ sơ đã được giải quyết. Còn trường hợp ông Võ Hồng Thanh, Phòng TN-MT cũng đã xin lỗi vì chậm trễ nhưng hồ sơ không đảm bảo quy định nên đã trả lại cho công dân.
“Tiền mất tật mang”
Bà Huỳnh Thị Thương (thôn Hòa An, xã Tam Hòa) cho biết, nhiều năm nay phải chạy đôn chạy đáo để giải quyết hồ sơ đất đai nhưng chưa xong. Hết cách, bà đành nhờ ông P. - chủ cơ sở môi giới đất đai để giải quyết với chi phí 80 triệu đồng.
“Tôi đã ứng trước cho ông P. 40 triệu đồng theo ký kết, khi được cấp giấy CNQSDĐ thì tôi trả thêm 40 triệu đồng. Ngoài ra, theo thỏa thuận, chi phí phát sinh tôi cũng phải trả. Đến nay “tiền mất tật mang”, hồ sơ đất đai không được giải quyết” - bà Thương nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Núi Thành đã “cậy nhờ” đến cơ sở môi giới đất đai để giải quyết hồ sơ với chi phí cao. Không ít vụ tranh chấp đã xảy ra khi bên môi giới đất đai không thực hiện được giấy CNQSDĐ theo cam kết. “Bên môi giới đất đai đã ký kết, giấy trắng mực đen rõ ràng và thu hàng chục triệu đồng của chúng tôi. Nhưng họ không thực hiện đúng cam kết” - ông V. (thôn Hòa An, xã Tam Hòa) nói.
Theo ông Nguyễn Chí Dân, người dân có quyền ký kết với các cơ sở môi giới đất đai để làm hồ sơ đất đai vì đó là giao dịch dân sự. Trong việc này, người dân nên biết “chọn mặt gửi vàng” để tránh bị lợi dụng.
“Một khi có đơn của người dân khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ sở môi giới đất đai hay mâu thuẫn, tranh chấp gây mất an ninh trật tự liên quan đến cơ sở môi giới đất đai, chúng tôi sẽ vào cuộc. Lúc đó, các cơ quan chức năng sẽ thanh tra, kiểm tra hoạt động môi giới đất đai, phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật và bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân” - ông Nguyễn Chí Dân nói.