Có phải đất bỏ hoang?
Ông Lê Tấn Khánh, con trai của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Đường (thôn Trường An, xã Bình Tú, Thăng Bình) gửi đơn đến Báo Quảng Nam phản ánh về việc mẹ ông không được chính quyền xã đồng ý lập thủ tục cấp bìa đỏ trên thửa đất được cho là của gia đình ông lâu nay, không có tranh chấp. Vậy đâu là nguyên nhân?
Nguồn gốc đất
Đưa chúng tôi đến khu vườn (thửa đất số 17, 21 thuộc tờ bản đồ số 33) tại tổ 3 thôn Trường An, ông Lê Tấn Khánh nói, khu vườn đã được gia đình ông ở từ trước năm 1975, có nhà, có vườn và có hầm nuôi giấu cán bộ, nay đã bị lấp. Cha ông hoạt động cách mạng, là liệt sĩ; mẹ ông là Hồ Thị Đường là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Trong kháng chiến, gia đình ông đào hầm nuôi giấu cán bộ, bộ đội, làm cơ sở hoạt động cách mạng. Sau đó địch phát hiện nên chúng đã đốt nhà, đuổi gia đình đi nơi khác ở.
Khu vườn này sau năm 1975 được gia đình tiếp tục canh tác, trồng cây, nay trên đất còn nhiều loại cây lâu năm. Đến năm 2017, khi địa phương thông báo thực hiện cấp sổ đỏ cho nhân dân, ông Khánh làm đơn xin được đo đạc để làm sổ đỏ cho khu vườn cũ, nhưng xã không chấp nhận.
Ông Khánh cho biết, từ đó đến nay, ông đã nhiều lần kiến nghị nhưng xã Bình Tú vẫn chưa giải quyết cho gia đình, dù trong đơn (do ông đại diện cho mẹ - PV) gửi đến chính quyền xã có ý kiến của những người là đảng viên, cán bộ hưu trí, người hoạt động cách mạng từng được mẹ ông nuôi giấu đã xác nhận rằng khu vườn là của gia đình bà Hồ Thị Đường và đất này không có người tranh chấp.
Chúng tôi đến nhà ông Phan Phát Đạt (nguyên Bí thư Đảng bộ xã Bình Tú qua nhiều thời kỳ) để tìm hiểu thêm thông tin, ông Đạt cho biết: “Nói đến công lao của bà Đường thì vùng Đông Thăng Bình rất nhiều người biết rõ. Bà đã nuôi giấu biết bao thế hệ cán bộ cách mạng, bộ đội.
Khu vườn đó là nơi tôi đã từng được che chở, trú tránh, hoạt động cách mạng. Sau này địch càn quét quá, đốt phá, gia đình bị đuổi đi nên mới không ở nữa nhưng vẫn là đất nhà bà Đường. Tôi nghĩ việc cấp sổ đỏ của khu vườn cho bà Đường là hoàn toàn hợp pháp, hợp lý”.
Đất hoang?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại buổi tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo UBND huyện Thăng Bình vào ngày 1.6.2022, ông Khánh đã trực tiếp trình bày kiến nghị của gia đình.
Ngày 6.6.2022, UBND huyện Thăng Bình có Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND huyện Võ Văn Hùng tại buổi tiếp công dân định kỳ tháng 6.2022, trong đó yêu cầu UBND xã Bình Tú có văn bản trả lời cho công dân.
Đến ngày 5.7.2022, UBND xã Bình Tú có văn bản trả lời công dân, nêu: “Căn cứ theo quy định của Luật Đất đai 2013, các văn bản cuộc họp kèm theo tại thời điểm đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 2 thửa đất số 17, 21 tờ bản đồ số 33 (theo cơ sở dữ liệu) không đủ điều kiện để đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Ông Nguyễn Đình Yến - Chủ tịch UBND xã Bình Tú thông tin, xã đã kiểm tra 2 thửa đất, vào ngày 24.4.2017 họp hội đồng tư vấn xét nguồn gốc đất do bà Đường kê khai đã xác định đây là đất bỏ hoang.
Sau khi nhận đơn của gia đình bà Đường, UBND xã Bình Tú đã xác minh vào ngày 16.8.2017, đến ngày 14.9.2017 tiến hành giải quyết, kết luận việc xét đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không được, không xét lại. Ông Yến khẳng định không thể đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì là đất bỏ hoang.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Công Hưng - Phó Trưởng phòng Tài nguyên & môi trường huyện Thăng Bình thông tin, huyện đã nhận được văn bản trả lời công dân của UBND xã Bình Tú (văn bản ngày 5.7.2022).
UBND huyện đã lần nữa yêu cầu UBND xã Bình Tú thụ lý, giải quyết đơn của ông Khánh và báo cáo vụ việc với UBND huyện. Việc UBND xã Bình Tú giải quyết thế nào đến nay chưa báo cáo kết quả đến huyện. Ông Hưng nói, nếu trường hợp UBND xã Bình Tú trả lời đơn thư, giải quyết mà ông Khánh không đồng ý, ông có thể gửi đơn khiếu nại đến UBND huyện Thăng Bình để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Phóng viên Báo Quảng Nam sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc để thông tin đến bạn đọc.