Vụ đánh người gây thương tích nặng ở xã Tam Xuân 2 (Núi Thành): Công an huyện đang điều tra, xử lý

TRẦN HỮU 24/11/2017 09:41

Vụ đánh người ở thôn Phú Khê Tây (xã Tam Xuân 2, Núi Thành) dẫn đến gây chấn thương não kín cho bà Đỗ Thị Ái, nhưng đã hơn 2 tháng nay cơ quan chức năng vẫn chưa điều tra, xử lý vụ việc.

Bà Ái với xấp hồ sơ bệnh án. Ảnh: T.H
Bà Ái với xấp hồ sơ bệnh án. Ảnh: T.H

Gia đình cầu cứu

Trong đơn, ông Nguyễn Văn Tấn trú tại thôn Phú Khê Tây, xã Tam Xuân 2, trình bày: Khoảng 7 giờ 30 ngày 7.9.2017, bà Đỗ Thị Ái (mẹ ruột ông) có đến trước cổng nhà đối diện của ông Nguyễn Văn Sơn (hàng xóm) để nói phải trái về sự việc tranh giành gặt lúa tại địa phương và hăm dọa đánh 2 cháu bà. Trong lúc lời qua tiếng lại, bất ngờ ông Sơn đánh bà Ái gục ngã tại chỗ. Không chỉ đánh người, ông Sơn còn dùng những lời lẽ hăm dọa uy hiếp tinh thần bà Ái. Sau khi bà Ái bị đánh, 2 cháu ngoại bà Ái là Mai Thành và Mai Tường (trú ở thôn Phú Khê Đông, xã Tam Xuân 2) có mặt tại hiện trường. “Vì là chuyện xung đột làm ăn với nhau, nên hai cháu tôi chạy lên để nói chuyện phải trái, không ngờ ông Sơn lại hành hung nên 2 cháu tôi có phản xạ phòng vệ. Anh em, con cháu ông Sơn cậy thế đông người,  dùng cuốc xẻng tấn công nên Thành và Tường phải chạy thoát thân. Tuy nhiên, ông Sơn và người thân của mình cùng ông Ngọ - công an viên của thôn, vẫn dùng xe máy truy đuổi 2 cháu đến tận nhà người quen. Sau đó Công an xã Tam Xuân 2 đã mời 2 cháu tôi về trụ sở làm việc” - ông Tấn kể lại vụ việc. Tại trụ sở UBND xã, Công an xã chỉ lấy lời khai của bà Ái, 2 cháu của ông Tấn đồng thời thu giữ xe máy của Mai Tường. Điều làm cho gia đình ông Tấn đặt nghi vấn là tại sao công an xã không mời ông Sơn và ông Ngọ ra lấy lời khai sau khi xảy ra xô xát?

Sáng hôm đó (ngày 7.9), khuôn mặt bà Đỗ Thị Ái đột nhiên bị sưng phù kèm theo triệu chứng đau đầu chóng mặt nên gia đình vội đưa bà đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Chụp citi cho kết quả: “có khối máu tụ dưới màng cứng”. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bà Ái “xuất huyết dưới màng cứng bán cầu phải do bị đánh”, cần phải nhập viện điều trị dài ngày. Lo sợ bệnh bà Ái thêm nghiêm trọng, chiều cùng ngày gia đình đã xin xuất viện đồng thời đưa bà đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Kết quả chẩn đoán tại đây cũng tương tự như Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam.

Không thể dung túng cho hành vi trái pháp luật

Chiều 22.11, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam qua điện thoại, Trung tá Phạm Minh Quang - Phó Trưởng công an huyện Núi Thành cho biết, đơn vị chưa nhận được đơn tố cáo của gia đình bà Đỗ Thị Ái nhưng có nghe thông tin vụ việc xảy ra nên yêu cầu Công an xã Tam Xuân 2 báo cáo. Và trong tuần qua, Công an huyện đã nhận được hồ sơ vụ việc do Công an xã Tam Xuân 2 chuyển lên. Ông Phạm Minh Quang đã ký kế hoạch giải quyết vụ việc vào ngày 20.11. Gia đình bà Đỗ Thị Ái cũng cho biết, ngày 22.11, điều tra viên của Công an huyện Núi Thành đã đến làm việc, xác minh và dựng lại hiện trường xảy ra vụ việc.

Chỉ vào vết thương vừa mổ trên đầu, bà Đỗ Thị Ái nói: “Tôi già cả mà ông Sơn hành hung đến nông nỗi này. Sau khi bị ông Sơn đánh chấn thương sọ não, sức khỏe suy kiệt, tôi chẳng lao động được nữa. Tại sao đối tượng coi thường pháp luật, xâm hại thân thể người khác lại chưa được xử lý. Quá trình điều trị cộng với chi phí ra vào, thuê người nuôi bệnh khiến gia đình tôi tiêu tốn hơn 50 triệu đồng. Thế nhưng, ông Sơn chẳng một lời xin lỗi, hay bồi thường chi phí thuốc cho gia đình tôi”. Khoa Thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng) ghi rõ trong 2 giấy ra viện, bà Ái bị chấn thương sọ não kín, chảy máu dưới màng cứng bán cầu phải mãn tính; phương pháp điều trị phẫu thuật.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sơn thừa nhận có dùng tay quẹt một bạt tai vào bà Ái do bà có lời qua tiếng lại nhưng không đến mức phải gây ra chấn thương nặng. Giải thích nguyên nhân dẫn đến hành vi của mình, ông Sơn cho rằng do bà Ái chửi bới, ném dép vào ông. Cũng theo ông Sơn, căn nguyên xảy ra là vì tranh chấp cái máy cày, máy gặt. “Trong làng ai cũng rứa hết. Ví dụ thôn Phú Khê Đông có 3 máy cắt lúa, nếu diện tích sản xuất khoảng 20ha, thì chia đều diện tích ra gặt không ai vi phạm ai. Người làng khác muốn đến đây gặt lúa phải được sự cho phép của người có máy gặt của thôn” - ông Sơn nói. Đại diện lãnh đạo Công an xã Tam Xuân 2 cũng xác nhận, các hộ đầu tư mua sắm máy gặt lúa có tình trạng tranh giành cát cứ địa bàn hoạt động theo kiểu “lệ làng”.

Ông Mai Đình Thanh - Trưởng Công an xã Tam Xuân 2 cho biết, công an xã đã hòa giải cơ sở nhưng bà Ái không đồng ý giải quyết bồi thường dân sự, mà yêu cầu chuyển hồ sơ lên Công an huyện giải quyết. “Do gia đình bà Ái có đơn trình báo, khiếu nại, xét tính chất phức tạp nên Công an xã đã chuyển hồ sơ lên Công an huyện xem xét, giải quyết” - ông Thanh nói. Vụ xô xát xảy ra, Công an xã có thu thập chứng cứ, lấy lời khai nhân chứng, lập biên bản hiện trường không? Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Công an xã cho hay, không lập biên bản hiện trường.  “Sau khi làm việc xong với ông Sơn, ông Tấn có đơn yêu cầu giám định pháp y cho mẹ mình. Thời gian đó, tôi có điện thoại cho Công an huyện nói rằng, sau khi bà Ái ra viện sẽ giám định pháp y luôn. Chúng tôi mời bà Ái đến cơ quan 3 lần nhưng bà không đồng ý giải quyết dân sự” - ông Thanh cho biết thêm. Phía gia đình bà Ái cho rằng, dù đã có đơn đề nghị cơ quan điều tra Công an huyện Núi Thành vào cuộc nhưng hơn 2 tháng nay vụ việc vẫn chìm vào “im lặng”.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU