Xã Tam Hiệp đã thực hiện đúng phán quyết của tòa án?

TRẦN HỮU 11/08/2017 08:48

Một công dân đề nghị địa phương xác nhận nguồn gốc và quá trình sử dụng đất để được nhận bồi thường, hỗ trợ. Việc tưởng đơn giản, vậy mà qua hơn 4 năm, với 3 phiên tòa xét xử cùng  nhiều văn bản của các cấp có thẩm quyền, vẫn chưa có kết quả cuối cùng, khiến người dân bức xúc khiếu kiện khắp nơi.

Ông Diệu bên diện tích đất khiếu kiện nhiều năm nay. Ảnh: T.H
Ông Diệu bên diện tích đất khiếu kiện nhiều năm nay. Ảnh: T.H

Nội dung vụ việc nêu trên Báo Quảng Nam đã từng có bài phản ánh “Ông xã” to hơn “Ông tòa” ra ngày 15.4.2016.

Nhọc nhằn hành trình đòi công lý

Ông Trần Văn Diệu trú thôn Vân Thạch, xã Tam Hiệp (Núi Thành) mất hơn 4 năm khiếu nại, khiếu kiện từ cơ quan hành chính đến tòa án các cấp chỉ với mục đích: yêu cầu được công nhận 1.462,5m2  đất do gia đình đang quản lý, sử dụng để  được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Nhưng đây là một hành trình rất nhọc nhằn. Tóm lược như sau:

Năm 2013, UBND tỉnh quyết định thu hồi đất tại xã Tam Hiệp để phục vụ dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư, nhà ở công nhân. Ông Trần Văn Diệu có 1.462,5m2  đất trong phạm vi dự án. Khi cơ quan chức năng lập hồ sơ bồi thường, ông Diệu chỉ được nhận bồi thường, hỗ trợ vật kiến trúc  mà không được nhận bồi thường về đất. Bởi, theo xác nhận của  xã Tam Hiệp, đây là đất công cộng, ông Diệu chỉ quản lý, sử dụng sau ngày 1.7.2004 nên không được đền bù theo quy định của pháp luật. Bất ngờ và bức xúc, ông Diệu bắt đầu cuộc hành trình… đòi công bằng. Đầu tiên là vào ngày 3.7.2013, ông Diệu có đơn yêu cầu  xã Tam Hiệp công nhận nguồn gốc và quá trình sử dụng đất liên tục, ổn định của gia đình ông. Đến ngày 8.4.2014, UBND xã ban hành Văn bản số  10/UBND bác yêu cầu của ông Diệu. Thế là từ đó đến nay, ông Diệu liên tục gõ cửa các cơ quan chức năng cả hành pháp lẫn tư pháp từ xã đến tỉnh.

Trong các đơn khiếu nại cũng như khiếu kiện tại tòa án các cấp, ông Diệu trình bày: Năm 1995, gia đình ông có đơn xin khai hoang đất mắm để làm hồ nuôi tôm và được hợp tác xã, UBND xã chấp thuận. Năm 1999, ông thương lượng với các hộ có đất  nuôi tôm lân cận gồm: Trà Minh Tri, Trà Minh Trí và Trà Minh Đấu để xin thêm một phần diện tích làm mương dẫn nước vào hồ nuôi tôm. Tổng diện tích là  1.462,5m2, được ông sử dụng liên tục và ổn định nhiều năm, không có tranh chấp.  Tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, qua các chứng cứ và tranh luận tại tòa, kể cả ý kiến của những người làm chứng như các ông Trà Minh Châu, Trà Minh Tri,… đều cho thấy, phần trình bày về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của ông Diệu là có cơ sở. Cụ thể, tại Bản án phúc thẩm số 13/2015/HCPT ngày 26.8.2015 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh (sau đây gọi tắt là Bản án số 13), nhận định của Hội đồng xét xử nêu rõ: “Thửa đất nói trên (diện tích 1.462,5m2  ông Diệu khiếu kiện - PV), ông Trần Văn Diệu được UBND xã Tam Hiệp cho phép sử dụng làm hồ nuôi tôm và mương dẫn, thoát nước từ năm 1995, và thực tế ông Diệu sử dụng từ năm 1995, được các hộ Trà Minh Đấu, Trà Minh Tri, Trà Minh Châu và một số hộ khác thừa nhận(…). Từ năm 1995 đến trước tháng 4.2013 (thời điểm UBND tỉnh có thông báo thu hồi đất - PV) ông Trần Văn Diệu đã sử dụng liên tục cho việc nuôi trồng thủy sản”.  Từ nhận định này, tòa đi đến phán quyết yêu cầu UBND xã Tam Hiệp xác nhận quyền sử dụng thửa đất nêu trên cho ông Diệu. Vậy nhưng, từ tòa sơ thẩm đến phúc thẩm, rồi đến nhiều đơn khiếu nại, nhiều văn bản trả lời, chỉ đạo của các cơ quan hành chính, tư pháp, quyền lợi của ông Diệu vẫn chưa được đáp ứng!

Cố tình né tránh?

Bản án có sơ suất về kỹ thuật?
Bản án phúc thẩm số 13/2015/HCPT ngày 26.8.2015 của TAND tỉnh ra phán quyết buộc “UBND xã Tam Hiệp phải thực hiện hành vi hành chính xác nhận quyền sử dụng đất cho ông Trần Văn Diệu”. Theo quy định của pháp luật hiện hành, cấp xã chỉ có thẩm quyền xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất tại địa phương, chứ không có quyền xác nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, UBND xã Tam Hiệp đã có văn bản đề nghị tòa hướng dẫn thi hành án và kháng nghị xét xử giám đốc thẩm.
Trao đổi với PV Báo Quảng Nam, ông Lê Chí cho biết, tại  Quyết định số 48/2017/KN-HC-VC2, ngày 10.7.2017, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại Đà Nẵng kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án số 13/2015/HCPT ngày 26.8.2015 của TAND tỉnh thể hiện quan điểm: cấp phúc thẩm quyết định buộc UBND xã Tam Hiệp xác nhận quyền sử dụng đất cho ông Diệu là vượt quá thẩm quyền của UBND xã. Do đó, viện đề nghị xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm và tạm đình chỉ thi hành bản án phúc phẩm của tòa tỉnh.
Có lẽ các bản án của tòa sơ thẩm, phúc thẩm đã có sơ suất khi sử dụng từ ngữ trong văn bản (quyền sử dụng đất). Tuy nhiên, bản chất vụ việc là ông Diệu yêu cầu xác nhận nguồn gốc và quá trình sử dụng đất ổn định, liên tục để được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Các bản án của tòa các cấp cũng khẳng định về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất như ông Diệu trình bày. Ông Diệu không yêu cầu cấp chứng nhận về quyền sử dụng đất (thuộc thẩm quyền của UBND huyện - PV).

Như đã đề cập, trước khi ông Diệu khởi kiện, trả lời đơn yêu cầu xác nhận nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của ông Diệu, UBND xã Tam Hiệp trong Văn bản số 10/UBND, cho rằng đất ông Diệu là đất công cộng và thời điểm ông Diệu sử dụng đất từ khi xây dựng cống vào năm 2007. Không đồng ý, ông Diệu khiếu nại. Và tại Quyết định số 67/QĐ-UBND ngày 24.6.2014 về giải quyết khiếu nại, xã Tam Hiệp bác đơn của ông Diệu, vẫn giữ nguyên nội dung xác nhận về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất như Văn bản số 10/UBND. Đáng nói, cả Văn bản số 10/UBND và Quyết định số 67 nêu trên đều bị tòa án buộc hủy bỏ vì không đúng thực tế. Sau khi có Bản án số 13, ngày  17.11.2015, UBND xã mới có xác nhận, nội dung: “Nguồn gốc thửa đất số 6, tờ bản đồ số 29 (diện tích 1.426,5m2 ông Diệu đề nghị xác  nhận -  PV) là đất ven sông chưa sử dụng, đến năm 1999 khi ông Trà Minh Châu, Trà Minh Tri và Trà Minh Đấu đắp hồ nuôi tôm phía ngoài thì chừa một con mương cấp thoát nước chung để cho  ông Trần Văn Diệu, ông Nguyễn Danh, ông Nguyễn Văn Tâm và ông Nguyễn Trung sử dụng cấp thoát nước vào hồ nuôi tôm. Năm 2006 các hồ nuôi tôm của ông Nguyễn Danh, ông Nguyễn Văn Tâm, ông Nguyễn Trung bị giải tỏa (…), sau năm 2006, ông Nguyễn Văn Diệu sử dụng để cấp thoát nước vào hồ nuôi tôm của gia đình”.

Không đồng ý với xác nhận của địa phương, ông Diệu tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện đến huyện, tỉnh và tòa án. Các cơ quan chức năng lại phải vào cuộc. Thậm chí, TAND huyện Núi Thành phải ban hành Quyết định số 01/QĐ-THA ngày 14.3.2017, buộc Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp  thi hành Bản án số 13. Song “trả lời” tòa án, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp vẫn cho rằng, địa phương đã xác nhận rõ nguồn gốc sử dụng đất của ông Diệu theo đúng pháp luật! Tại Văn bản số 19/UBND-DC ngày 28.3.2017 của UBND xã Tam Hiệp gửi TAND huyện về việc “nhờ hướng dẫn thi hành án”, xã Tam Hiệp vẫn nhắc lại nội dung xác nhận như đã xác nhận cho ông Diệu vào ngày 17.11.2015 nêu trên. Về điều này, trả lời PV Báo Quảng Nam, ông Lê Chí - Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp khẳng định, đã chấp hành đầy đủ yêu cầu của bản án phúc phẩm năm 2015!

Vẫn đề là ở chỗ, tại sao địa phương đã thực hiện đúng nội dung bản án phúc thẩm như ông Lê Chí khẳng định mà ông Diệu vẫn không đồng tình, tiếp tục khiếu nại? Hãy so sánh nội dung bản án và xác nhận của UBND xã Tam Hiệp: Trong khi tòa khẳng định, đất của ông Diệu “được sử dụng ổn định, liên tục từ năm 1995 đến trước tháng 4.2013, không có tranh chấp” thì địa phương lại xác nhận rằng “… sau 2006, ông Nguyễn Văn Diệu sử dụng để cấp thoát nước vào hồ nuôi tôm của gia đình”. Với nhận định và phán quyết của tòa án thì ông Diệu sẽ được nhận bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi. Với xác nhận của địa phương, ông Diệu chắc chắn không nhận được tiền bồi thường về đất theo quy định của pháp luật. Có thể thấy rõ là Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp xác nhận về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của ông Diệu không đúng với phần nhận định và phán quyết của tòa phúc thẩm. Đó là lý do để đến nay, ông Diệu vẫn tiếp tục khiếu nại và khiếu kiện!

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU