Mất việc làm do đâu?
Ông Nguyễn Ngọc Sơn ở thôn Linh Kiều, xã Hiệp Hòa (huyện Hiệp Đức) gửi đơn đến Báo Quảng Nam phản ánh rằng, ông bị Công ty TNHH MTV Cao su (gọi tắt là Công ty Cao su) Quảng Nam cho nghỉ việc không có lý do. Và chúng tôi đã tìm hiểu vụ việc…
Ông Sơn khẳng định ông bị đuổi việc là vô lý, nên ông không chấp nhận. Ảnh: H.L |
17 năm gắn với cao su
Chúng tôi đến thôn Linh Kiều, gặp ông Nguyễn Ngọc Sơn. Từ ngày nghỉ việc ở Công ty Cao su đến giờ, ông Sơn và vợ là bà Nguyễn Thị Nha ở nhà, ai thuê gì làm nấy; thời gian rỗi, hai vợ chồng chăm sóc vườn cao su của gia đình. Ông Sơn cho biết, cách đây hơn 17 năm, khi cây cao su được đưa lên vùng đồi núi của Hiệp Đức, gia đình ông cùng nhiều gia đình khác trong xã Hiệp Hòa đã nghe theo chủ trương chung, cùng nhau góp đất để trồng cao su. “Lúc ấy, đất gia đình tôi đang trồng cây thầu đâu là đất nhà nước, bà con ở đây cũng vậy, không ai có sổ đỏ. Tôi nghe theo chủ trương, chặt bỏ cả nghìn cây thầu đâu, rồi giao đất cho công ty, sau đó nhận khoán trồng cao su, chăm sóc, bảo vệ cho đến ngày cạo mủ. Tôi nhận 2,20ha, vợ tôi nhận 2,82ha để chăm sóc, cạo mủ. Gắn bó với cây cao su từ ngày mới trồng, đến giờ đã 17 năm rồi, bị đuổi việc không lý do nên tôi rất bức xúc”- ông Sơn nói.
Rồi ông cho hay, sau Tết Âm lịch năm 2017, ngày mùng 6 tháng Giêng, công nhân ra quân cạo mủ cao su, nhưng do trời mưa lớn, đến mùng 9, vợ chồng ông mới vào vườn cao su để cúng đầu năm. Lúc này, vợ chồng ông Sơn gặp ông Nguyễn Văn Lê (tổ trưởng) xin nghỉ thêm 3 ngày nữa mới làm. Ngày 11 tháng Giêng (tức ngày 7.2.2017) hai vợ chồng ông vào cạo mủ. Đến 2 giờ chiều cùng ngày, ông Lê đến kiểm tra và yêu cầu vợ chồng ông dừng cạo mủ, lập biên bản nhưng ông không ký. Ngày 8.2, ông Lê yêu cầu vợ chồng ông Sơn trút tất cả mủ và không cho cạo tiếp, mời ngày 9.2 về nông trường xử lý và nông trường tạm đình chỉ công việc của vợ chồng ông, chờ báo cáo lên công ty xử lý. Ngày 14.2.2017, vợ chồng ông Sơn bị kỷ luật đuổi việc với lý do vi phạm Quy chế kiểm tra kỹ thuật khai thác mủ và công tác quản lý vườn cây cao su khai thác của công ty, cụ thể là “Công nhân lao động đổ nước và tạp chất vào mủ, lấy cắp mủ hoặc tạo điều kiện cho người khác lấy cắp mủ”. Ông Sơn cho rằng lý do công ty sa thải vợ chồng là vô lý, vì vậy, ông không chấp nhận, yêu cầu được giải quyết để đi làm lại. Tuy nhiên, Công ty Cao su không đồng ý.
Lý do đuổi việc là gì?
Chúng tôi đã đến Nông trường Cao su Phước Đức (xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức) để tìm hiểu căn nguyên khiến vợ chồng ông Sơn bị mất việc. Tại đây, các ông Lê Văn Dũng - Giám đốc Nông trường; Đặng Văn Thịnh - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn; Nguyễn Văn Lê - Tổ trưởng sản xuất đều khẳng định vợ chồng ông Sơn bị đuổi việc là do đã vi phạm quy chế của công ty. Ông Lê giải thích rằng, hôm ông Sơn xin nghỉ việc, đúng là ông Lê có uống rượu với một hộ công nhân khác vì trúng dịp đầu năm, nhưng ông không say, không xử lý tình huống bừa bãi. Ông Lê đã yêu cầu ông Sơn phải cạo mủ theo đúng quy định, không được để mủ lại vườn cao su, nhưng ông Sơn không nghe, vi phạm quy tắc kỹ thuật về cạo mủ và để mủ tại vườn nên ông báo cáo với nông trường mời vợ chồng ông Sơn đến để xử lý. Còn ông Lê Văn Dũng cho biết: “Ông Sơn là công nhân lâu năm của nông trường, biết rất rõ quy chế làm việc nhưng ông vẫn cố tình vi phạm. Tháng 1.2017, bà Nha bỏ cạo không lý do liên tiếp 3 ngày, ông Sơn bỏ cạo không lý do liên tiếp 4 ngày. Tháng 2.2017, khi toàn nông trường ra quân cạo mủ, ông Sơn bà Nha vào làm lễ rồi về chứ không cạo, sau đó có cạo nhưng không trút mủ, cạo quá cường độ, bởi quy định là cạo mủ phải giao nộp chứ không được để ở vườn cây. Trước khi công ty xử lý kỷ luật đuổi việc và thu hồi vườn cây, nông trường đã mời ông Sơn họp để kiểm điểm, nhận sai và rút kinh nghiệm để tạo điều kiện để ông đi làm lại. Tuy nhiên, ông Sơn kiên quyết không nhận sai, giải thích thế nào ông cũng không nghe, nên bắt buộc phải xử lý”.
Để tìm hiểu rõ nguyên nhân chính khiến ông Sơn bị đuổi việc theo quy chế chung, chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo Công ty Cao su Quảng Nam đóng tại huyện Thăng Bình. Ông Ngô Anh Tuấn - Trưởng phòng Tổ chức, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty cho biết: “Ông Sơn liên tiếp vi phạm các quy chế của công ty, như cạo mủ không hết hàng cạo, bỏ cạo không lý do, cạo sai cường độ cạo. Lý do chính ông Sơn bị kỷ luật là “tạo điều kiện cho người khác lấy cắp mủ”. Ông Sơn khai thác mủ mà không trút mủ, để mủ lại vườn cây. Quản lý của vườn cây phát hiện, nhắc nhở, vợ chồng ông chống đối, không chấp hành, không thừa nhận sai phạm nên công ty buộc phải kỷ luật”.
Vụ việc của ông Sơn và Công ty Cao su Quảng Nam đã được Phòng LĐ-TB&XH huyện Hiệp Đức hòa giải vào ngày 16.5, nhưng không thành. Công ty Cao su Quảng Nam khẳng định ông Sơn và bà Nha đã vi phạm nghiêm trọng nội quy, quy chế của công ty nên kỷ luật đuổi việc là đúng quy chế. Còn ông Sơn lại khẳng định ông không vi phạm, yêu cầu được đi làm trở lại. Sau khi nghe hai bên trình bày, và kiểm tra hồ sơ các bên cung cấp, Phòng LĐ-TB&XH huyện Hiệp Đức kết luận nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động của Công ty Cao su Quảng Nam là đúng theo quy định. Ông Sơn phải chấp nhận quyết định kỷ luật, sau một khoảng thời gian nhất định, ông gửi đơn đề nghị công ty xem xét nhận vào làm việc trở lại. Tuy nhiên, ông Sơn không đồng ý, vì cho rằng như thế ông dễ rơi vào “bẫy” khi chấp nhận bị kỷ luật. Ông Sơn đã gửi đơn đến TAND huyện Hiệp Đức yêu cầu giải quyết vụ việc.
HOÀNG LINH