Tranh chấp đất rừng dai dẳng ở xã Tiên Phong

TRẦN NGUYỄN 28/07/2017 08:58

Đất lâm nghiệp không phân định ranh giới, vị trí, quá trình canh tác của các hộ dân biến động nên xảy ra tranh chấp đất rừng dai dẳng. Chính quyền địa phương đã hòa giải nhiều lần nhưng vẫn chưa ngã ngũ...

Ông Huỳnh Văn Nghiêm với đơn thư trình bày. Ảnh: T.N
Ông Huỳnh Văn Nghiêm với đơn thư trình bày. Ảnh: T.N

Tranh chấp kéo dài

Trong đơn khiếu nại, ông Huỳnh Văn Nghiêm ở thôn 3, xã Tiên Phong (Tiên Phước) trình bày: Sau ngày giải phóng, ông có ngôi nhà ở gắn liền với đất vườn tại thôn 6 xã Tiên Phong. Năm 1986, UBND huyện Tiên Phước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng và đất rừng (gọi tắt bìa trắng) cho ông Nghiêm với diện tích 7.500m2. Trước năm 1990, gia đình ông đến thôn 3 - xã Tiên Phong sinh sống nên đã chuyển đổi toàn bộ diện tích trên sang trồng rừng. Năm 1994, các hộ chung quanh tự ý phá hết diện tích cây rừng,  trồng sắn, trong đó có hộ ông Nguyễn Ngọc Anh ở thôn 2 xã Tiên Phong. Phát hiện hành vi xâm lấn đất rừng trái phép ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, ông Nghiêm đã nhờ chính quyền can thiệp. “Hầu hết hộ dân lấn chiếm đều trả lại đất cho tôi. Riêng hộ ông Anh không chịu trả, tiếp tục trồng keo và lấn chiếm trên diện tích đất mà các hộ đã trả lại cho tôi trước đó. Tôi làm đơn cầu cứu nhiều lần song địa phương vẫn chưa giải quyết dứt điểm” - ông Nghiêm bức xúc. Năm 2004, phát hiện ông Anh lấn chiếm trái phép đất của mình và của ông Huỳnh Đức Dũng (có rừng giáp ranh), ông Nghiêm đã ngăn chặn nhưng ông Anh vẫn liên tục tái diễn hành vi trồng cây. Trước đó, ông Nghiêm đã có đơn xin nhận đất trồng rừng gửi Ban Quản trị Hợp tác xã nông nghiệp xã Tiên Phong và được thôn xác nhận.

Năm 2011, khi ông Nguyễn Ngọc Anh khai thác keo, ông Nghiêm khiếu nại; chính quyền vào can thiệp, kết luận đất đang tranh chấp không bên nào được sử dụng nhưng ông Anh vẫn tiếp tục trồng cây cho đến thời điểm này. Theo ông Nghiêm, được cán bộ địa phương hướng dẫn, ông làm đơn khởi kiện lên TAND huyện Tiên Phước. Sau khi các cơ quan chức năng huyện Tiên Phước và cán bộ của UBND xã đo đạc hiện trường thì phát hiện diện tích thực tế lớn hơn nhiều so với diện tích ghi trong bìa trắng của ông Nghiêm. Do vậy, tòa án không giải quyết, hướng dẫn ông rút đơn và tiếp tục khiếu nại đến UBND huyện Tiên Phước. Sau đó, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện đến đo đạc và tách riêng ra phần diện tích 7.500m2 đã ghi trong bìa trắng. “Vụ việc khiếu nại kéo dài từ năm này sang năm khác, ông Anh đã trồng cây trên đất đã được Nhà nước cấp cho gia đình tôi nhưng đến nay sự việc vẫn chưa kết luận trắng đen rõ ràng” - ông Nghiêm nói.

Nhờ tòa phán xét

Tại Biên bản giải quyết hòa giải năm 2011, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phong - ông Phan Đức Trung kết luận: hộ ông Huỳnh Văn Nghiêm, ông Huỳnh Đức Dũng (ông Dũng cũng khiếu nại ông Anh về hành vi xâm lấn đất của ông) và ông Nguyễn Bửu - cha ông Nguyễn Ngọc Anh, đều được UBND huyện Tiên Phước cấp bìa trắng vào năm 1986. Nhưng việc sử dụng đất của các hộ trên không liên tục có nơi trồng sắn, chỗ bỏ hoang. Năm 2004 ông Anh trồng keo, năm 2011 thu hoạch; chính quyền thừa nhận ông Anh được quyền khai thác số keo đã trồng và không được tiếp tục trồng cây trên phần đất tranh chấp. Trong biên bản hòa giải, ông Nguyễn Ngọc Anh lại cho rằng, diện tích ông đang sử dụng có tên gọi là Gò Bộng, còn đất của ông Nghiêm khiếu nại là Rẫy Dế nên không có liên quan. Về nguồn gốc sử dụng đất, ông Nguyễn Tiến Cửu - Trưởng thôn 6 xã Tiên Phong xác nhận, các hộ có khai hoang trồng sắn, sau này trồng keo nhưng không rõ ràng trong phân định ranh giới cụ thể.

Theo ông Võ Xuân Anh - Chủ tịch UBND xã Tiên Phong, năm 2011 UBND xã đã có thông báo kết luận yêu cầu các bên không được trồng cây trên phần đất tranh chấp nhưng ông Nguyễn Ngọc Anh vẫn tiếp tục trồng là sai nên không được khai thác keo. Về giải quyết cây trồng trên đất, theo chính quyền xã vì diện tích đất đang tranh chấp chưa xác định được vị trí, ranh giới cụ thể nên muốn khai thác ông Anh phải yêu cầu Phòng Tài nguyên - môi trường huyện xác định cụ thể ranh giới phần đất tranh chấp và không tranh chấp. Cũng theo ông Võ Xuân Anh, vì các đương sự không thống nhất thỏa thuận nên có quyền khởi kiện lên TAND huyện yêu cầu giải quyết.

TRẦN NGUYỄN

TRẦN NGUYỄN