Bức xúc vì bị cưỡng chế

TRẦN NGUYỄN 14/07/2017 09:33

Không đồng tình với biện pháp cưỡng chế của chính quyền địa phương, gây thiệt hại về tài sản của gia đình mình, bà Phan Thị Lan đã gửi đơn khiếu nại đến Báo Quảng Nam

Bà Phan Thị Lan bên hiện trường đống gạch đá đổ vụn nằm ngổn ngang sau khi chính quyền địa phương cưỡng chế công trình ngày 10.7. Ảnh: T.N
Bà Phan Thị Lan bên hiện trường đống gạch đá đổ vụn nằm ngổn ngang sau khi chính quyền địa phương cưỡng chế công trình ngày 10.7. Ảnh: T.N

Cưỡng chế

Ngày 10.7, theo kế hoạch, lực lượng chức năng TP.Tam Kỳ và chính quyền phường Hòa Thuận đã tiến hành phá dỡ công trình xây dựng của bà Phan Thị Lan trú tại thôn Đông An, phường Hòa Thuận. Trước đó, UBND TP.Tam Kỳ đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-CC, ngày 24.2.2017 về việc cưỡng chế, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Ngày 5.7, UBND phường Hòa Thuận có thông báo về tổ chức thực hiện cưỡng chế, yêu cầu bà Lan có mặt tại công trình vi phạm để kiểm kê tài sản sau khi tiến hành cưỡng chế.  Và sáng 10.7, trước sự chứng kiến của gia đình bà Lan, lực lượng chức năng đã đập phá công trình, đưa đàn heo hơn 10 con về trụ sở UBND phường. Bà Lan ngất xỉu, các nhân viên y tế đưa về Trung tâm Y tế TP.Tam Kỳ điều trị. Hiện bà đã phục hồi sức khỏe và trở về nhà.

Theo bà Phan Thị Lan trình bày, thời điểm năm 2000, bà có trại làm phân vi sinh trên mảnh đất của gia đình đã mua thanh lý của hợp tác xã trước đây. Sản xuất, kinh doanh phân bón bị thua lỗ, gia đình bà chuyển sang làm chuồng trại chăn nuôi heo thịt. Chỉ tay vào dấu vết nền móng được chia làm 3 chuồng trại, bà Lan nói: “Tôi buôn bán thịt heo lâu nay, ở đây ai cũng biết. Gia đình tôi xây chuồng trại này để nuôi heo, lấy công làm lời. Trong 3 chuồng trại có tổng cộng 11 con heo thịt nuôi vài tháng nay. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào mấy con heo nhưng mấy ổng đã bắt đi hết rồi. Cán bộ đến lập biên bản, xử phạt rồi đòi cưỡng chế vì cho rằng tôi xây dựng nhà trái phép”. Được biết, năm 2016, ngành chức năng phạt bà Lan 6 triệu đồng do vi phạm trật tự xây dựng đô thị, nhưng bà không chấp hành. “Công trình đã cưỡng chế thực chất đã hình thành từ năm 2000. Do xuống cấp nặng, tôi chỉ khôi phục lại bằng cách xây thêm để tiện cho việc chăn nuôi nhưng mấy ổng bảo tôi xây nhà ở. Tôi đã có nhà ở kiên cố tầng hóa phía trước, mắc mớ chi phải xây thêm nhà” - bà Lan phân bua.

Đúng quy định của pháp luật

Cũng theo bà Lan, ở địa bàn này có nhiều trường hợp xây nhà ở trái phép trong vùng quy hoạch nhưng chính quyền phớt lờ không xử lý, còn bà chỉ khôi phục lại chuồng heo tạm bợ thì bị đập phá, gây tổn thất nặng nề tài sản của gia đình. “Nằm sát bên thửa đất của tôi, có bao công trình nhà ở không phép, trái phép mọc lên mà chính quyền có cưỡng chế đâu. Nếu đồng loạt xử lý hết, với tinh thần thượng tôn pháp luật, tôi sẵn sàng chấp nhận…” - bà Lan bức xúc. Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận cho biết, địa phương chỉ tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quyết định của thành phố. Trước khi cưỡng chế, cán bộ có đến hiện trường kiểm tra xem có gì thay đổi không? Hồi tháng 6 không thấy heo thả trong công trình, nhưng thời điểm cưỡng chế đã có đàn heo 11 con. “Hiện tại số heo này đã đưa về phường, sẽ có bên tài chính định giá tài sản. Địa phương sẽ mời bà Lan đến nhận lại heo, trong trường hợp bà không đến nhận sẽ tổ chức bán đấu giá…” - ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng khẳng định, chính quyền cương quyết với các trường hợp xây dựng không phép, trái phép. Bà Lan bị xử phạt hành chính, nhắc nhở nhiều lần nhưng không chịu tự tháo dỡ, chấp hành theo yêu cầu. Thực tế bà xây dựng công trình nhà ở, nhưng do cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ nên bà tự thay đổi kết cấu công trình, chia làm 3 cái chuồng heo. Cũng theo chính quyền phường Hòa Thuận, năm 2016 thửa đất của bà Lan nằm trong vùng điều chỉnh quy hoạch khai thác đất lẻ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trước đây, khu vực này được quy hoạch là đất tái định cư cho Khu công nghiệp Thuận Yên, nhưng “dự án treo” suốt 10 năm nay. Còn ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ khẳng định, hồ sơ, trình tự giải quyết, tổ chức thực hiện cưỡng chế đối với trường hợp bà Lan rất chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Việc siết chặt quản lý hiện trạng đất đai trong vùng quy hoạch là điều cần thiết song qua vụ việc này cho thấy, hệ thống chính trị các cấp chưa làm tốt công tác vận động, đối thoại, giải thích, vì thế bà Lan mới chưa thực sự “tâm phục”.

TRẦN NGUYỄN

TRẦN NGUYỄN