Về vụ tranh chấp đất ở xã Trà Dương (Bắc Trà My): Từ sai lại dẫn đến sai...

NGUYỄN DƯƠNG 07/07/2017 09:05

Cho rằng chính quyền địa phương không minh bạch trong việc thu hồi, cấp đất rừng cho người dân, một nhóm hộ ở thôn Dương Phú, xã Trà Dương (Bắc Trà My) đã nhiều lần làm đơn khiếu nại nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Những người dân thôn Dương Phú, xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My đang rất lo lắng trước thông tin vào ngày 1.7 tới, nếu không chịu chia 50% lợi nhuận cây keo trên diện tích chồng lấn sẽ bị giải tỏa trắng. Ảnh: N.D
Những người dân thôn Dương Phú, xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My đang rất lo lắng trước thông tin vào ngày 1.7 tới, nếu không chịu chia 50% lợi nhuận cây keo trên diện tích chồng lấn sẽ bị giải tỏa trắng. Ảnh: N.D

Lấy đất của người này cấp cho người khác

Theo đơn khiếu nại của bà Trương Thị Mai trú tại thôn Dương Phú, xã Trà Dương, năm 1980, bà và nhóm hộ từ xã Tam Thăng, Tam Phú lên làm kinh tế mới tại xóm Ồ Ồ gồm Hồ Xuân Cư, Lưu Thanh Quang, Ngô Văn Chung, Nguyễn Thị My và Cao Văn Vĩnh. Tại đây, những hộ dân này đã cùng nhau phát rẫy, làm nương, trồng lúa để phát triển kinh tế gia đình. Gia đình bà Mai đã phát và canh tác trên khoảng 2ha đất (sau này chuyển nhượng một nửa cho người dân cùng địa phương). Năm 1999, bà và nhóm hộ được chính quyền địa phương mời họp thông báo Nhà nước sẽ thu hồi đất rẫy ở tại xóm Ồ Ồ để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc mà không có đền bù, chỉ có trả tiền công phát dọn thành đất rẫy. Bà và nhóm hộ đồng ý vì Nhà nước thu hồi đất để trồng rừng cho huyện. Tuy nhiên, năm 2012, bà Mai và nhóm hộ phát hiện diện tích đất của mình bị chính quyền địa phương thu hồi để cấp cho ông Nguyễn Thành Lập, trú tại thôn 4 xã Trà Dương và ông Phạm Duy Hồng (trú ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước). Vì thế, bà Mai và nhóm hộ làm đơn khiếu nại đòi lại đất mà họ đã bỏ công khai phá trồng trọt.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngày 18.8.1999, UBND huyện Bắc Trà My đã có Quyết định số 287/QĐ-UB về việc giao 90,7ha đất lâm nghiệp cho nhóm hộ ông Nguyễn Thành Lập (còn gọi là Nguyễn Văn Lập, trú tại thôn 4 xã Trà Dương lúc đó) và ông Phạm Duy Hồng (trú ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước). Thời gian sử dụng là 50 năm kể từ ngày ký quyết định. Đây là diện tích đất mà bà Mai và nhóm hộ gồm Hồ Xuân Cư, Lưu Thanh Quang, Ngô Văn Chung, Nguyễn Thị My và Cao Văn Vĩnh bị thu hồi mà không được đền bù. Sau khi được giao 90,7ha đất, ông Nguyễn Thành Lập liên kết với Công ty Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam do ông Lê Văn Thưởng làm đại diện để trồng rừng nguyên liệu giấy với vốn vay của công ty theo phương thức một bên góp vốn vay, một bên góp đất rừng, thời gian từ 1999 đến 2014. Tuy nhiên, năm 2012, giá keo sụt giảm mạnh, đường vận chuyển khó khăn, việc liên kết làm ăn bị thua lỗ, Công ty Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam rút khỏi dự án trồng rừng này. Đây cũng là thời điểm mà những hộ dân trước đây hiến đất phát hiện vụ việc và khiếu kiện để đòi lại đất của mình trước đây.

Cấp đất chồng lấn dẫn đến khiếu kiện

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho rằng, hồi đó không hiểu nguyên do gì chính quyền lại làm như thế! (Thời điểm đó, ông Nhuần mới chỉ là cán bộ phòng nông nghiệp của huyện). Năm 2012, khi những hộ dân khác trồng keo trên diện tích đất cấp cho ông Lập, ông làm đơn khiếu nại lên xã, huyện. Qua kiểm tra, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện kết luận: Trên giấy tờ diện tích được giao 90,7ha đất nhưng thực tế ông Lập chỉ sử dụng là 25,7ha. Ngày 17.3.2014, UBND huyện Bắc Trà My ban hành Quyết định số 493/QĐ-UBND về việc thu hồi và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho ông Nguyễn Thành Lập. Theo đó, Quyết định cũ số 287/QĐ-UB của UBND huyện Trà My (cũ) bị thu hồi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BQ 392694 cho ông Lập tại thửa đất số 1 với diện tích là 10ha đất lâm nghiệp trong diện tích 25,7ha đã sử dụng từ khi được giao đất đến nay và được hưởng cây keo tái sinh trên đất (nếu có) ở diện tích 10ha được cấp lại. Diện tích còn lại là 15,7ha được giao cho UBND xã Trà Dương quản lý.

Điều oái oăm là 10ha đất mà UBND huyện Bắc Trà My cấp lại cho ông Lập lại nằm trên diện tích đất mà 6 hộ dân trước đây đã từng hiến và họ đã vào trồng keo trên đó, vì thế liên tục xảy ra tranh chấp giữa đôi bên. Bà Nguyễn Thị My (một trong 6 người có diện tích chồng lấn trên đất ông Lập) cho biết, bà không chấp nhận quyết định này của UBND huyện nên đã đệ đơn ra tòa án huyện phân giải nhưng vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết. “Hiến đất cho Nhà nước, chúng tôi đồng ý ngay, nhưng lấy đất của chúng tôi cấp cho ông Lập thì đâu có được!” - bà My bức xúc. Theo ông Phan Mạnh - Chủ tịch UBND xã Trà Dương, việc ăn chia theo tỷ lệ 50 - 50 trên diện tích keo khai thác là thực hiện theo Quyết định 493/QĐ-UBND ngày 17.3.2014 của UBND huyện Bắc Trà My. Trong đó đã ghi rõ: sau khi giao trả lại 65ha đất không sử dụng, ông Lập đề nghị cấp lại cho ông 10ha đất lâm nghiệp và được hưởng 50% cây keo tái sinh trên đất của diện tích đất này. Bà Mai cho rằng gia đình bà trồng keo, chăm sóc từ năm 2012 đến nay chứ không phải là cây keo tái sinh. “Nếu là rừng keo tái sinh sẽ không có mật độ, cự ly, hàng lối như thế được, nhìn là biết ngay. Giờ bắt tôi chia 50% lợi nhuận cho ông Lập thì vô lý quá!” - bà Mai nói.

Khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Nhuần cho biết, đó sai lầm khi giao đất của những người tiền nhiệm. “Vì vậy, trong cuộc họp mới đây, chúng tôi tính đến phương án là thu hồi toàn bộ diện tích đất trước đây (25,7ha) giao cho xã quản lý, không cấp 10ha đất chồng lấn cho ông Lập nữa, mà xem xét cho những hộ dân nào chưa có đất rừng sản xuất, hộ nghèo, gia đình chính sách và bộ đội phục viên để giao đất. Tất nhiên, trong đó có cả những hộ dân đang khiếu nại” - ông Nhuần cho hay.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG