"Chống lại" quyết định của tòa?

TR.HỮU - Q.HUY 16/06/2017 08:27

Mặc dù TAND huyện Bắc Trà My đã hòa giải thành và có Quyết định số 07/2017/QĐST-DS công nhận toàn bộ diện tích keo là của gia đình ông Châu trồng, nhưng UBND xã Trà Đông vẫn cản trở không cho thu hoạch, gây thiệt hại kinh tế cho người dân.

Vợ chồng ông Châu bức xúc về việc TAND huyện Bắc Trà My mặc dù đã công nhận toàn bộ số keo nhưng UBND xã Trà Đông không cho khai thác. Ảnh: T.H
Vợ chồng ông Châu bức xúc về việc TAND huyện Bắc Trà My mặc dù đã công nhận toàn bộ số keo nhưng UBND xã Trà Đông không cho khai thác. Ảnh: T.H

Thừa nhận tài sản nhưng không cho khai thác

Theo đơn trình bày của vợ chồng ông Hệ Ngọc Châu, năm 2012 gia đình sử dụng 7ha đất rừng của mẹ và cha dượng để trồng keo. Sau hơn 4 năm chăm sóc, diện tích keo đến tuổi thu hoạch, gia đình ông làm đơn xin khai thác  nhưng UBND xã Trà Đông không chấp thuận. Hiện tại, nhiều cây trồng bị hư hại, đổ ngã, thiệt hại kinh tế không nhỏ. Theo ông Châu, năm 2004, mẹ và cha dượng làm đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất với diện tích 30ha tại khoảnh 4, tiểu khu 766 (xã Trà Đông). Ngày 26.10.2004, cán bộ địa chính xã đã đi khảo sát và đo vẽ sơ đồ với diện tích 30ha. Tuy nhiên, diện tích thực tế hiện nay chỉ khoảng 7ha và toàn bộ diện tích đất này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Bà Thái Thị Xuân - vợ ông Châu phân trần: “Tuy đất rừng chưa được cấp bìa đỏ nhưng từ trước đến nay các thế hệ gia đình sử dụng ổn định, lâu dài, không có người tranh chấp. Năm 2012, cha dượng mất, mẹ và em trai giao lại cho chồng tôi 7ha rừng để trồng keo. Không cho khai thác, nhiều lần gia đình làm đơn khiếu nại UBND xã Trà Đông và UBND huyện Bắc Trà My nhưng không được giải quyết”.

Vợ chồng ông Châu làm đơn khởi kiện ra tòa. Qua nhiều lần hòa giải, ngày 25.4.2017, TAND huyện Bắc Trà My tổ chức hòa giải thành công và có Quyết định số 07/2017/QĐST-DS công nhận toàn bộ cây keo trồng tại khoản 4, tiểu khu 766 thôn Ba Hương, xã Trà Đông là tài sản của vợ chồng ông Hệ Ngọc Châu. Sau khi quyết định của TAND huyện có hiệu lực, ngày 6.5.2017, ông Châu tiếp tục làm đơn xin khai thác keo thì chính quyền xã Trà Đông vẫn từ chối giải quyết. Theo ông Hệ Ngọc Châu, nếu được khai thác năm 2015 thì giá trị rừng keo đem lại cho gia đình ông là 300 triệu đồng. Vậy nhưng qua mùa mưa bão, nhiều cây trồng đã ngã, nếu chặt bán thời điểm hiện tại cũng trên dưới 100 triệu đồng.  “Sau khi thỏa thuận của tòa án có hiệu lực tôi làm đơn xin khai thác thì ông Nguyễn Quang Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Đông vẫn không đồng ý cho chúng tôi khai khác. Tôi thỉnh cầu chính quyền, các cơ quan chức năng  vào cuộc giải quyết để gia đình thu hoạch được số keo trồng trang trải cuộc sống hàng ngày. Điều bất công là những hộ dân ở xã Tiên Lập (Tiên Phước) sang lấn chiếm để trồng keo trên diện tích mà cha dượng tôi đã đăng ký vào năm 2004 khoảng 23ha thì được chính quyền  tạo điều kiện cho khai thác thuận lợi” - ông Châu bức xúc.

Chính quyền nói gì?

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào ngày 14.6, ông Dương Minh Anh - Chủ tịch UBND xã Trà Đông cho biết, đơn xin khai thác rừng của ông Châu, chính quyền chưa đồng ý giải quyết do vướng Chỉ thị số 17 năm 2015 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. “UBND xã chắc chắn sẽ giải quyết đơn của ông Châu chứ không phải làm khó công dân. Địa phương đang chờ hướng dẫn của cơ quan hạt kiểm lâm, ngành tài nguyên - môi trường. Thực tế chung quanh khu vực của ông Châu trồng keo vi phạm đất rừng rất nhiều, không có giấy tờ hợp pháp. Chính quyền cân nhắc xử lý kỹ lưỡng, chứ giải quyết đơn giản các hộ chung quanh sẽ nói này kia” - ông Anh nói. Theo lãnh đạo chính quyền xã, trong trường hợp các ngành chức năng của huyện Bắc Trà My xác định nguồn gốc đất của ông Châu là hợp pháp, thì địa phương sẽ cho khai thác ngay theo quy định; còn xác định trái phép theo tinh thần của Chỉ thị số 17 sẽ thu hồi số cây vi phạm, nộp vào ngân sách, chỉ hỗ trợ tiền công chăm sóc cho hộ trồng trên đất lấn chiếm trái phép.

Theo giải thích của chính quyền xã, đơn xin khai thác keo của hộ ông Hệ Ngọc Châu phải xem xét, rà soát lại các vấn đề liên quan đến hồ sơ đất đai.  Ông Anh khẳng định, địa phương đang chờ chỉ đạo của UBND huyện Bắc Trà My, hướng dẫn giải quyết của các cơ quan như kiểm lâm, tài nguyên – môi trường huyện. Là cơ quan xác nhận, hiểu rõ tường tận nguồn gốc sử dụng đất của hộ ông Châu, nhưng lãnh đạo UBND xã Trà Đông đã trả lời vòng vo, đá “quả bóng trách nhiệm” lên cấp trên.  Cách trả lời “nước đôi” này của chính quyền xã chẳng khác gì cách đây hơn một năm khi làm việc với phóng viên Báo Quảng Nam. Sự thật ngạc nhiên ở chỗ: chỉ mỗi việc khẳng định hộ ông Châu có sử dụng đất rừng hợp pháp hay không hợp pháp mà UBND xã vẫn chưa thể trả lời dù thời gian kéo dài... 13 năm. Việc chính quyền xã vin vào Chỉ thị số 17 ngày 18.8.2015 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép mà rề rà giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân là không thể chấp nhận được.

Gia đình ông Châu đã được chính quyền địa phương đồng ý cho đăng ký làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 13 năm trước. Tuy nhiên, từ đó đến nay, địa phương không trả lời dứt khoát với người dân về quyền sử dụng đất rừng nên mới để xảy ra vụ việc rắc rối. Quyết định công nhận tài sản trên đất ngày 25.4.2017 của TAND huyện Bắc Trà My lẽ nào không có giá trị pháp lý? Nếu các ngành chức năng của huyện và chính quyền xã Trà Đông cố tình kéo dài giải quyết, chẳng khác nào “đánh đố” với người dân. Tài sản cây trồng của gia đình ông Châu bị thiệt hại, cơ quan nào chịu trách nhiệm? Bao giờ đơn xin khai thác 7ha cây keo tại thôn Ba Hương, xã Trà Đông của vợ chồng ông Hệ Ngọc Châu mới được giải quyết?

TR.HỮU - Q.HUY

TR.HỮU - Q.HUY