Hỗ trợ tiền mua máy móc cơ giới hóa sản xuất ở xã Đại Hưng (Đại Lộc): Có hay không việc "giấu" thông tin?
Nghi ngờ chính quyền giấu thông tin hỗ trợ tiền mua các phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất, các hộ dân ở xã Đại Hưng (Đại Lộc) bức xúc cầu cứu các cơ quan chức năng.
Nhiều trưởng thôn xác nhận họ không nhận được thông báo số 4 của UBND xã Đại Hưng. Ảnh: T.H (Nhấn vào ảnh để xem nội dung phóng to) |
Trong đơn, vợ chồng ông Phan Văn Xô trú thôn Mậu Lâm, xã Đại Hưng trình bày: Năm 2014, sau khi mua chiếc máy gặt lúa liên hợp, ông mang hồ sơ đến UBND xã Đại Hưng để được hướng dẫn làm thủ tục hưởng chế độ hỗ trợ theo Quyết định 33/2001/QĐ-UBND ngày 17.11.2011 của UBND tỉnh quy định cơ chế hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hóa một số khâu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015. Lãnh đạo xã bảo mang hồ sơ về, khi nào có chương trình triển khai sẽ thông báo đến tận gia đình. Năm 2015, gia đình ông Xô mua thêm một chiếc máy nữa về phục vụ sản xuất và chờ đợi thông báo của chính quyền để nhận tiền hỗ trợ. “Tuy nhiên, mãi đến nay tôi chưa nhận bất cứ một thông báo nào để làm thủ tục hồ sơ nhận tiền hỗ trợ theo quy định. Trong khi đó, ngày 25.11.2016, những hộ dân trong xã có phương tiện giống tôi đã nhận được tiền hỗ trợ mỗi hộ 40 triệu đồng. Bức xúc tôi lên xã hỏi, họ mới đưa ra văn bản ngày 5.5.2015 cho rằng đã gửi thông báo này xuống các thôn rồi và đưa ra nhiều lý do không chính đáng. Tôi hỏi ông Bùi Văn Phúc - nguyên Trưởng thôn Mậu Lâm (thời điểm tháng 5.2015), ông khẳng định không nhận được thông báo của UBND xã Đại Hưng gửi xuống” - bà Võ Thị Thùy - vợ ông Xô, bức xúc.
Ngày 31.10.2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng ký Quyết định số 3840/QĐ-UBND về việc cấp kinh phí hơn 14 tỷ đồng bổ sung cho các địa phương thanh toán kinh phí hỗ trợ mua máy thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, huyện Đại Lộc: 3,7 tỷ đồng; Thăng Bình: 3,2 tỷ đồng; thị xã Điện Bàn: 2,1 tỷ đồng; Duy Xuyên: 1,8 tỷ đồng; Phú Ninh: 1,2 tỷ đồng; Núi Thành: 1 tỷ đồng… Nội dung quyết định này cũng nêu rõ, số tiền từ nguồn sự nghiệp kinh tế năm 2015 chuyển sang 2016 để hỗ trợ cho các đối tượng đã mua máy phục vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp trước ngày 31.12.2015 có đầy đủ hồ sơ, thủ tục nhưng chưa được hỗ trợ. Chiếu theo văn bản này, các đối tượng đã mua máy phục vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp trước ngày 31.12.2015 có đủ hồ sơ, thủ tục đều được hỗ trợ. Sở dĩ 3 hộ dân đề cập ở trên không có hồ sơ ở UBND xã Đại Hưng là do không nhận được thông báo. Theo Sở NN&PTNT, nguồn kinh phí hỗ trợ theo Quyết định 33/2001/QĐ-UBND ngày 17.11.2011 rất ít, trong khi đó hồ sơ xét duyệt người dân gửi lên thì nhiều nên xảy ra những bất cập. |
Một người dân khác - ông Phan Tấn Lực trú thôn Đại Mỹ, xã Đại Hưng cũng có hoàn cảnh tương tự. Tháng 4.2014, ông Lực mua 2 chiếc máy cày sản xuất. Tháng 4.2015, gia đình ông tiếp tục mua thêm một máy gặt liên hợp để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân địa phương. Đến ngày 25.11.2016 vừa qua, các hộ trong xã mua sắm phương tiện như gia đình ông Lực đến trụ sở UBND xã nhận tiền hỗ trợ theo Quyết định số 33/2001/QĐ-UBND của UBND tỉnh, gia đình ông mới hay biết. Theo ông Lực, lúc mua máy móc về, ông hoàn toàn không biết có chế độ hỗ trợ trên. “Khi thấy những hộ khác được nhận tiền hỗ trợ mua máy thì tôi mới lên xã hỏi. Tuy nhiên, cán bộ xã trả lời vòng vo, biện hộ rằng thông báo đã đưa về tận các thôn. “Tôi về gặp bà Phạm Thị Đắc - Trưởng thôn Đại Mỹ, bà xác nhận không hề nhận được thông báo trên từ xã nên không biết để thông tin cho các hộ dân” - ông Lực phân trần. Còn trường hợp gia đình ông Nguyễn Đình Cưng trú thôn Trúc Hà, xã Đại Hưng, mua máy gặt liên hợp với số tiền 600 triệu đồng từ tháng 7.2015 cũng không được nhận tiền hỗ trợ. Ông Cưng cho hay, chính quyền xã cho rằng máy móc của gia đình ông mua sau khi có thông báo của xã nên không được nhận hỗ trợ. “Lạ là, trường hợp của ông Nguyễn Sơn ở thôn 14 của xã Đại Lãnh, mua máy gặt sau tôi nhưng vẫn nhận được số tiền hỗ trợ trong đợt này” - ông Cưng thắc mắc.
Các hộ dân khiếu nại quả quyết rằng, họ không nhận được thông báo hỗ trợ vì xã không gửi về cho thôn. Tuy nhiên, ngày 15.12, trao đổi với chúng tôi, ông Hà Xuân Minh - Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho hay, sau khi nhận đơn phản đối của các hộ dân, HĐND xã đã tiếp nhận, kiểm tra giám sát và UBND xã sẽ có báo về vụ việc này. Trả lời câu hỏi phản ánh của các hộ dân là đúng hay sai, ông Minh cho rằng, hiện tại chính quyền xã đang chờ HĐND xã làm việc, không thể khẳng định đúng hay sai. “Chúng tôi đang kiểm tra lại bộ phận đưa công văn, thông báo của UBND xã trước đây về các ban nhân dân thôn, sau đó sẽ có báo cáo đầy đủ về khiếu nại của các hộ dân” - ông Minh nói. Cũng theo lãnh đạo xã Đại Hưng, nguồn kinh phí hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trong 2 năm 2014 - 2015 không có, các năm trước huyện chỉ phân bổ về địa phương hỗ trợ mỗi năm từ 1 - 2 phương tiện máy móc.
Như vậy, không chỉ người dân mà cả ban nhân dân số thôn của xã Đại Hưng cũng không nhận thông báo hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Dư luận đang đặt nghi vấn có hay không việc UBND xã Đại Hưng “giấu” thông tin hỗ trợ sản xuất cho người dân, vậy nên chính quyền xã Đại Hưng cần có câu trả lời thỏa đáng.
TRẦN HỮU