Câu trả lời còn bỏ ngỏ
Ông Đỗ Thế Trường là thương binh hạng 2/4, trú tại thôn Đông Lãnh, xã Điện Trung, Điện Bàn làm đơn khiếu nại về việc UBND xã Điện Trung không chịu đền bù khi thu hồi đất của gia đình ông…
Giao đất không rõ ràng
Trong đơn gửi Báo Quảng Nam, ông Đỗ Thế Trường trình bày: Năm 1993, xã Điện Trung tổ chức cấp đất sản xuất lúa cho người dân, bản thân ông Trường là thương binh hạng 2/4 nên được ưu tiên cấp 487m2 tại vùng C, thửa số 606, tờ bản đồ số 13 (thôn Đông Lãnh, xã Điện Trung). Kể từ ngày được cấp đất đến nay, gia đình ông Trường sản xuất lúa và không gặp bất cứ sự tranh chấp nào. Giữa tháng 4.2016, UBND xã Điện Trung thu hồi diện tích đất của gia đình ông Trường để giao cho một doanh nghiệp Hàn Quốc thực hiện dự án nhà máy nhựa sản xuất áo mưa xuất khẩu nhưng lại không đền bù cho gia đình ông. Lý do là diện tích đất mà gia đình ông Trường đang sử dụng thuộc đất dự phòng 5% do UBND xã quản lý. Ngày 17.4, vợ chồng ông Trường làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng thị xã Điện Bàn và UBND xã Điện Trung kiến nghị xin được cấp bìa đỏ diện tích đất nêu trên nhưng không được chính quyền địa phương chấp nhận. “Xã nói, do địa chính quản lý không chặt, đáng lẽ phải truy thu lệ phí, chứ đền bù gì. Như vậy là không đúng, địa chính làm sai sao bây giờ lại đổ cho dân?” - ông Trường bức xúc.
Thửa đất của gia đình ông Đỗ Thế Trường sẽ bị thu hồi giao cho nhà máy (đang xây dựng phía sau) mà không được đền bù vì không có sổ đỏ. Ảnh: V.L |
Trên thực tế, gia đình ông Trường sử dụng diện tích 487m2 đất được cấp được nhiều hộ dân trong thôn xác nhận. Ông Lương Hồng Hay, nguyên đội trưởng đội sản xuất, người trực tiếp chia đất cho ông Trường cho biết: “Năm 1993, xã có chủ trương chia đất sản xuất cho dân, căn cứ vào Nghị định 64/CP của Chính phủ ngày 27.9.1993. Lúc đó, ông Trường cũng như một số thương binh khác thuộc diện chính sách nên được ưu tiên chọn đất trước không qua bốc thăm”. Chính quyền địa phương bảo rằng, nếu tôi chịu nhận sai, rút đơn khiếu nại thì sẽ giải quyết một lần theo Quyết định 43/QĐ-UB của UBND tỉnh nhưng tôi không đồng ý vì đất của gia đình tôi canh tác làm ăn 23 năm qua không ai có ý kiến gì, nay bỗng dưng mất trắng là sao? Tôi gửi đơn kêu cứu không phải vì tiền đền bù mà vì danh dự và nỗi hàm oan” - ông Trường nói.
Bỏ sót khi làm bìa đỏ?
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Trường Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Trung khẳng định, việc đền bù chỉ căn cứ vào bìa đỏ nhưng thửa đất số 606, diện tích 487m2 của gia đình ông Trường lại không có bìa đỏ thì không được đền bù tiền. Cũng theo ông Sơn, theo Điều 8 Nghị định 64/CP thì ông Trường không thuộc diện được cấp đất vì là thương binh hưởng tiền từ ngân sách nhà nước nên thửa đất 606 mà gia đình ông Trường canh tác 23 năm qua là đất của xã quản lý linh động cho thuê chứ không cấp hẳn cho ông Trường. Thậm chí, trong Quyết định số 23 gửi Chủ tịch UBND thị xã và các bên liên quan ngày 10.5.2016 về việc giải quyết khiếu nại của ông Trường (do vợ ông là bà Nguyễn Thị Đào, chủ hộ đứng đơn) do ông Trần Tình - Chủ tịch UBND xã Điện Trung ký, khẳng định: “Các đối tượng được giao đất năm 1993 thực hiện đúng theo Điều 6 và 7 của Nghị định 64/CP, riêng các đối tượng là cán bộ, công nhân viên chức và bộ đội về hưu và nghỉ mất sức đang hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên được áp dụng theo Điều 8 của Nghị định 64/CP. Chồng bà Nguyễn Thị Đào là ông Đỗ Thế Trường lúc đó là cán bộ Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam - Đà Nẵng nên không được giao đất là đúng theo tinh thần Nghị định 64 của Chính phủ”.
Tuy nhiên, Điều 8 Nghị định 64/CP chỉ quy định các đối tượng không được cấp đất gồm: “Cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước và bộ đội về hưu hoặc nghỉ mất sức lao động đang được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên về sống tại địa phương…”, không có câu chữ nào quy định thương binh hay gia đình chính sách không được cấp đất cả. Đặc biệt, thời điểm cấp đất (15.10.1993) ông Trường không còn là cán bộ của Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam - Đà Nẵng. Vì trước đó, ngày 1.10.1992, ông Trường đã nghỉ việc tại Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam - Đà Nẵng (hưởng một lần theo Quyết định 06 do Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam - Đà Nẵng ký ngày 1.10.1992) và về sinh sống tại địa phương. Nếu áp dụng theo mục 1 Điều 7 Nghị định 64/CP đối với những người sống bằng nghề nông cư trú tại địa phương nhưng chưa có hộ khẩu thường trú thì ông Trường cũng thuộc diện được cấp đất. Ông Trường nhập khẩu về xã ngày 3.9.1993, trước thời điểm cấp đất một tháng. Ngoài ra, trong đợt nhận đất năm 1993, nhiều gia đình liệt sĩ, thương binh như ông Trường đều được cấp sổ đỏ vào năm 1997, chỉ trừ thửa đất 487m2 của ông Trường.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc An - Phó Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường thị xã Điện Bàn khẳng định, nếu quy trình cấp đất sai ngay từ đầu thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm. Vậy ai đã làm sai ngay từ lúc phân loại đối tượng giao đất? Câu trả lời xin dành cho các cơ quan chức năng của thị xã Điện Bàn.
VĨNH LỘC