Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn
Vụ việc cố ý gây thương tích cho người khác của Công an xã Tam Mỹ Tây đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Công an huyện Núi Thành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nhưng người bị hại cho rằng, còn lọt tội phạm nên làm đơn khiếu nại.
Bỏ lọt tội phạm?
Trong đơn khiếu nại, ông Trần Văn Nhật trình bày: Chiều ngày 21.4, các ông Trần Minh Vương - công an viên thôn Tú Mỹ, Mai Văn Trí - Trưởng Công an xã, Nguyễn Văn Tùng - Phó Trưởng Công an xã đã dùng tay chân, cây gỗ to và gậy cao su đánh đập ông dã man, gây thương tích nghiêm trọng. Kết luận giám định của Trung tâm Pháp y tỉnh xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông Nhật là 26%.
Ngày 29.6, ông Nhật nhận được Thông báo số 221/TB ngày 25.6 của CQCSĐT Công an huyện Núi Thành về kết quả tố giác tội phạm, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Minh Vương; không đề cập việc khởi tố đối với các ông Mai Trí, Nguyễn Văn Tùng. Tiếp tục làm đơn khiếu nại và yêu cầu khởi tố đối với các ông Trí, Tùng về hành vi cố ý gây thương tích, ngày 26.8, ông Nhật nhận được Thông báo số 302/TB của CQCSĐT Công an huyện Núi Thành. Thông báo nêu rõ: Ông Trần Minh Vương đánh gây ra thương tích 7% nên bị khởi tố. Đối với thương tích 19% còn lại “do xô xát giữa ông Nhật với tổ công tác của Công an xã Tam Mỹ Tây đang thi hành công vụ làm sai quy trình dẫn đến gây thương tích cho ông Nhật. Đặc biệt, ông Mai Trí, Nguyễn Văn Tùng dùng còng số 8, gậy cao su, tay chân đánh ông gây thương tích như nêu trên là chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. Với thông báo này, ông Nhật cho rằng, CQCSĐT Công an huyện Núi Thành không khách quan, bao che và bỏ lọt tội phạm.
Anh Trần Văn Nhật chỉ một vết thương trên mắt trái do bị đánh. Ảnh: H.G |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nhật cho biết: “Hôm đó, tôi nói đùa với anh Vương rồi phát sinh mâu thuẫn, anh Vương dùng đoạn gỗ keo đánh một nhát trên lưng tôi rồi bỏ về nhà. Tôi đuổi theo gặng hỏi: “Tại sao mày đánh tao?”. Đến nhà Vương, tôi tiếp tục lời qua tiếng lại, Vương dùng gậy cao su đánh tôi, sau đó bỏ trốn vào vườn chè. Khi tôi đang ở nhà anh Vũ (anh vợ) thì ông Trí và ông Tùng xuất hiện, xông vào còng tay tôi, dùng gậy cao su, tay chân đánh đập tôi trước sự chứng kiến của nhiều người. Bức xúc, người dân phản ứng, các ông mới lôi tôi lên xe máy, chở đến cây cầu sắt ở đầu thôn và tiếp tục đánh. Thấy tôi ngất xỉu, các ông sợ chết nên tháo còng, chở đến cạnh nhà ông trưởng thôn, bỏ nằm đó. Một giờ sau tôi tỉnh dậy đi về nhà để vợ đưa đi bệnh viện” - ông Nhật bức xúc kể.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện CQCSĐT Công an huyện Núi Thành khẳng định, qua phân tích cơ chế hình thành vết thương, cơ quan điều tra xác định Trần Minh Vương gây thương tích 7% cho ông Nhật. Liên quan đến vụ việc, cơ quan điều tra cũng xác định tổ công tác của Công an xã Tam Mỹ Tây gồm các ông Mai Trí, Nguyễn Văn Tùng, Lê Văn Hồng - Xã đội trưởng đang thực thi công vụ. Tổ công tác làm sai quy trình là đã đánh người gây thương tích, không đưa người bị đánh đi bệnh viện, không thực hiện lấy lời khai của các nhân chứng tại hiện trường mà để ngày hôm sau mới tiến hành. Với mức thương tích 19% do các ông Mai Trí, Nguyễn Văn Tùng gây ra cho ông Nhật là chưa đủ mức để truy cứu trách nhiệm hình sự nên Công an huyện Núi Thành xử lý phạt hành chính mỗi người 2 triệu đồng vì hành vi xâm hại sức khỏe người khác. Hồ sơ vụ việc đã được chuyển cho các cơ quan chức năng cùng cấp xử lý theo quy định pháp luật.
Thi hành công vụ kiểu gì?
Theo bà Trần Thị Kim Dương - vợ ông Nhật, khi ông Nhật nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, các ông Trần Minh Vương và Mai Trí có đến thăm và đưa cho gia đình 11 triệu đồng để lo chạy chữa. |
Tuy nhiên, kết luận của CQCSĐT Công an huyện Núi Thành không nhận được sự đồng tình của gia đình ông Trần Văn Nhật và nhiều người dân thôn Tú Mỹ. Các nhân chứng vụ việc khẳng định: Có mặt tại sân nhà ông Vũ, các ông Mai Trí, Nguyễn Văn Tùng không lập biên bản, không lấy ý kiến của nhân chứng mà xông vào còng tay Nhật, lôi ra đường bê tông trước nhà. Khi Nhật níu kéo, mắng chửi thì bị hai ông dùng gậy cao su, tay đấm, chân đá Nhật. Đánh xong, các ông mới áp tải Nhật lên xe máy chở đi. Là người chứng vụ việc, ông Đoàn Ngọc Ánh - cán bộ hưu trí thôn Tú Mỹ, bức xúc nói: “Thi hành công vụ kiểu gì khi vừa có mặt tại hiện trường thì các anh Trí, Tùng xông vào còng tay, đánh người cứ y như là một đám đánh lộn. Không thể gọi là xô xát như xác định của cơ quan điều tra. Thấy Nhật bị đánh quá, tôi mới đến nói: “Tôi thấy các anh làm quá sai. Tại sao lại ngang nhiên đánh người giữa công chúng, gây mất an ninh trật tự”. Chiều tối ngày 21.4, tại nhà anh Vương, tôi đến gặp các anh trong tổ công tác bày tỏ quan điểm là tôi không hài lòng với cách làm việc của các anh, người dân cũng phản ứng là không tốt, mất niềm tin. Nghe tôi góp ý các anh đã nhận sai”.
Ông Trần Viết Hùng - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Tú Mỹ cho biết, tại các cuộc họp dân trước đó, cũng như cuộc họp HĐND xã vào ngày 10.8, đông đảo cử tri thôn bày tỏ bức xúc, không đồng tình với thái độ “thực thi công vụ” của các anh Trí, Tùng. Cử tri chất vấn luật nào cho phép công an đánh người? Đồng thời cho rằng, chính hành vi đánh người của các anh Trí, Tùng khiến cho một vụ việc mâu thuẫn nhỏ trở thành nghiêm trọng. Được biết, biên bản cuộc họp này ghi nhận: Đa số ý kiến nhân dân đề nghị làm sáng tỏ vụ việc anh Trí và anh Tùng đánh anh Nhật từ 2h - 5h chiều nhưng tại sao anh Vương bị truy tố, còn các anh Trí, Tùng thì không? Bởi, dư luận địa phương không đồng tình khi cơ quan chức năng cho rằng các anh Trí, Tùng đánh người trong quá trình thực thi công vụ.
HÀN GIANG