Ngang nhiên "cấm vận"?

HÀN GIANG 09/01/2015 09:20

Rừng keo đã đến tuổi khai thác nhưng vì chủ rừng bên cạnh cản đường, không cho xe tải vào vận chuyển gỗ keo khiến gia đình bà Trần Thị Thành bức xúc, gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp, giải quyết.

BÀ Trần Thị Thành ở thôn Phú Thạnh, xã Tam Thạnh (Núi Thành) phản ảnh: 10 năm trước, gia đình bà hiến đất, góp công cùng người dân trong xóm mở tuyến đường từ nhà bà đến khu vực rẫy Tranh để thuận tiện cho việc vận chuyển nông sản từ rẫy về nhà. Sau đó, gia đình ông Ngô Quang Đinh mở rộng thêm con đường dân sinh đoạn từ rẫy Tranh đến rẫy của ông thuộc khu vực đồi ông Do. Gia đình bà Thành cùng nhiều hộ dân có đất trong khu vực xin tham gia mở đường nhưng ông Đinh không đồng ý. Từ khi mở đường, ông Đinh ngăn cấm mọi người qua lại, gây khó khăn cho việc vận chuyển sản phẩm nông lâm nghiệp. Hiện nay, rừng keo của gia đình bà Thành đã đến tuổi thu hoạch nhưng vì sự ngăn cản của ông Đinh nên chưa khai thác được. Bà Thành bức xúc: “Cuối năm 2014, gia đình tôi khai thác tận thu số keo ngã đổ do bão các năm trước gây ra, vì bị ông Đinh cấm đường nên buộc phải vác gỗ đi xa gần 1km đường đèo dốc cho xe vận chuyển. Vất vả như vậy nên chúng tôi đã nhiều lần chủ động thương lượng là sẽ đóng thuế đường cho ông Đinh để được đưa xe vào chở gỗ nhưng ông nhất quyết không đồng ý”.

Rừng keo của gia đình bà Thành chưa thể khai thác vì bị ông Ngô Quang Đinh cấm đường. Ảnh: H.G
Rừng keo của gia đình bà Thành chưa thể khai thác vì bị ông Ngô Quang Đinh cấm đường. Ảnh: H.G

Được biết, diện tích đất rừng sản xuất của gia đình bà Trần Thị Thành được cấp bìa đỏ năm 2010 tại các thửa số 911 và 872, thuộc tờ bản đồ số 2 với tổng diện tích là 13.131m2. Ngăn cản gia đình bà Thành đi lại nhưng nhiều hộ có rừng khác vẫn được ông Đinh cho xe vào tận nơi để chở gỗ keo. Nhiều người dân địa phương còn khẳng định, con đường đang xảy ra tranh chấp quyền sử dụng có nguồn gốc là con đường dân sinh phục vụ người dân đi lại làm rẫy. Ngày 19.12.2014, Ban nhân dân thôn Phú Thạnh đưa vụ việc ra hòa giải nhưng không thành. Trong biên bản hòa giải, ông Ngô Quang Phát (con trai ông Đinh - PV) lập luận rằng, đường do chủ rừng tự mở nên có quyền cho đi hay không cho đi đối với bất kỳ người nào là quyền của người có đất (!?). Tuy nhiên, theo cán bộ địa chính xã Tam Thạnh, vào các năm 2007 - 2008, trong quá trình thực hiện đo đạc xác định hiện trạng đất trên địa bàn xã để cấp bìa đỏ cho người dân, đơn vị đo đạc chừa các tuyến đường dân sinh ra. Theo đó, không ghi diện tích đất đường dân sinh vào bìa đỏ của người dân. Ông Trần Tin - Phó ban Nông nghiệp xã Tam Thạnh khẳng định: “Tuyến đường trên có nguồn gốc là con đường dân sinh phục vụ người dân đi lại làm rẫy. Người ta chở cả ngàn tấn keo qua tuyến đường này không sao, riêng bà Thành lại bị ngăn cản. Ngoài quan hệ láng giềng, giữa họ còn là bà con họ hàng với nhau”.

Phải chăng, theo lời bà Trần Thị Thành, ông Ngô Quang Đinh cố tình làm như vậy để buộc Thành phải bán lại đất rừng sản xuất cho ông? Thiết nghĩ, đây là vụ việc không lớn, vì vậy UBND xã Tam Thạnh cần sớm giải quyết, yêu cầu ông Ngô Quang Đinh không được cản trở bà Thành vận chuyển gỗ keo đi lại trên đường dân sinh, vì con đường này theo hồ sơ địa chính không cấp cho cá nhân nào cả. Ông Đinh không có quyền ngang nhiên “cấm vận” gia đình bà Thành như thế được.

HÀN GIANG

HÀN GIANG