Đòi quyền làm con

DIỄM LỆ 27/06/2014 10:25

Bà Đoàn Thị Đài khiếu nại về quyền làm con của mình và những quyền lợi liên quan trong giải quyết chế độ dành cho thân nhân chủ yếu của liệt sĩ. Hơn 4 năm nay, bà Đài mỏi mòn đợi chờ câu trả lời từ cơ quan chức năng.
Rắc rối từ tên gọi

Bà Đoàn Thị Đài (SN 1935) thôn Bà Rén, xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn) hiện trú tại TP.Đà Nẵng, trình bày: Bà là con gái của bà Lưu Thị Chão, nhưng không rõ cha. Khi bà được 5 tuổi, mẹ bà tái giá với ông Đoàn Tiền, nên bà được ông Đoàn Tiền nuôi dưỡng, đặt tên là Đoàn Thị Đài và ông xem như con ruột. Sau này, bà Chão sinh ra thêm 3 người con trai là Đoàn Thanh, Đoàn Mau và Đoàn Đình. Bà Đài cùng với mẹ mình nuôi dưỡng các em khi ông Đoàn Tiền đi hoạt động cách mạng. Sau này, các em bà cũng đi hoạt động cách mạng như cha và cả 4 cha con đều hy sinh. Trước khi có chồng và theo chồng về sống ở Đà Nẵng, bà Đài thờ cúng cả cha mẹ và các em. “Năm 1976, Nhà nước kêu gọi kê khai liệt sĩ, cha con chú tôi là ông Đoàn Mãi và ông Đoàn Công Tiến tự kê khai. Tôi hỏi, chú bảo con gái có chồng theo chồng thì không có chế độ đó. Do không biết chữ, không rành pháp luật nên tôi để cho chú Mãi kê khai, nhưng sau này mấy bác hưu trí, lão thành bảo tôi mới là thân nhân chủ yếu. Khi mẹ tôi được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ông Tiến đi nhận chế độ, mà tôi không hề được nhắc đến dù tôi là con ruột. Về thăm mồ mả cha mẹ, tôi thấy tên mình ở trên bia mộ cũng bị đục xóa, nghĩa là cha con chú Mãi đã gạt tôi ra khỏi gia đình, không công nhận tôi là con gái” - bà Đài bức xúc nói.

Bà Đoàn Thị Đài với xấp đơn kiện đòi quyền làm con. Ảnh: D.L
Bà Đoàn Thị Đài với xấp đơn kiện đòi quyền làm con. Ảnh: D.L

Bà Đài làm đơn gửi lên UBND xã Quế Xuân 1 đề nghị xem xét và giải quyết chế độ nhưng bà Đài không được giải quyết vì tên cha mẹ bà khai trong hộ khẩu khác với tên liệt sĩ, hơn nữa hồ sơ kê khai liệt sĩ do ông Đoàn Mãi khai không thấy nêu tên bà Đài là con. Trong thẻ căn cước do chính quyền cũ cấp trước năm 1975, bà Đài có cha mẹ là ông Đoàn Tiền và bà Lưu Thị Chão. Nhưng trong hộ khẩu được lưu tại tàng thư Công an huyện Quế Sơn, bà Đài khai cha là Đoàn Lời, mẹ là Lưu Thị Đài (cách gọi theo tên con đầu ngày xưa, ông Đoàn Lời chính là Đoàn Tiền, bà Lưu Thị Đài chính là Lưu Thị Chão). Bà Đài nói: “Tôi sống cũng không được bao nhiêu năm nữa, tôi chỉ mong được chính quyền, gia tộc công nhận tôi là con của cha mẹ tôi, là người thừa kế chủ yếu của cha mẹ. Tôi không là con ruột của cha tôi nhưng cũng như con ruột, vì tôi được ông  Đoàn Tiền nuôi khôn lớn, gả chồng, và tôi mang họ Đoàn của ông”.

Chứng cứ rõ ràng

Những vị lão thành cách mạng cùng tham gia hoạt động với ông Đoàn Tiền đều biết rõ về gia cảnh, lý lịch của gia đình liệt sĩ Đoàn Lời. Ông Nguyễn Thanh Tân (nguyên Bí thư Chi bộ xã Phú Thạnh, nay là xã Quế Xuân 1), ông Nguyễn Công Chức (nguyên Chính trị viên, Xã đội phó xã Phú Thạnh), ông Nguyễn Thanh Biên (nguyên Bí thư xã Phú Thạnh, Phó Trưởng Công an huyện Duy Xuyên), bà Đoàn Thị Tề (em ruột ông Đoàn Lời) đều xác nhận ông Đoàn Tiền và Đoàn Lời chỉ là một, bà Lưu Thị Chão và Lưu Thị Đài cũng là một. Và bà Đoàn Thị Đài là con đời trước của bà Chão, được ông Lời nuôi dưỡng như con ruột. Theo như xác nhận của những nhân chứng trên, bà Đoàn Thị Đài là con nuôi của liệt sĩ Đoàn Lời, là chị ruột của các liệt sĩ Đoàn Thanh, Đoàn Mau và Đoàn Đình, là con ruột của Mẹ Việt Nam anh hùng Lưu Thị Chão. Vì vậy, bà Đài là hàng thừa kế thứ nhất, thân nhân chủ yếu của các liệt sĩ trên.

Ngày 24.6.2014, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã có buổi họp với tất cả những người có liên quan trong vụ việc của bà Đài. Tất cả nhân chứng đều xác nhận như đã nêu trên. Ông Nguyễn Thành Khả - Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Sau cuộc họp ngày 24.6, Sở LĐ-TB&XH sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể cho bà Đài làm các thủ tục để được cấp lại giấy khai sinh, cũng như thủ tục để được công nhận bổ sung là thân nhân liệt sĩ. Đối với UBND xã Quế Xuân 1, xã cũng đã hứa là sau khi có văn bản hướng dẫn của sở, chính quyền địa phương sẽ làm theo đúng hướng dẫn để bà Đài được công nhận là con gái của liệt sĩ Đoàn Lời và bà Lưu Thị Chão. Nếu được công nhận, bà Đài phải có trách nhiệm chăm lo hương khói mồ mả cho liệt sĩ cũng như nhà thờ gia đình liệt sĩ Đoàn Lời đã được UBND xã Quế Xuân 1 vận động xây dựng”. Hy vọng mọi chuyện được giải quyết trong thời gian sớm nhất, bởi bà Đài đã già yếu, “sống cũng không được bao nhiêu năm nữa”.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ