Sai sót vì thiếu minh bạch

DIỄM LỆ 30/05/2014 09:25

Theo nhiều nhân chứng, bà Huỳnh Thị Hường ở thôn Tây Sơn Tây, xã Duy Hải (Duy Xuyên) không tham gia thanh niên xung phong, không bị địch bắt tù đày. Thế nhưng, trường hợp này lại được hưởng chế độ đãi ngộ dành cho người có công khiến người dân ở địa phương bức xúc, làm đơn tố cáo.

Xét duyệt không minh bạch

Theo đơn thư tố cáo, bà Huỳnh Thị Hường  không tham gia kháng chiến nhưng lại được hưởng chế độ đãi ngộ dành cho tù yêu nước và thanh niên xung phong. Chúng tôi tìm về vùng quê này, gặp những con người đã từng sống, chiến đấu tại đây từ trước giải phóng đến nay để tìm hiểu vụ việc. Bà Trần Thị Thái - người tham gia cách mạng tại xã Duy Hải, 14 tuổi đã làm giao liên xã, sau đó lần lượt làm Trung đội trưởng Trung đội du kích xã Duy Hải, Xã đội phó kiêm y tá tác chiến. Bà bị địch bắt tù đày, sau giải phóng tham gia công tác chính quyền, đoàn thể tại địa phương. Bà Thái khẳng định: “Bản thân bà Hường từ năm 1964 - 1970 không tham gia cách mạng, vì thời gian đó tôi đi du kích, nắm rất rõ mạng lưới cơ sở cách mạng ở xã. Sau giải phóng, tôi làm công an viên thôn Tây Sơn Tây, trực tiếp đưa giấy triệu tập bà Hường đi học tập cải tạo tại địa phương. Khi nghe thông tin bà Hường được hưởng chế độ tù yêu nước và thanh niên xung phong, tôi rất bất ngờ, không rõ ai xác nhận cho bà Hường để bà được hưởng các chế độ đãi ngộ !?”.

Nhiều người từng tham gia cách mạng tại xã Duy Hải khẳng định bà Huỳnh Thị Hường không phải là tù yêu nước và thanh niên xung phong. Ảnh: D.L
Nhiều người từng tham gia cách mạng tại xã Duy Hải khẳng định bà Huỳnh Thị Hường không phải là tù yêu nước và thanh niên xung phong. Ảnh: D.L

Với giọng bức xúc, bà Trần Thị Tám - nguyên trưởng nhóm cơ sở cách mạng ở khu dồn Xuyên Phước (nay là xã Duy Hải), nói: “Bao nhiêu người tham gia cách mạng, hy sinh nhiều nhưng họ chưa được hưởng chế độ. Còn bà Hường không có lấy một ngày tham gia cách mạng lại được hưởng chế độ thì quá bất công. Năm 1972, tôi bị bắt về khu dồn Xuyên Phước, làm cơ sở ở khu dồn nên tôi biết bà Hường biết anh em ta hoạt động ở đâu là bà bí mật rình báo cho ông Kiều Hề - Cảnh sát trưởng khu dồn Xuyên Phước. Khi bà Hường làm hồ sơ để được hưởng chế độ đãi ngộ, bà đã 2 lần năn nỉ tôi ký giấy xác nhận nhưng tôi từ chối vì sự thật không đúng như thế. Việc bà được hưởng chế độ khiến mọi người chưng hửng”. Cả bà Thái và bà Tám là thành phần của Ban xét duyệt chế độ người có công cấp xã, nhưng khi xét duyệt trường hợp của bà Hường vào năm 2004, cả hai đều không được mời họp. Vì sao chính quyền địa phương lại cố tình “quên” hai thành viên trong Ban xét duyệt chế độ người có công cấp xã?

Sẽ điều tra làm rõ

Trả lời chúng tôi về trường hợp của bà Huỳnh Thị Hường, ông Võ Văn Toan - Chủ tịch UBND xã Duy Hải, nói: “Lúc xét duyệt chế độ cho bà Hường, tôi làm Phó Chủ tịch UBND xã nhưng không phải là Chủ tịch Hội đồng xét duyệt. Nói như thế, không phải là đổ lỗi cho người khác! Nếu có công cách mạng thì một ngày cũng là có công, xứng đáng được hưởng chế độ đãi ngộ, còn làm sai thì nhất định phải xem xét lại, xử lý theo quy định của pháp luật”. Ông Toan cho biết thêm, lúc xét duyệt trường hợp của bà Hường, trong biên bản cuộc họp có ghi “giao cho ngành chuyên môn kiểm tra xác minh lại”, nhưng sau đó ngành chuyên môn có đi xác minh hay không thì không ai biết, vì không thấy có văn bản xác minh hay báo cáo trong các cuộc họp sau này. Đến bây giờ xuất hiện khiếu nại, tố cáo thì UBND xã Duy Hải xem xét lại hồ sơ mới thấy thời gian ở tù của bà Hường được xác nhận không rõ ràng.

Ngày 15.5.2014, UBND xã Duy Hải đã có buổi làm việc với đoàn thanh tra của huyện Duy Xuyên về chế độ của bà Hường. Tại buổi làm việc, có một nhân chứng đã xin rút lại bản khai làm chứng trong hồ sơ của bà Hường; một số đối tượng bị địch bắt tù đày tại địa phương khẳng định với đoàn thanh tra trong khi họ bị địch thẩm vấn thì có mặt bà Hường, nhưng trong thời gian ở tù thì không có mặt bà Hường. Đối với chế độ thanh niên xung phong, những người từng tham gia thanh niên xung phong tại xã Duy Hải khẳng định bà Hường không thuộc đơn vị thanh niên xung phong như hồ sơ bà Hường tự khai. Trước sự việc này, UBND xã Duy Hải đã cho rằng lời khai của bà Hường và các nhân chứng không trùng khớp, khẳng định chưa đủ điều kiện để giải quyết các chế độ chính sách cho bà Hường. Đồng thời UBND xã Duy Hải đã đề nghị các cấp có thẩm quyền điều tra xem xét, và giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại tố cáo về việc bà Hường được hưởng chế độ đãi ngộ dành cho tù yêu nước và thanh niên xung phong.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ