Khiếu nại cấp đất lâm nghiệp ở núi Gai: Bất minh trong cấp bìa đỏ?
Một số người dân thôn Nhứt Đông (xã Bình Lâm, Hiệp Đức) khiếu nại đến các cơ quan chức năng về việc chính quyền sở tại “lén lút” cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt bìa đỏ) với diện tích hàng chục héc ta cho người thân của nguyên cán bộ xã...
Ông Nguyễn Tấn Phát chỉ nhiều cây sao đen do mình trồng trước đây tại núi Gai, bây giờ đất đã cấp bìa đỏ cho người khác sử dụng. Ảnh: T.NGUYỄN |
Đòi trả lại đất
Trong đơn gửi Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Tấn Phát (thôn Nhứt Đông, xã Bình Lâm) trình bày có nội dung: năm 1978, gia đình ông cùng một số hộ dân thôn Nhứt Đông khai hoang vỡ hóa trồng lúa rẫy, hoa màu trên núi Gai. Riêng gia đình ông thâm canh liên tục sau hơn 15 năm là 2ha. Năm 2003, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lâm – ông Đoàn Văn Lắm thu hồi đất của ông và một số hộ dân khác tại núi Gai với diện tích ước khoảng 25ha để trồng rừng phòng hộ theo dự án 661 nhưng không có quyết định, văn bản nào gửi xuống thôn và các hộ. Thời điểm đó, người dân cũng chẳng được hỗ trợ kinh phí khai hoang nào. Ông Phát cho biết: “Vì chấp hành theo chủ trương của Nhà nước, tôi và các hộ thôn Nhứt Đông đồng ý, không đòi hỏi quyền lợi. Thế nhưng, khi nghe dự án 661 giải thể, các hộ dân trước đây có đất trồng cây ở núi Gai kéo lên làm lại thì bị cản trở, nói là đất đã có chủ. Chúng tôi còn bất ngờ phát hiện diện tích đất ở đây đã được cấp bìa đỏ cho bà Nguyễn Thị Đông (vợ ông Đoàn Văn Lắm – nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lâm) và bà Nguyễn Thị Nông”. Theo ông Phát, bà Nông trước đây là thủ kho lương thực huyện Thăng Bình và bà Đông là người gốc Tiên Phước chưa từng lên đất núi Gai trồng cây mà vẫn sở hữu quyền sử dụng đất lên đến cả chục héc ta. “Diện tích đất núi Gai do công sức của nhiều hộ dân ở thôn Nhứt Đông khai hoang hàng chục năm trời. Khi dự án 661 giải thể, tại sao không trả lại cho dân mà tùy tiện cấp cho hai hộ khác?” – ông Phát thắc mắc.
Theo Nguyễn Tấn Phát, dự án 661 hoạt động không hiệu quả, UBND huyện Hiệp Đức thu hồi và giao đất lâm nghiệp cho người dân, nhưng chính quyền thôn không hề biết để hướng dẫn người dân đăng ký. Người dân đề nghị cơ quan chức năng của huyện Hiệp Đức làm rõ, vì sao chính quyền xã lén lút giao đất cho hộ khác trên diện tích đất trước đây họ từng canh tác liên tục. |
Dẫn tôi lên hiện trường núi Gai, ông Phát đếm từng cây sao đen phòng hộ do mình trồng giờ cao to nhưng đã nằm trên giấy tờ sử dụng của người khác. Điều làm cho ông Phát và các hộ dân thôn Nhứt Đông bức xúc là khi thanh lý dự án 661, chính quyền địa phương không hề thông báo cho người dân biết để làm đơn xin giao nhận đất lâm nghiệp. Ông Dương Tấn Cư, một người dân thôn Nhứt Đông nói: “Đất gia đình tôi vỡ hoang năm 2006 khoảng 1ha, khi Nhà nước thu hồi để trồng rừng 661 gia đình tôi chấp hành, nhưng nay dự án không còn hoạt động nữa phải trả lại cho tôi. Trong khi người dân không được thông báo rộng rãi về giao đất lâm nghiệp, đến khi thắc mắc hỏi thì được chính quyền giải thích thiếu trách nhiệm, rằng lỗi do chúng tôi không… xin”.
Lỗi do không đăng ký?
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Tấn Quán – Chủ tịch UBND xã Bình Lâm cho biết, thực tế ông Phát có phát, trồng cây trên núi Gai, nhưng diện tích rất ít. Năm 2001, xã phát động kêu gọi nhân dân trồng cây, nhưng ít ai hưởng ứng. Trong khi đó, năm 2003, chính quyền xã thông báo về việc đăng ký nhu cầu quyền sử dụng dụng đất theo NĐ163/CP về đất lâm nghiệp để trồng rừng, nhưng hộ ông Phát và hộ ông Cư không đăng ký. “Vì sao trước đây thấy người ta phát đất trồng cây trên diện tích của mình, ông Phát không phản đối, đến khi cấp bìa đỏ rồi thì lại ý kiến. Nếu không đồng tình, ông Phát có quyền kiện ra tòa hoặc trực tiếp đề nghị Chủ tịch UBND huyện giải quyết vì đã ra quyết định cấp bìa đỏ cho bà Đông và bà Nông trên núi Gai” – ông Quán nói. Còn Trưởng phòng Tài nguyên – môi trường huyện Hiệp Đức – ông Phan Văn Anh Tuấn cho rằng, năm 2004, dự án 661 hoạt động không hiệu quả nên UBND huyện đã thu hồi và cấp bìa đỏ cho ông Dương Quang Hương (chồng bà Nguyễn Thị Nông) trồng cây lâm nghiệp là theo đề nghị của UBND xã, thủ tục giao đất đúng trình tự, quy định của pháp luật. Nội dung đơn của ông Phát là khiếu nại quyết định hành chính của Nhà nước, nên ông có quyền làm đơn khởi kiện ra tòa.
Lý lẽ của chính quyền xã Bình Lâm là do ông Phát và một số hộ dân không đi họp, nghe địa phương phổ biến chủ trương chung, không chịu đăng ký quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, các hộ dân và đại diện chính quyền thôn đều khẳng định, các văn bản có liên quan đến việc thu hồi đất ở núi Gai, giải thể chương trình trồng rừng 661… đều chưa phổ biến xuống cơ sở.
TRẦN NGUYỄN