Xã Trà Kót đã sửa sai

TRẦN HỮU 29/11/2013 09:07

Sau khi có ý kiến của người dân về việc làm khuất tất của một cán bộ xã, UBND xã Trà Kót (Bắc Trà My) đã nhanh chóng sửa sai.

Bà Trần Thị Như Trúc (người đầu tiên bên phải) và một số người dân thôn 3 – xã Trà Kót trình bày về việc hỗ trợ tiền chính sách cho xã. Ảnh: T.H
Bà Trần Thị Như Trúc (người đầu tiên bên phải) và một số người dân thôn 3 – xã Trà Kót trình bày về việc hỗ trợ tiền chính sách cho xã. Ảnh: T.H

“Gợi ý” trích lại tiền chế độ?

Trong đơn gửi Báo Quảng Nam, bà Trần Thị Như Trúc (SN 1954) trú tại xã Trà Kót trình bày: Ông Trần Văn Dưng - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Kót giải quyết chế độ cho người có công chưa công bằng, thiếu khách quan. Trong danh sách 18 người đi giám định sức khỏe tỷ lệ thương tật bệnh binh, có 3 người thân của ông (gồm mẹ ruột, mẹ vợ và chú ruột). Đặc biệt, ông Hiến - chú vợ ông Dưng, đã khai man năm sinh và ông cũng không có công với cách mạng. Trong khi đó, chồng bà Trúc là ông Nguyễn Ngọc Vinh, người dân tộc thiểu số, không được xã đưa vào danh sách giám định thương tật và giải thích rằng, ông Vinh đã giám định rồi nhưng không đảm bảo theo các điều kiện. Bà Trúc còn nói rằng, chính quyền đã “ép” người dân nhận tiền truy lĩnh phải trích lại cho huyện 2 triệu đồng, xã 2 triệu đồng. Kèm theo đơn của bà Trúc có chữ viết của bà Nguyễn Thị Lệ (thôn 3) xác nhận có đưa 4 triệu đồng cho bà Lan (cán bộ Ban LĐ-TB&XH xã Trà Kót) để trích cho xã và huyện. Một trường hợp khác, ông Phạm Văn Sáu (thôn 3) nói, khi nhận tiền truy lĩnh thay cho mẹ - bà Nguyễn Thị Phương, ông đã đem đến nộp 2 triệu đồng cho cán bộ xã trực tiếp thu.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, nhiều đối tượng chính sách thôn 3 cho biết, trước khi nhận tiền chế độ, họ đã được UBND xã Trà Kót mời lên thông báo và có nghe gợi ý trích lại tiền làm quỹ cho địa phương. Vì nghĩ rằng, đây là quy định bắt buộc, vả lại, đang có số tiền truy lĩnh trong tay khá lớn (mỗi trường hợp được nhận 28 triệu đồng) nên đồng bào chấp hành ngay mà không hề phản đối. Nhiều người dân địa phương thông tin thêm, nếu xã không đưa ra mức giá hỗ trợ chung thì làm sao có hơn 60 trường hợp, ai cũng trích lại 2 triệu đồng như nhau.

Chính quyền xã sửa sai

Ông Trần Văn Dưng - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Kót giải thích rằng, chính quyền địa phương không hề có chủ trương thu tiền của dân, mà xuất phát từ sự tự nguyện của họ. Khi đi làm hồ sơ giải quyết chế độ, thấy cán bộ đi về vất vả nên bà con bồi dưỡng lại cho xã. Tuy nhiên, vì nhiều người có ý kiến này nọ, đoàn kiểm tra về làm việc, nên chính quyền địa phương đã hoàn trả lại toàn bộ số tiền cho người dân. Còn đề cập trường hợp ông Nguyễn Ngọc Vinh (chồng bà Trúc) tại sao không được hưởng chế độ của  người có công trong kháng chiến chống Mỹ, ông Dưng trả lời là “chưa được” chứ không phải “không được”, có thể sẽ xem xét, giải quyết trong các đợt sau... Một lý do khác khiến ông Vinh không được hưởng chế độ bệnh binh trong đợt xét duyệt vừa qua là giám định sức khỏe chưa đến 61% tỷ lệ thương tật theo quy định.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Dương Lai - Chủ tịch UBND xã Trà Kót cho biết: “Sau khi đi công tác dài ngày, trở về tôi đã nghe “đồn” dân đóng lại tiền chính sách cho địa phương. Do vậy, tôi đã yêu cầu một Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách lĩnh vực này (Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Dưng - PV) viết báo cáo giải trình, nhưng đồng chí này không chấp hành nên tôi đã báo cáo để huyện về kiểm tra. Theo bà Nguyễn Thị Nam Ngân - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Bắc Trà My, khi nghe thông tin từ cơ sở có tình trạng nêu trên, đơn vị đã cử cán bộ đến kiểm tra, tham mưu UBND huyện chỉ đạo chính quyền xã Trà Kót hoàn trả lại toàn bộ số tiền mà người dân đã “tự nguyện” đóng góp. Rõ ràng, chuyện xã tổ chức thu tiền của đối tượng chính sách là người đồng bào dân tộc thiểu số dưới bất kỳ hình thức nào cũng là điều không thể chấp nhận được. Âu đây cũng là một bài học mà địa phương cần rút kinh nghiệm.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU