Đừng để sót người có công

PHAN QUANG MƯỜI 18/11/2013 13:02

Bà Võ Thị Phận (SN 1936), quê quán thôn 8, xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành), sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng của khu Tứ Mỹ Kỳ Sanh anh hùng trong kháng chiến. Gia đình bà gồm cha, mẹ và 3 chị gái đều có công trong chống Mỹ và đã được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến. Bản thân bà Phận cũng tham gia phong trào cách mạng ở xã Kỳ Sanh trong giai đoạn 1960 - 1975. Tuy nhiên, bà Phận chưa được khen thưởng tổng kết thành tích chống Mỹ, do Hội đồng xét duyệt xã Tam Mỹ Tây cho rằng bà “bắt cá hai tay” làm phương hại đến cách mạng. Vấn đề này nếu không được giải quyết sẽ gây ra hệ lụy về chính trị cho bản thân bà Phận cũng như con cháu bà.

Tác giả gặp gỡ ông Lê Tư Đặng (phải), nhân chứng hoạt động cách mạng cùng thời với bà Võ Thị Phận.
Tác giả gặp gỡ ông Lê Tư Đặng (phải), nhân chứng hoạt động cách mạng cùng thời với bà Võ Thị Phận.

Qua hồ sơ khen thưởng tự kê khai, trong chống Mỹ bà Phận là cán bộ phụ nữ, đấu tranh chính trị, cán bộ hợp pháp của Ban Binh vận Quảng Nam. Trong thời gian hoạt động cách mạng bà bị địch bắt, tù đày tại nhà lao Quảng Tín từ tháng 5.1968 đến tháng 2.1971. Trong thời gian ở tù, mặc dù địch tra tấn rất dã man, bà vẫn trung kiên một lòng, không hề khai báo điều gì có hại cho cách mạng. Hồ sơ lưu trữ của Công an tỉnh Quảng Nam cho thấy, bà Phận là thành phần “ngoan cố” theo kết luận của địch và chưa có cơ sở gì chứng minh bà đã nhận việc cho địch.

Hồ sơ khen thưởng của bà Phận được các ông Đỗ Viết Can (Đỗ Thế Vĩnh) - nguyên Phó ban Binh vận tỉnh Quảng Nam, Phó ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam xác nhận là cán bộ hợp pháp, làm nhiệm vụ mật giao, đơn tuyến của Ban Binh vận tỉnh, đã có những đóng góp tích cực là vận động được 2 binh sĩ về với cách mạng, cung cấp vũ khí và những thông tin quan trọng để cho ta bàn kế hoạch đánh địch... Theo ông Can, bà Phận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “mật giao” và có hưởng mật phí của Ban Binh vận tỉnh. Còn ông Lê Tư Đặng - nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời Cộng  hòa miền Nam Việt Nam kiêm Trưởng An ninh huyện Nam Tam Kỳ cũ (nay là huyện Núi Thành) đã xác định minh oan cho bà Phận. Theo ông Đặng, từ cuối năm 1974 đội công tác xã Kỳ Sanh do ông Mai Văn Thạnh làm Đội trưởng báo về an ninh huyện là bà Phận làm gián điệp cho địch gây thiệt hại đến phong trào cách mạng tại địa phương. Tuy nhiên, khi đưa bà Phận về trại giam của An ninh huyện, ông không tìm thấy cơ sở, chứng cứ gì để kết tội bà. Để sửa sai việc này, ông đã chuyển bà sang công tác ở Ban lương thực đời sống của huyện và bà công tác ở đó cho đến ngày nghỉ hưởng chế độ mất sức (năm 1981). Ngoài ra, quá trình tham gia hoạt động cách mạng của bà Phận còn có giấy xác nhận của những cán bộ phụ nữ, cơ sở bị tù đày, người hoạt động cách mạng cùng thời với bà Phận, đang hưởng chế độ tại địa phương, như bà Võ Thị Phúc, Trà Thị Huyên, Nguyễn Thị Mãi, Nguyễn Thị Nữ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được ông Châu Ngọc Huệ - Bí thư Đảng ủy xã Tam Mỹ Đông và ông Lê Tấn An - Bí thư Đảng ủy xã Tam Mỹ Tây, là những thành phần trong cuộc họp xét duyệt trước đây đối với hồ sơ của bà Phận, cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần đưa trường hợp bà Phận ra xét duyệt để xem xét chế độ có công. Tuy nhiên, các thành viên dự họp đều cho rằng bà Phận vừa có công vừa có tội, có công trước, có tội sau cho nên không được xem xét”. Tuy nhiên, theo biên bản lưu lại tại xã Tam Mỹ Đông, chúng tôi thấy thành phần họp có những người tham gia cách mạng nhưng thời gian bà Phận bị bắt về trại giam An ninh huyện đã không có mặt tại địa phương, không biết rõ sự việc. Còn ông Lê Tấn Lâm - nguyên Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã Tam Mỹ (trước chia tách) cho rằng, những ý kiến ông phát biểu tại các cuộc họp xét duyệt trước đây là do nghi ngờ bà Phận hoạt động hợp pháp trong lòng địch có tiếp xúc nhiều với cảnh sát, ngụy quân, ngụy quyền chứ không có bằng chứng. Nay bà Phận có nhu cầu làm hồ sơ khen thưởng, ông sẵn sàng viết giấy xác  nhận...

Căn cứ những quy định của Đảng và Nhà nước ban hành trước đây về Điều lệ khen, tổng kết thành tích chống Mỹ, cứu nước; văn bản hướng dẫn tổng kết thành tích chống Mỹ... và tham khảo danh sách cán bộ công tác tại Ban Binh vận tỉnh Quảng Nam đang lưu giữ tại Ban Dân vận Tỉnh ủy, rõ ràng bà Phận đủ điều kiện về thành tích trong chống Mỹ, cứu nước, để khen thưởng. Hơn nữa, bà Phận đang hưởng chế độ mất sức 42% do Bảo hiểm xã hội Núi Thành chi trả trong đó có tính thời gian tham gia chống Mỹ của bà là 4 năm và 1 tháng (từ tháng 3.1971 đến tháng 4.1975). Ngoài ra, bà Phận đủ điều kiện được hưởng chế độ  ưu đãi hằng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày (theo Nghị định 31/2013/ NĐ-CP ngày 9.4.2013 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng của Chính phủ).

Chúng tôi mong Hội đồng xét duyệt thành tích kháng chiến của xã Tam Mỹ Tây cần công tâm, khách quan, công khai, minh bạch khi xét duyệt hồ sơ của bà Phận. Đồng thời căn cứ những hồ sơ pháp lý liên quan hiện có như hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ lưu trữ của công an, cũng như căn cứ giấy xác nhận của các đồng chí lãnh đạo biết rõ sự việc và giao nhiệm vụ cho bà Phận trong thời gian chống Mỹ... để xét duyệt hồ sơ của bà Phận, tránh xảy ra trường hợp bỏ sót khen thưởng đối với người có công cách mạng.

PHAN QUANG MƯỜI

PHAN QUANG MƯỜI