Vụ khiếu nại quyền khai thác rừng trồng ở Bình Minh (Thăng Bình): Ai là chủ nhân của rừng?
Vụ khiếu nại của một hộ dân đối với chính quyền xã Bình Minh (Thăng Bình) liên quan đến xác nhận cho phép được khai thác rừng trở nên “rối rắm” khi hộ này tiếp tục có đơn tố cáo cán bộ địa phương chặt phá cây, mạo danh công an hù dọa...
Ông Hoàng Ngọc Triển và diện tích rừng trồng không được xác nhận cho khai thác. Ảnh: H.G |
Trong đơn khiếu nại gửi đến Báo Quảng Nam, ông Hoàng Ngọc Triển trú tại thôn Hà Bình, xã Bình Minh, trình bày: Năm 1988, hộ ông khai hoang và quản lý, sử dụng hơn 0,3ha đất tại khu vực thôn Tân An (xã Bình Minh). Ông trồng cây dương liễu chắn cát và được UBND huyện Thăng Bình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng và đất rừng số 187/VNUB ngày 18.12.1988 (còn gọi là bìa trắng - PV). Sau đó, ông tiếp tục khai hoang, mở rộng diện tích khoảng 4ha. Năm 2002, ông lập đề án phát triển kinh tế vườn rừng, kinh tế trang trại trên diện tích đất này và được địa phương đồng ý, ủng hộ. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn nên đề án phát triển kinh tế của ông chưa thực hiện được.
Dẫu vậy, trên diện tích 4ha này, ông Triển đã trồng dương liễu, đào lộn hột và nhiều đợt keo nguyên liệu với số lượng hàng ngàn cây. Ngày 26.3.2013, ông Triển có đơn gửi UBND xã Bình Minh xin xác nhận sự việc như vừa nêu và cho phép hộ ông được khai thác đợt keo trồng vào năm 2003 để thu hồi vốn thì bị địa phương từ chối xác nhận. Bức xúc vì cho rằng chính quyền xã gây khó dễ, ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình nên hộ ông Triển gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp, giải quyết. “Phải trải qua bao nhiêu nhọc nhằn, vất vả chăm trồng gia đình tôi mới có được rừng keo như hiện nay. Cuối năm 2012, rừng keo bị kẻ gian đốn trộm phân nửa. Số keo còn lại gia đình tôi muốn được khai thác để thu hồi vốn và tiếp tục trồng mới nhưng UBND xã Bình Minh không chịu xác nhận nên thương lái không dám đến mua” - ông Triển bức xúc.
Giải thích nguyên nhân chính quyền địa phương không thực hiện xác nhận cho hộ ông Hoàng Ngọc Triển được khai thác keo, ông Trần Công Minh - Chủ tịch UBND xã Bình Minh nói: “Sau khi nhận được đơn xin xác nhận cho phép khai thác keo của hộ ông Triển, địa phương đã cử cán bộ xuống kiểm tra thực tế. Qua đối chứng với hiện trạng bản đồ, chúng tôi phát hiện vị trí rừng keo mà hộ ông Hoàng Ngọc Triển làm đơn xin khai thác thuộc địa phận quản lý của xã Bình Dương (Thăng Bình). Do đó, địa phương không thể xác nhận cho hộ ông và hướng dẫn ông gửi đơn đến UBND xã Bình Dương để xin xác nhận cho khai thác. Thêm nữa, vị trí rừng này cũng đang thuộc quyền quản lý, chăm sóc của hai hộ khác trên địa bàn, được UBND xã Bình Dương xác nhận giao đất (ký xác nhận vào ngày 24.8.2009); trong khi đó hộ ông Triển chưa đưa ra được cơ sở pháp lý nào chứng minh là rừng keo do hộ ông trồng nên địa phương không thể xác nhận”.
Ông Nguyễn Văn Hùng - cán bộ địa chính xã Bình Minh cho biết thêm: “Rừng keo này đã đến tuổi khai thác nên địa phương cũng mong muốn tạo điều kiện cho người trồng được khai thác. Nếu có đơn khiếu nại thì chúng tôi sẽ tổ chức đối thoại với các bên có liên quan để tìm tiếng nói chung nhằm có hướng giải quyết. Tuy nhiên, hai lần địa phương mời lên làm việc, ông Triển đều không có mặt nên chưa thể giải quyết được”. Chưa dừng lại ở đơn khiếu nại đối với sự việc trên, hộ ông Hoàng Ngọc Triển còn tiếp tục gửi đơn tố cáo hành vi chặt phá cây, mạo danh công an của cán bộ địa phương gây thiệt hại kinh tế cho gia đình ông. Liên quan đến các cáo buộc này của hộ ông Triển, ông Trần Công Minh cho rằng, cây ngoài rừng rất khó quản lý nên người dân thường xuyên chặt phá lấy củi. Còn việc ông Triển cáo buộc cán bộ địa phương mạo danh công an là hoàn toàn không có cơ sở.
Có thể nói, tính chất vụ việc không phức tạp, nhưng vì thiếu tinh thần cầu thị giữa các bên liên quan khiến vụ việc trở nên rối rắm, khiếu nại kéo dài, vượt cấp. Ai là chủ nhân thật sự của rừng keo lá tràm? Câu hỏi này cần sớm được cơ quan chức năng ở huyện Thăng Bình vào cuộc làm rõ.
HÀN GIANG