Nỗi bất an của một cụ bà

HỮU PHÚC 25/01/2013 09:09

Gia đình cách mạng, ở vào  tuổi “xưa nay hiếm” và sống đơn chiếc, cụ bà Lê Thị Trạch luôn sống trong nỗi bất an, sợ hãi…

Cụ Trạch sống một mình trong nhà lại luôn bị bà Bốn uy hiếp về tinh thần lẫn thể xác.   Ảnh: H.P
Cụ Trạch sống một mình trong nhà lại luôn bị bà Bốn uy hiếp về tinh thần lẫn thể xác. Ảnh: H.P

Bất an

Trong đơn gửi Báo Quảng Nam, cụ bà Lê Thị Trạch (SN 1922) trú tại thôn 4, xã Duy Hòa (Duy Xuyên) trình bày: Năm 1986, cụ làm nhà trên mảnh đất hoang có diện tích 5.285m2. Đến năm 2001, UBND huyện Duy Xuyên đã cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 959m2 cho cụ. Sau đó, xảy ra tranh chấp đất giữa cụ và mẹ con bà Huỳnh Thị Bảy - Ngô Thị Bốn. Ngày 23.3.2009, UBND huyện Duy Xuyên có Công văn số 84/UBND-TNMT công nhận diện tích trên của cụ Trạch. Thế nhưng, hai bên lại tiếp tục tranh chấp, căng thẳng đến mức phải đưa vụ việc ra tòa án giải quyết. Và TAND huyện Duy Xuyên quyết định giao gần 200m2 trong diện tích đất của cụ bà Trạch cho mẹ con bà Bốn quản lý, sử dụng.

Theo cụ Trạch, khi có phán quyết của tòa, bà đã nghiêm túc chấp hành. Ngược lại, mẹ con bà Bốn ngang nhiên phá hoại hoa màu, cây ăn quả và có những lời lẽ xúc phạm, đánh đập gây thương tích cho cụ bà. “Tôi tuổi già sức yếu, sống thui thủi một mình. Ngoài đồng lương chế độ chính sách là mẹ của liệt sĩ và con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tôi còn trồng chuối trong vườn để cải thiện đời sống. Vậy mà mẹ con bà Bốn cứ tìm cách phá hoại chặt chuối trong vườn của tôi. Quá bức xúc, tôi phản ứng thì bị họ chửi mắng và đe dọa. Tôi nhiều lần gửi đơn cầu cứu với chính quyền địa phương, nhưng không thấy giải quyết chi hết. Mỗi lần bị uy hiếp, tôi không dám ở trong nhà mình, phải tạm lánh ở nhà hàng xóm” - cụ Trạch kể lại trong nước mắt.

Ngày 21.12.2012, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên  - Nguyễn Công Dũng có công văn (số 856/UBND-TTr) yêu cầu giải quyết đơn của công dân. Văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND xã Duy Hòa cử cán bộ có trách nhiệm kiểm tra cụ thể nội dung đơn thư của bà Trạch để tổ chức hòa giải. Nếu đúng là tài sản của bà Trạch bị thiệt hại thì buộc bồi thường theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp một trong các bên không thống nhất thì hướng dẫn gửi đơn đến TAND huyện để giải quyết theo vụ án dân sự.

Khi chúng tôi có mặt tại nhà cụ Lê Thị Trạch, nhiều người dân kéo đến để góp thêm tiếng nói bảo vệ cho cụ bà. Ông Ngô Thanh Bình, người hàng xóm nói: “Tội nghiệp bà Trạch lắm, tuổi già đơn chiếc không người chăm sóc nhưng luôn sống trong nỗi sợ hãi, bất an. Mỗi lần bị bà Bốn “quậy”, bà Trạch thường bỏ nhà tạm lánh. Cả gia đình bà cống hiến cho cách mạng, đến cuối đời mà sống vẫn không được yên”.

Cần xử lý dứt điểm

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Dũng - Trưởng Công an xã Duy Hòa cho biết: “Vụ tranh chấp đất đai giữa bà Trạch với mẹ con bà Bốn kéo dài dai dẳng nhiều năm và đã được TAND huyện giải quyết. Tuy nhiên, bà Bốn lấn chiếm, gây gổ, chặt 86 cây chuối trong vườn bà Trạch. Bà Trạch thống kê thiệt hại khoảng 4,6 triệu đồng và đòi bồi thường, nhưng thực tế bà Bốn không đủ khả năng tài chính để bồi thường. Xã đã mời các bên lên làm việc, bà Bốn đã thừa nhận sai”. Cũng theo ông Dũng, cái khó cho chính quyền và công an xã khi giải quyết vụ việc là do bà Bốn bị bệnh tâm thần, có sổ nhận thuốc hằng tháng tại Trạm Y tế xã. Khi có chỉ đạo của UBND huyện, Công an xã đã chuyển toàn bộ hồ sơ lên cấp trên và Công an huyện đang thụ lý hồ sơ. “Chúng tôi từng khuyên bà Trạch làm đơn khởi kiện lên tòa án đòi bồi thường tài sản do bà Bốn phá hoại nhưng bà không chịu làm thủ tục mà cứ cứ kêu cứu địa phương” - ông Dũng cho hay.

Theo chúng tôi, giải thích của Trưởng Công an xã Duy Hòa chưa thấu tình đạt lý. Bởi lẽ, cụ bà Trạch đã hơn 90 tuổi, trí nhớ không còn minh mẫn, đi lại khó khăn, làm sao có thể đâm đơn kiện lên TAND huyện được? Cách giải quyết như vậy của địa phương là chưa thể hiện hết trách nhiệm với một gia đình chính sách, với một người cao tuổi là mẹ của liệt sĩ, là con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nếu bà Bốn bị mắc bệnh tâm thần thì địa phương cần phối hợp với các ban ngành chức năng của huyện làm thủ tục hồ sơ để đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị. Không thể vin vào lý do bà Bốn là đối tượng bị bệnh tâm thần mà địa phương “khó giải quyết”, khiến cụ bà Trạch luôn sống trong nỗi bất an lo sợ...

HỮU PHÚC

HỮU PHÚC