Nước mắt của một gia đình ngư dân
Trong ngôi nhà buồn tênh ở làng chài nghèo Bình Minh (Thăng Bình), có người phụ nữ nhìn những bất hạnh cuộc đời và chỉ biết ú ớ, có 3 người thanh niên nhưng cũng chỉ như những đứa trẻ cười nói ngô nghê và người đàn ông đã gần hết tuổi lao động vẫn đau đáu những trăn trở…
Vừa trở về từ chuyến đi biển không mấy dư dả, ông Phạm Phú Ba (tổ 4, thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình) lại nuốt ngược nỗi lo kinh tế để chăm sóc cho 3 trong số 6 người con bị tật nguyền. Lúc chúng tôi đến ông Phạm Phú Ba đang nấu ăn ở bếp, còn 3 người con trai bị tật bẩm sinh là Phạm Văn Tư (SN1988), Phạm Văn Thương (SN1992), Phạm Văn Triều (SN 1998) đang trong trạng thái vô thức, lăn lóc trên sàn nhà. Ông Ba kể, cả 3 anh em lúc mới sinh ra đều bình thường, đến khoảng 2 - 3 tháng sau bắt đầu có những dấu hiệu bất bình thường, mắt đảo liên tục, không cố định được tầm nhìn; chỉ nằm yên một chỗ, chân tay không thể cử động. Đưa đi khám, bác sĩ chẩn đoán bị dị tật bẩm sinh. Trong vòng 10 năm, ông Ba cùng vợ là bà Lê Thị Cúc chạy vạy ngược xuôi, nghe người ta chỉ ở đâu lại lân la đến đó chữa trị dài ngày mong có cơ hội “còn nước còn tát”. Tuy nhiên, bệnh tật của các con đều không hề tiến triển. Hiện nay, Tư, Thương và Triều chỉ ngồi một chỗ, sinh hoạt cá nhân đều dựa vào người thân. Mọi chi tiêu trong gia đình phụ thuộc vào số tiền ông Ba theo những chủ tàu Đà Nẵng đánh bắt xa bờ. Những ngày trời trở lạnh, cả 3 anh em lên cơn đau, sốt, ho cùng một lúc, một mình bà Cúc lo không xuể. Mặc dù ở cùng gia đình ông Ba còn có chị vợ là bà Lê Thị Tới (SN 1949) nhưng bà Tới vốn bị câm từ bé nên thỉnh thoảng phải nhờ hàng xóm đỡ đần. “Gia đình có sổ hộ nghèo, có thẻ bảo hiểm nên tiền thuốc cũng được nhờ, hàng tháng 3 con và chị vợ được nhận trợ cấp khuyết tật gần 500.000/người/tháng. Còn nợ nần thuốc thang cho mấy đứa nhỏ mình tôi đi bạn cũng không vơi được” - ông Ba nói.
Ông Ba chăm sóc cho 3 người con trai tật nguyền. Ảnh: TS |
Trở về từ chuyến đi biển lần này, ông Ba lo lắng: “Nếu mọi người cứ tẩy chay, sợ cá tôm nhiễm độc, chợ đầu mối Đà Nẵng mà không thu mua thì không biết lấy gì chi tiêu. Năm 1982, tôi nhập ngũ ở sân bay Đà Nẵng, nghĩ là thời gian đó bị nhiễm chất độc dioxin từ khu vực hồ nước ở sân bay nên bây giờ cũng đang cố gắng làm giấy tờ, chỉ mong có chút quyền lợi để sau này lỡ vợ chồng tôi có mất đi thì 3 đứa con còn có chỗ đỡ đần” - ông Ba nén lòng.
Nhằm giúp gia đình ông Ba vượt qua khốn khó, rất mong các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ theo địa chỉ: Ông Phạm Phú Ba, tổ 4, thôn Bình Tân, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Hoặc phòng Công tác xã hội Báo Quảng Nam, số 142 đường Phan Bội Châu, TP.Tam Kỳ. (Chủ tài khoản: Báo Quảng Nam; số tài khoản: 4200211000646 Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Quảng Nam. Nội dung ghi: Giúp gia đình ông Phạm Phú Ba). Từ sự phát tâm và ủng hộ của gia đình bà quả phụ Hồ Tấn Tư (ngụ tại 53 Tiểu La, TP.Tam Kỳ) cho các hoàn cảnh khó khăn được đăng trên mục Địa chỉ từ thiện của Báo Quảng Nam hàng tuần, Phòng Công tác xã hội Báo Quảng Nam sẽ trao tặng 300.000 đồng cho gia đình ông Phạm Phú Ba. |
THU SƯƠNG