Nghề hái lá thuốc nam

THÚY HIỀN 20/07/2023 10:32

(QNO) - Hằng ngày, từ sáng sớm, những cụ già từ 60 tuổi trở lên ở xã biển Tam Tiến (huyện Núi Thành) ra đổng cát tìm hái các cây thuốc, phơi phóng và bán cho các hiệu thuốc nam.

Bà Trần Thị Đào (92 tuổi) hái lá mùng Năm ở khu rừng cách nhà gần 2km. Ảnh: T.H
Bà Trần Thị Đào (92 tuổi) hái lá mùng Năm ở khu rừng cách nhà gần 2km. Ảnh: T.H

Sài hồ, từ bi, sâm đất, cỏ gạo hay các loại lá mùng năm... đó những cây thuốc nam được những cụ già tìm hái. Từ 4 giờ sáng, các cụ đã thức dậy đi hái thuốc đến lúc mặt trời lên cao (8 - 9 giờ sáng). Buổi chiều, các cụ lại tiếp tục công việc đến mãi chập choạng tối mới trở về nhà.

Bà Phan Thị Phương (73 tuổi) ra biển Tam Tiến hái hạt từ bi. Ảnh: T.H
Bà Phan Thị Phương (73 tuổi) ra biển Tam Tiến hái hạt từ bi. Ảnh: T.H

“Từ xa xưa rồi, cái nghề này theo bà con miền biển chúng tôi. Khi còn trẻ thì bươn chải, về già hết sức làm việc nặng nhọc thì về hái lá thuốc” - bà Nguyễn Thị Hòa (76 tuổi, thôn Lộc Ngọc, xã Tam Tiến) cho hay.

Bà Nguyễn Thị Hòa (76 tuổi) hái cây cỏ gạo gần nhà. Ảnh: T.H
Bà Nguyễn Thị Hòa (76 tuổi) hái cây cỏ gạo gần nhà. Ảnh: T.H

Dụng cụ hái thuốc đơn giản chỉ cần chiếc bao tải, từ nhà đến đổng cát có cây cỏ thuốc thường từ 1 - 3 cây số. Những cây thuốc này cũng không phải tập trung một chỗ mà rải rác khắp bãi cát, cánh rừng vùng biển thôn Long Thành, Long Thạnh, Lộc Ngọc… của xã Tam Tiến.

Cây sài hồ sau khi hái về được chặt nhỏ, phơi khô. Ảnh: T.H
Cây sài hồ sau khi hái về được chặt khúc, phơi khô. Ảnh: T.H

Lá thuốc các loại đều hái tươi rồi mang về chặt phơi khô. Sau đó các cụ bà sẽ đem đến điểm tập trung tại tổ 1, thôn Long Thành, chờ cuối tuần người mua đến lấy.

Hạt từ bi sau khi hái về sẽ được phơi khô. Ảnh: T.H
Hạt từ bi sau khi hái về sẽ được phơi khô. Ảnh: T.H

Cụ bà Phan Thị Phương năm nay đã 73 tuổi, con cháu đi làm xa, chỉ hai vợ chồng già ở nhà, ông bị tai biến ngồi một chỗ. Bà chia sẻ: “Bà mới từ bệnh viện về, già rồi cũng đi hái, xập xệ chân cao chân thấp nên nhức mỏi, đau chân. Nhưng vừa về bà lại ra đổng cát, ngày cũng kiếm được ít đồng đi chợ”.

Dù tuổi đã cao nhưng bà Đào vẫn hay ra đổng cát hái lá thuốc. Ảnh: T.H
Tuổi dù đã cao nhưng bà Đào vẫn hay ra đổng cát hái lá thuốc. Ảnh: T.H

Giá 1kg hạt từ bi khô khoảng 140 nghìn đồng, còn sài hồ khô là 60 nghìn đồng/kg, mà cả tuần mới hái được vài cân. Các loại sâm đất, cỏ gạo dễ kiếm hơn thì đồng giá cũng chỉ 15.000 đồng/kg khô. Mỗi ngày các cụ bà hái mỗi thứ một ít, gom lại để cuối tuần đem bán. Dù không được nhiều nhưng các cụ vẫn cố gắng đi hái vì ở độ tuổi này cũng không có công việc gì phù hợp.

Những cây thuốc nam sau khi được phơi khô sẽ tập trung một điểm để bán. Ảnh: TH
Những cây thuốc nam sau khi được phơi khô sẽ tập trung một điểm để bán. Ảnh: TH

Không chỉ có thêm nguồn thu nhập để thêm thắt vào bữa cơm hằng ngày, nghề hái lá thuốc nam cũng thành niềm vui mỗi ngày của các cụ già nơi đây. Với các cụ, khi con cháu đi xa, tìm lá thuốc là để khỏi rảnh rỗi chân tay, thêm ít đồng mua mắm, mua trầu là niềm vui của tuổi già.

THÚY HIỀN