Nghệ nhân trổ tài sáng tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ

QUỐC TUẤN 12/05/2023 19:03

(QNO) - Chiều 12/5, hàng chục nghệ nhân, thợ giỏi trên toàn tỉnh hội tụ tại Vườn tượng An Hội (TP.Hội An) để tranh tài tại Hội thi sáng tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ TP.Hội An năm 2023 với chủ đề "Quà tặng du lịch Hội An".

Võng
Cụ bà đan võng ngô đồng đến từ Cù Lao Chàm. Ảnh: Q.T

Hội thi thuộc khuôn khổ sự kiện trại sáng tác "Không gian sáng tạo Hội An", "Nét hoa nghề Hội An lần II" và "Phiên chợ khởi nghiệp - tiêu dùng xanh Hội An 2023". Hội thi với mục đích khuyến khích nghệ nhân, thợ giỏi sáng tạo các sản phẩm đặc sắc có thể tiếp cận thị trường quà tặng lưu niệm du lịch hiện có dư địa lớn.

Tham gia hội thi có đại diện hàng chục làng nghề, nghề truyền thống, đơn vị sản xuất trên địa bàn TP.Hội An và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh như Điện Bàn, Tiên Phước, Đông Giang...

Tỉ mẩn
Tỉ mẩn vẽ mặt nạ giấy. Ảnh: Q.T

Bên dòng sông Hoài thơ mộng, ngay sau khai hội, với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, các nghệ nhân, thợ giỏi đã sớm tạo hình nhiều sản phẩm độc đáo, bắt mắt. Có thể kể đến tượng kiến trúc sư Kazik (người Ba Lan) bằng tre, đèn bầu đục hình di sản, tượng cụ bà chuốt gốm... Tùy theo sản phẩm, các nghệ nhân có thể phải mất cả ngày thậm chí cả tuần để hoàn thiện.

Chăm
Chăm chút lại tượng kiến trúc sư Kazik bằng tre. Ảnh: Q.T

Ông Ngụy Trung - nghệ nhân làng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà, TP.Hội An) cho hay, tác phẩm tượng cụ bà chuốt gốm ông đang sáng tác mang hàm ý về tâm huyết gìn giữ làng nghề qua các thế hệ của làng.

"Tác phẩm nếu được ban tổ chức đánh giá cao về khả năng làm quà tặng du lịch thì chúng tôi có thể làm ở phiên bản nhỏ hơn, với thời gian hoàn thiện nhanh hơn để giá thành cũng phải chăng hơn phục vụ cho du khách" - ông Trung nói.

Làm
Nghệ nhân làng gốm Thanh Hà tạo hình sản phẩm bà cụ chuốt gốm. Ảnh: Q.T

Còn ông Lê Nguyễn Thanh Quan - nghệ nhân điêu khắc đến từ Điện Phương (Điện Bàn) cho biết, tham gia hội thi bản thân ông lựa chọn chất liệu (quả bầu tự nhiên) không phải là sở trường nhưng vẫn rất tâm huyết vì muốn tạo ra sản phẩm tuyệt đối thân thiện với môi trường, bền, đẹp, giá thành hợp lý và lột tả được vẻ đẹp của Hội An.

Nghệ nhân
Nghệ nhân đến từ Điện Bàn tạo hình di sản Hội An trên đèn bầu. Ảnh: Q.T

Theo ban tổ chức, sản phẩm tham gia hội thi cần có tiềm năng thị trường cao; có tiềm năng phát triển thành sản phẩm lưu niệm, quà tặng phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách; sản phẩm cần mang giá trị truyền thống, khuyến khích sáng tạo kết hợp truyền thống với hiện đại; thân thiện với môi trường; kích thước gọn nhẹ, dễ di chuyển...

Làm
Nguời thợ đến từ làng Bhờ Hôồng (Đông Giang) miệt mài đan khăn thổ cẩm. Ảnh: Q.T

Hội thi kéo dài từ ngày 12 - 13/5. Ban tổ chức sẽ chấm điểm vòng sơ khảo và chung khảo để chọn ra các tác phẩm xuất sắc nhất. Giải Nhất trị giá 10 triệu đồng, giải Nhì trị giá 5 triệu đồng, giải Ba trị giá 2 triệu đồng và giải Khuyến khích trị giá 1 triệu đồng.

Một
Những người thợ đến từ Tiên Phước cần mẫn sáng tạo sản phẩm. Ảnh: Q.T
Thợ
Thợ làm lồng đèn Hội An miệt mài chế tác tại hội thi. Ảnh: Q.T

QUỐC TUẤN