Ngày xuân xem rước cộ Bà Chợ Được

HỒ QUÂN 02/02/2023 10:09

(QNO) - Sau nhiều năm tạm ngưng do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, lễ hội rước cộ Bà Chợ Được (xã Bình Triều, Thăng Bình) được tổ chức trở lại dịp xuân Quý Mão với nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được là nét văn hóa truyền thống đặc trưng của thôn Phước Ấm, xã Bình Triều, Thăng Bình. Ảnh: H.Q
Lễ hội rước cộ tri ân công đức Bà Chợ Được. Ảnh: H.Q

Theo thông lệ hằng năm, lễ hội rước cộ Bà Chợ Được được tổ chức vào ngày 10 và 11 tháng Giêng nhằm tưởng nhớ công đức của vị nữ thần luôn phù hộ để làng Chợ Được trù phú và sầm uất. Năm 2014, Bộ VH-TT&DL công nhận lễ hội cộ Bà Chợ Được là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Hàng nghin người dân đến xem lễ hội. Ảnh: H.Q
Hàng nghin người dân tập trung về làng Phước Ấm xem lễ hội. Ảnh: H.Q

Tại lễ hội, rước cộ là hoạt động được người dân và du khách chờ đợi. Đáng chú ý, năm nay ngoài nghi thức rước sắc Bà Chợ Được còn có hoạt động chưng cộ - một loại hình nghệ thuật diễn xướng, sân khấu đậm chất dân gian, được các nghệ nhân xây dựng một cách sáng tạo, hấp dẫn.

Nội dung các bàn bộ xoay quanh các truyền thuyết, sự kiện lịch sử của dân tộc, bao gồm gồm Sơn Tinh - Thủy Tinh, Phù Đổng Thiên Vương, Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút và Chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950.

Ấn tượng bàn cộ Phù Đổng Thiên Vương. Ảnh: H.Q
Bàn cộ Phù Đổng Thiên Vương. Ảnh: H.Q
Người dân thích thú với bàn cộ Sơn Tinh - Thủy Tinh. Ảnh: H.Q
Người dân chiêm ngưỡng bàn cộ Sơn Tinh - Thủy Tinh. Ảnh: H.Q

Ngoài ra, lễ hội còn có các chương trình chợ quê, đua thuyền, hô hát bài chòi, lô tô, bóng chuyền... Theo ghi nhận, trong 2 ngày 31/1 và 1/2 (ngày 10 và 11 tháng Giêng) có hàng nghìn người dân đến xem cộ và tham gia các hoạt động văn hóa - thể thao do UBND xã Bình Triều tổ chức.

Theo UBND xã Bình Triều, lễ hội rước cộ Bà Chợ Được phản ánh dấu vết tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông - ngư nghiệp gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Đây là nét sinh hoạt tín ngưỡng không thể thiếu của người dân làng Phước Ấm, thể hiện lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân; đồng thời cầu mong về cuộc sống ấm no, đầy đủ, bình yên.

Sau nhiều năm tạm ngưng do đại dịch Covid-19, lễ hội rước cộ Bà Chợ Được trở lại trong sự háo hức của người dân, du khách. Ảnh: H.Q
Sau nhiều năm tạm ngưng do đại dịch COVID-19, lễ hội rước cộ Bà Chợ Được tổ chức trở lại trong sự háo hức của người dân và du khách. Ảnh: H.Q
Ngoài rước cộ, không gian chợ quê với những gian hàng kinh doanh thức ăn dân dã và các trò chơi dân gian thu hút hàng trăm lượt người ghé đến. Ảnh: H.Q
Ngoài rước cộ, địa phương tổ chức không gian chợ quê với các gian hàng ẩm thực và trò chơi dân gian. Ảnh: H.Q
Sôi nổi trò chơi bài chòi. Ảnh: H.Q
Sôi nổi trò chơi bài chòi. Ảnh: H.Q
Và giải đua thuyền truyền thống thu hút đông đảo người dân đến xem, cổ vũ. Ảnh: H.Q
Giải đua thuyền truyền thống bên lề lễ hội. Ảnh: H.Q

 [Video] - Nghi thức rước cộ Bà Chợ Được:

Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được gắn với truyền thuyết về vị tiên nữ rất linh ứng. Tương truyền Bà tên Nguyễn Thị Của, sinh ngày 25/2 năm Cảnh Thịnh bát niên (1800) tại làng Phường Chào (thuộc châu Phiếm Ái), nay thuộc xã Đại Cường (Đại Lộc). Sinh thời, Bà thường mặc vải lụa điều, thích hát bội, đua ghe và ca múa với trẻ em. Lớn lên, Bà hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Năm Đinh Sửu (1817) Bà mất, dân làng lập đền thờ tại quê nhà.

Năm Nhâm Tý (1852), Bà hiển linh tại làng Phước Ấm, xã Bình Triều, hóa thân thành thiếu nữ đổi nước, bán trầu, bốc thuốc chữa bệnh, trị bọn quan tham, cứu dân độ thế. Dần dà, bãi cát hoang vắng bên dòng sông Trường Giang trở thành chợ mua bán sầm uất. Người dân làng Phước Ấm nghĩ đến sự tình cờ có một ân huệ được cái chợ và cầu mong được may mắn trong mua bán nên lấy tên là chợ Được.

Để tri ân công đức của Bà, người dân làng Phước Ấm đã lập lăng thờ, hằng ngày hương khói. Đặc biệt, tổ chức 2 ngày tế lễ hằng năm (ngày sinh 25/2 và ngày mất 19/11) để cầu an, xin phong sắc.

Năm 1898, triều đình Huế ban sắc phong Tề Thục Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần. Năm 1924, vua Khải Định tặng cho Bà phong sắc Trang Hy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần. Năm 1927, vua Bảo Đại gia tặng phong sắc Tề Thục Dực Bảo Trang Hy Thượng Đẳng Thần.

Ngày 31/12/2008, lăng Bà Chợ Được được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngày 19/12/2014, Bộ VH-TT&DL công nhận lễ hội rước cộ Bà Chợ Được là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

HỒ QUÂN