Khai thác dầu rái vùng đầu nguồn
Xã Đại Thạnh (Đại Lộc) có cánh rừng dầu rái hơn 200ha được người dân bảo vệ nghiêm ngặt. Hàng trăm năm qua họ khai thác dầu rái bằng biện pháp thủ công: dùng lửa hơ vào thân cây cho dầu chảy ra.
Đầu tháng 9, ông Nguyễn Xuân Trình (56 tuổi, xã Đại Thạnh) vác ba lô vào rừng khai thác dầu rái. Ông Trình “sở hữu” hơn 1.000 cây dầu rái tự nhiên, mỗi tháng khai thác 2 lần, mỗi lần thu 120 lít, giá bán 20.000 đồng lít.
Ông Trình kể, nghề khai thác dầu rái đã có từ rất lâu đời. Giữa cánh rừng mênh mông cây dầu rái dày đặc nhưng có một luật lệ bất thành văn là khoảnh rừng của ai thì người nấy khai thác, không được lấn sang khoảnh rừng người khác. Ranh giới cũng được chia rất đơn giản, ai khai thác trước, chỉ cần đánh dấu bằng một đường ranh. Đời cha khai thác thì đời con tiếp nối.
Dụng cụ khai thác dầu gồm bình gas mini và bộ khò, thanh cây. Đến bên cây dầu, ông Trình châm lửa hơ vào thân cây để dầu chảy ra. Ông Trình cho biết, nghề này có ở nhiều nơi, họ thường chặt sâu vào thân để dầu chảy ra nhiều nhưng ảnh hưởng đến cây.
Với người dân Đại Thạnh thì khác, chỉ khoét một lớp mỏng ngoài thân, không tạo vết thương sâu nên cánh rừng dầu phát triển, sinh trưởng tốt. Cây dầu hơn ba năm tuổi bắt đầu khai thác, tuổi càng cao cho dầu nhiều hơn. Với cây nhỏ chỉ tạo một vết thương, cây lớn tạo hai vết thương.
Theo ông Trình, trước đây mọi người thường dùng củi bó làm đuốc đốt lửa, song cách đây 5 năm thấy sử dụng bộ khò bằng gas tiện lợi nên áp dụng, kiểm soát được nguồn lửa không gây cháy rừng. “Sau ba ngày hơ lửa, tôi quay lại thu hoạch dầu rái. Nghề này một năm làm được 9 tháng, 3 tháng cây thay lá dừng khai thác” - ông nói.