Bánh sừng trâu của người Cơ Tu
Người Cơ Tu mỗi dịp tết đến xuân về không thể thiếu bánh sừng trâu (Cuốt hay A Cuốt). Cách làm bánh này cũng rất đặc biệt.
Chị Jơ đêl Thị Sâm (làng Pơr Ning, xã Lăng, Tây Giang) cho biết lá rừng phải xanh mượt, không quá non, cũng không quá già, hái mang về rửa, lau sạch để gói bánh. Dân làng còn hái lá A duông và cây A pic dùng làm lạt để gói bánh vì chúng có mùi thơm rất đặc trưng.
Cách làm bánh không quá cầu kỳ, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Nếp rẫy trắng tinh, thơm dùng làm nguyên liệu. Bánh không có nhân là để giữ được lâu hơn. Đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ cầm lá đót, tạo một đầu thành hình sừng trâu, một tay kẹp giữ hai mép lá, tay kia hốt một nắm nếp bỏ vào phễu lá đót, nén chặt vừa phải, gấp mép đầu còn lại theo hình sừng trâu, dùng dây lạt cột lại, hai chiếc bánh được buộc thành một cặp trước khi nấu. Điều đó có ý nghĩa biểu tượng cho tình yêu thương lứa đôi, được buộc lại với nhau và cũng là sự đoàn kết, yêu thương của người với người.
Bánh sau khi gói được ngâm trong nước, sau đó được nấu trên bếp củi 3 - 4 giờ. Khi chín, bóc lớp lá ra bánh vẫn vương màu xanh nhạt đẹp mắt của lá đót, mùi hương hòa quyện của lá đót, lạt với gạo nếp thật nồng nàn, khó quên.
Theo già làng Cơ lâu Nhất, với người Cơ Tu, bánh sừng trâu có ý nghĩa tinh thần rất lớn, cúng dâng lên Giàng, tổ tiên mỗi dịp lễ, tết, cưới hỏi. Hiện nay khi những ngôi làng Cơ Tu phát triển du lịch cộng đồng, đón khách, bánh là món quà, đặc sản tặng du khách.