Độc đáo nghề làm thuốc rê
Nghề làm thuốc rê thời xa xưa tưởng chừng như đã mai một. Thế nhưng tại thôn Trà Lang (xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) vẫn còn một số hộ giữ lại nghề truyền thống của tổ tiên.
Tháng 11 âm lịch hàng năm là thời điểm bắt đầu trồng thuốc lá. Sau 2 tháng, khi cây thuốc đã lớn, người dân hái những lá thuốc già dưới gốc đem về phơi để xắt. |
Cứ đến mùa thuốc lá, các hộ dân này lại thay phiên nhau “trả công” qua lại bằng cách hái lá, phơi lá, bó lá, xắt lá, dậm lá rồi đem phơi thuốc bán cho các đại lý, hình thành một “làng thuốc rê”. Ông Trần Ngọc Văn (52 tuổi), cho biết mình bắt đầu làm thuốc rê từ lúc 14 tuổi. Nghề này cha truyền con nối. “Từ nhỏ tui đã thấy ông nội tui làm nghề này rồi. Thuở nhỏ tui học nghề từ cha và các cụ già trong xóm. Sau 2 năm học nghề thì mới bắt đầu dám cầm dao để tập tành xắt. Con dao dùng để xắt thuốc cũng rất độc đáo, nó rất to và bén ngót, được đặt rèn riêng chuyên dùng cho mỗi việc này”.
Trước khi xắt, lá thuốc được đem phơi cho héo. |
Nhà ông Văn trồng được hơn 1 sào thuốc lá với khoảng 500 cây thuốc. Với diện tích này thì việc thu hoạch và xắt 13 lần kéo dài trong 4 tháng, đem lại nguồn thu nhập hơn 30 triệu đồng. Đây là nguồn thu chính góp phần lo cho con cái ăn học nên người. Ông có 4 người con, trong đó có 3 người học đại học, người còn lại học cao đẳng.
Người đang xắt những bó thuốc là ông Trần Ngọc Văn. |
Những hình ảnh này gợi lên hoài niệm về làng truyền thống thuốc lá Trường Xuân - Tam Ngọc vang tiếng một thời. Tuy nghề xưa cũ, nhưng nó vẫn là kế mưu sinh của những hộ dân nơi đây.
Lá thuốc sau khi xắt được đặt trên từng tấm liếp. |
Sau đó người ta dậm thuốc để khi đưa vào liếp có độ kết dính. |
Chở những liếp thuốc đem phơi. |
HẢI HOÀNG