Emagazine

[eMagazine] - Doanh nhân chèo lái doanh nghiệp vượt sóng dữ

VĨNH LỘC - PHAN VINH 12/10/2023 10:16

(QNO) - Sau đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực nhiều mặt đến kinh tế - xã hội trong nước. Quảng Nam tuy có sự phục hồi tăng trưởng kinh tế, nhưng nhìn chung vẫn còn chậm, nhiều doanh nghiệp (DN) đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức do nhu cầu tiêu dùng giảm, thiếu hụt đơn đặt hàng, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và đứt gãy chuỗi cung ứng… làm cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh không đạt như mong muốn. Vì thế, hơn bao giờ hết rất cần sự sát cánh hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền, các ngành liên quan và vai trò dẫn dắt của lực lượng doanh nhân để chèo lái DN vượt qua "sóng dữ" khủng hoảng kinh tế.

tit-chinh_lot-trong-noi-dung_2.png

Sau đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực nhiều mặt đến kinh tế - xã hội trong nước. Quảng Nam tuy có sự phục hồi tăng trưởng kinh tế, nhưng nhìn chung vẫn còn chậm, nhiều doanh nghiệp (DN) đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức do nhu cầu tiêu dùng giảm, thiếu hụt đơn đặt hàng, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và đứt gãy chuỗi cung ứng… làm cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh không đạt như mong muốn. Vì thế, hơn bao giờ hết rất cần sự sát cánh hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền, các ngành liên quan và vai trò dẫn dắt của lực lượng doanh nhân để chèo lái DN vượt qua "sóng dữ" khủng hoảng kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, nhiều DN Quảng Nam, nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng bị đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh, gồng mình chống đỡ với suy thoái kinh tế.

Xoay xở cầm chừng

Mặc dù hoạt động đa ngành nghề nhưng thời điểm này, Tập đoàn Hoàng Như (Hội An) chỉ còn tập trung vào mỗi mảng kinh doanh lưu trú du lịch với hệ thống khách sạn mang thương hiệu Le Pavillon. Tuy vậy, công suất lấp đầy phòng chỉ đạt khoảng 30% cùng giá bán thấp nên doanh thu hầu như không đủ chi phí vận hành và khấu hao tài sản. Đây là năm thứ 3 liên tiếp tình hình kinh doanh của DN rơi vào tình cảnh ảm đạm.

Ông Đỗ Như Châu – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hoàng Như cho biết, so với năm ngoái, tình hình kinh doanh năm nay còn tệ hại hơn, mọi kế hoạch đơn vị đặt ra hầu như không đạt.

“Kinh doanh khó khăn trong khi mọi chi phí đều tăng, đơn cử tiền điện đã chiếm hơn 10% doanh số. Với mức chi phí và áp lực này DN đã khó càng khó hơn, bây giờ đến bước đường cùng rồi, thật sự hết phương án xoay xở” - ông Châu buồn bã.

Nhiều DN ngành may mặc bị ảnh hưởng do thiếu hụt đơn hàng.
Nhiều DN ngành may mặc bị ảnh hưởng do thiếu hụt đơn hàng.

Hiện tại, chi phí vận hành, trả lương nhân viên của Tập đoàn Hoàng Như mỗi tháng bình quân hơn 2 tỷ đồng, chưa kể lãi vay ngân hàng, khấu hao tài sản, thuế phí…

DN gặp khó khăn trong kinh doanh, sản xuất không phải là câu chuyện mới mẽ, tình trạng này đã xuất hiện 3 năm nay, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, sau đó là khủng hoảng kinh tế thế giới do hệ quả của xung đột Nga – Ucraine khiến các ngành kinh tế như du lịch, dịch vụ, công nghiệp, chế tạo, xây dựng… bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nhu cầu du lịch, tiêu dùng giảm sút, thiếu hụt đơn đặt hàng, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao...

Một số nhà máy, DN phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng.
Một số nhà máy, DN phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng.

Ông Nguyễn Hữu Quang - Quản lý xưởng máy Công ty TNHH MTV May thêu Mạnh Tiến (CCN Thương Tín, phường Điện Nam Đông, Điện Bàn) thừa nhận, từ nửa năm 2022 đến nay công việc khá ít, DN phải tăng cường đàm phán tìm kiếm đơn hàng nhưng không đáng kể. So với chỉ tiêu kế hoạch đặt ra năm nay chắc chắn không đạt. Nếu trước dịch, bình quân mỗi tháng công ty xuất đi 3 container thì nay còn chưa đến 2 container. 3 tháng gần đầy đơn hàng hầu như không có nên công ty phải nhận những đơn nhỏ lẻ nhằm cầm chừng việc làm cho công nhân.

[VIDEO] - Quang cảnh sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh:

“Thông thường bước vào tháng 10 công ty đã ký hợp đồng đơn hàng với đối tác đến tháng 3 năm sau, trong khi năm nay đơn hàng mới ký đến tháng 1/2024 nhưng giá cũng thấp do cạnh tranh, riêng từ tháng 2 trở đi vẫn chưa có thông tin từ khách hàng” - ông Quang nói. DN của ông Quang hiện có 200 công nhân đang làm việc, hàng hóa chủ yếu xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu.

Dự báo sẽ tiếp tục ảm đạm

Ông Dương Phú Minh Hoàng - Giám đốc Công ty CP Gỗ Cẩm Hà dự đoán, tình hình thiếu đơn hàng sẽ còn tiếp tục kéo dài, chí ít đến cuối năm 2024. Mặc dù, hiện nay công ty vẫn có đơn hàng nhưng chỉ bằng 30% so với trước năm 2021, trong khi đơn giá thấp thê thảm (từ 5 - 30%) nên số lao động cũng cắt giảm còn 250/600 công nhân.

“Khó nhất bây giờ là đơn hàng, mà điều này thì nhà nước không thể hỗ trợ, giúp đỡ gì được vì phụ thuộc vào đối tác nước ngoài. Hiện nay, bảo hiểm xã hội có cho trả chậm 1 tháng nhưng cũng không ăn thua gì, may ra nhà nước chỉ đạo ngân hàng hỗ trợ lãi suất và giảm tiền thuê đất, điện nước… Vừa rồi cũng nghe nói Chính phủ đã có chính sách giảm tiền thuê đất 30%, nhưng chưa thấy hỗ trợ gì” - ông Hoàng chia sẻ.

Công ty CP Gỗ Cẩm Hà phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng.
Công ty CP Gỗ Cẩm Hà phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng.

Công ty CP Gỗ Cẩm Hà đang thuê đất tại phường Cẩm Hà (TP.Hội An) và KCN Điện Nam – Điện Ngọc (Điện Bàn), sản phẩm hàng hóa làm ra chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Trong đó, riêng tiền thuê đất tại Cẩm Hà mỗi năm công ty đóng hơn 2 tỷ đồng nên việc giảm tiền thuê đất rất quan trọng đối với DN trong lúc này.

“Giải pháp tạm thời sẽ cắt giảm chi phí, tăng cường tìm kiếm thị trường, nghe thì dễ nhưng không đơn giản vì phải cạnh tranh khốc liệt do DN nào cũng thiếu đơn hàng. Dài hơi hơn chỉ còn cách chờ thị trường thế giới phục hồi thôi” - ông Hoàng cho biết.

Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2023 giảm sâu do DN thiếu đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng… Tuy tăng trưởng thấp nhưng quy mô nền kinh tế vẫn tương đối lớn (tốp 20 cả nước, tốp 4 khu vực duyên hải Trung Bộ).

Trong bức tranh kinh tế ảm đảm vẫn xuất hiện những DN hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách nhà nước.

Linh hoạt chuyển đổi

HTX Sản xuất thương mại Bảo Linh (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) là đơn vị sản xuất bánh dừa nướng đạt chứng nhận OCOP 4 sao, đây là một trong số ít DN có nhiều chuyển biến tích cực nhờ chuyển đổi cách thức kinh doanh từ trực tiếp sang online.

Việc chuyển đổi hình thức kinh doanh giúp HTX Sản xuất thương mại Bảo Linh hoạt động hiệu quả.
Việc chuyển đổi hình thức kinh doanh giúp HTX Sản xuất thương mại Bảo Linh hoạt động hiệu quả.

Nếu như trước đây, kênh bán hàng chủ yếu của HTX này là offline (chiếm 80% thị phần) thì nay đơn vị đã tập trung sang kênh phân phối online, đẩy thị phần giao dịch điện tử lên 40%.

Song song với đó, HTX Sản xuất thương mại Bảo Linh còn tận dụng phế phẩm bán cho các đối tác làm nguyên liệu thay vì bỏ đi như trước đây. Cụ thể, nước dừa bán cho đơn vị chế biến thực phẩm, cối dừa cung cấp cho đơn vị thủ công mỹ nghệ, sản xuất than hoạt tính, sơ dừa làm phần bón... Để hạn chế thất thoát về bao bì, bánh vỡ vụn, đơn vị cũng đầu tư nâng cấp, sửa chữa máy móc thường xuyên hơn.

Ông Phan Đình Tuấn - Giám đốc HTX Sản xuất thương mại Bảo Linh tiết lộ, nhờ sự linh hoạt chuyển đổi đó mà đơn vị bước qua giai đoạn khó khăn một cách vững chắc, doanh thu hàng năm đạt hơn 10 tỷ đồng, nộp thuế nhà nước mỗi quý khoảng 150 triệu đồng.

“Điều đáng mừng nhất là chúng tôi vẫn duy trì công việc thường xuyên và ổn định cho hơn 40 lao động tại địa phương” - ông Tuấn khẳng định.

Ông Lee Eun Bae – Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam cho rằng, với tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu như thời gian qua, đơn vị đã không ngừng cố gắng, tập trung vào chất lượng để giữ vững vị trí số 1 trong lĩnh vực sản xuất sợi vải mành và sợi túi khí trong xe ô tô. Sắp tới, Hyosung Quảng Nam sẽ đầu tư 1 tỷ USD trên diện tích 80ha để mở rộng sản xuất.

“Qua đây chúng tôi mong trở thành một DN ưu tú, đồng hành cùng phát triển với địa phương” - ông Lee Eun Bae nói.

Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam hướng đến nhiều hoạt động cộng đồng.
Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam hướng đến nhiều hoạt động cộng đồng.

Là DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sợi vải mành và sản xuất vải túi khí ô tô với 100% vốn đầu tư nước ngoài, từ khi thành lập (năm 2018) đến nay, Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp.

Đặc biệt, không chỉ thực hiện chế độ phúc lợi tốt cho 800 công nhân viên, người lao động, thời gian qua công ty cũng triển khai nhiều hoạt động xã hội, tình nguyện hướng về cộng đồng như hỗ trợ kinh phí cho chương trình kế sinh nhai cho phụ nữ đơn thân ở Thăng Bình, trao quà tết hàng năm cho người nghèo vùng núi huyện Nam Trà My, nạn nhân chất độc màu da cam tỉnh, ủng hộ hàng tỷ đồng cho Quỹ vắc xin phòng COVID-19.

Kiên trì vượt khó

Theo ông Nguyễn Sơn Thủy – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương, nếu không kiên trì nỗ lực DN sẽ khó trụ vững, vượt qua khủng hoảng. Để duy trì hoạt động, Duy Nhất Đông Dương đã tăng cường xúc tiến, mở rộng thị trường mới đến các nước Philippines, Indonesia nhằm đa dạng nguồn khách. Đến nay, hoạt động kinh doanh của DN đã phục hồi tương đương với thời điểm trước dịch, đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi du lịch Quảng Nam.

[VIDEO] - Hội nghị khen thưởng người nộp thuế và trao Bằng công nhận DN tiêu biểu, doanh nhân tiêu biểu năm 2022 do Cục Thuế Quảng Nam tổ chức ngày 10/10/2023:

Tại Hội nghị khen thưởng người nộp thuế và trao Bằng công nhận DN tiêu biểu, doanh nhân tiêu biểu năm 2022 do Cục Thuế Quảng Nam tổ chức ngày 10/10/2023, ông Nguyễn Viết Hà – Giám đốc Viễn thông Quảng Nam thừa nhận, những năm qua, dù đối diện khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng kinh tế nhưng Viễn thông Quảng Nam (thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) vẫn không ngừng cố gắng, sáng tạo để thích nghi và phát triển.

Kết quả, năm 2022, tổng doanh thu của Viễn thông Quảng Nam đạt hơn 526 tỷ đồng, tăng 0,4% so với năm 2021 và vượt kế hoạch 109,37%. Chênh lệch thu chi cũng được kiểm soát tốt, đạt 139,96% so với kế hoạch. Với kết quả kinh doanh đạt được, ngoài thuế thu nhập DN được nộp tập trung tại tập đoàn, trong năm 2022, đơn vị này đã nộp hơn 15 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách địa phương, tăng trưởng 8,2% so với năm 2021.

Viễn thông Quảng Nam khai trương Trung tâm Điều hành thông minh huyện Nông Sơn.
Viễn thông Quảng Nam khai trương Trung tâm Điều hành thông minh huyện Nông Sơn.

“Viễn thông Quảng Nam luôn xem việc thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế không chỉ đơn thuần là một nhiệm vụ pháp lý mà còn mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi DN, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khẳng định thương hiệu của DN. Điều này giúp chúng tôi xây dựng mối quan hệ tin cậy với khách hàng và đối tác, qua đó nâng cao uy tín của công ty trên thị trường” - ông Hà nhấn mạnh.

Ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời, lắng nghe, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) được xem là những việc làm cấp thiết hiện nay của các cấp chính quyền, các sở, ngành liên quan.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” tài chính

Ông Đỗ Như Châu – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hoàng Như cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất của DN hiện nay chính là nguồn vốn hoạt động bởi sau nhiều hoạt động cầm chừng, nguồn tiền dự phòng đã cạn. Trong khi ngân hàng không bơm vốn vào hệ thống tài chính, bất động sản đóng băng, DN lúng túng xoay xở.

“Nợ nần chống chất, tôi cũng muốn bán bớt một vài bất động sản để giải quyết nhưng chịu. Tài sản có nhưng không giao dịch mua bán được” - ông Châu nói.

Ngày 26/9 vừa qua, Hiệp hội DN Quảng Nam đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Nam đề xuất về việc DN được tiếp cận chương trình tín dụng của ngân hàng. Đồng thời, kiến nghị hạ cách đánh giá về lịch sử trả nợ của khách hàng bởi nhiều DN có lịch sử trả nợ tốt nhưng gặp khó khăn, hệ thống báo cáo tài chính chưa quy chuẩn nên chưa chứng minh được dòng tiền. Trong khi đó, một số ngân hàng đánh giá DN dựa trên báo cáo thuế, báo cáo được kiểm toán...

Ngành cơ khí chế tạo cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới.
Ngành cơ khí chế tạo cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới.

“Khi bất động sản đang nằm ở đáy thì nên đánh giá tài sản đảm bảo sát giá thị trường, nâng tỷ lệ cho vay/tài sản đảm bảo. Đối với tài sản chưa hoàn công, vẫn cho ghi nhận giá trị này và hoàn thành thủ tục đăng bộ sau khi đăng ký thế chấp ngân hàng.

Thu hẹp khoảng cách lãi suất giữa 2 nhóm nhà nước – cổ phần bằng cách phân loại khách hàng, ngành nghề, tài sản đảm bảo, kết quả kinh doanh,... để đưa ra một quy chuẩn chung cho các DN, khi đạt mức độ đó sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi” – ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội DN Quảng Nam đề nghị.

Bên cạnh điểm nghẽn tài chính, Hiệp hội DN Quảng Nam cũng đề xuất UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế nhằm hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn trước mắt. Theo ông Trần Quốc Bảo, hai nhóm DN đang gặp khó nhất hiện nay là DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và DN bất động sản.

Riêng ở lĩnh vực bất động sản, Hiệp hội DN Quảng Nam đề nghị UBND tỉnh có hướng tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, cần quyết liệt trong công tác cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ dân không chịu nhận tiền bồi thường để chủ đầu tư triển khai thi công. Tăng đơn giá bồi thường cho các hộ dân theo quy định để nhận được sự đồng thuận.

Đặc biệt, UBND tỉnh nghiên cứu cho phép chủ đầu tư khấu trừ tiền giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất phải nộp mà không đợi đến khi quyết toán để giảm tải áp lực về nguồn vốn cho chủ đầu tư.

Không để DN đơn độc

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn cho DN cần sự tham gia của nhiều ngành tùy thuộc vào lĩnh vực, ngành nghề. Vì vậy, thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã thành lập tổ công tác đặc biệt để xử lý khó khăn cho DN. Theo đó, UBND tỉnh đã tách ra từng nhóm DN như nhóm trong khu, cụm công nghiệp; nhóm doanh nghiệp du lịch, dịch vụ… mỗi nhóm DN sẽ có ngành sâu sát phản ánh.

Cạnh đó, sở cũng rà soát đánh giá về cơ chế thu hút đầu tư vào hạ tầng cụm công nghiệp để có những đề xuất tháo gỡ. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong khâu thỏa thuận thẩm định có liên quan…

“Sở luôn sát cánh sẻ chia, động viên để DN bám trụ, tăng sức chịu đựng. Riêng những thủ tục hành chính trong thẩm quyền và những vướng mắc ngành sẽ xử lý rốt ráo” - ông Dự chia sẻ.

Hoạt động du lịch được xem là một trong những lĩnh vực phục hồi kinh tế nhanh nhất tại Quảng Nam.
Hoạt động du lịch được xem là một trong những lĩnh vực phục hồi kinh tế nhanh nhất tại Quảng Nam.

Giữa tháng 5/2023, UBND tỉnh cũng đã thành lập và kiện toàn Tổ công tác đặc biệt trong đó Sở KH-ĐT là cơ quan thường trực nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Tổ công tác đã tổ chức họp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sự động viên, hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN.
Hơn lúc nào hết, DN cần sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời về cơ chế chính sách của các cấp chính quyền và các ngành liên quan.

Cạnh đó, các ngành và địa phương cũng tích cực tăng cường các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng DN như: tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng tiêu thụ sản phẩm tại khu vực miền Trung - Tây nguyên và một số tỉnh, thành phố trên cả nước, kể cả thị trường các nước như Lào, Thái Lan, Trung Quốc...

[VIDEO] - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang kêu gọi cộng đồng DN tăng cường thi đua sản xuất:

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, từ khi thành lập Tổ công tác đặc biệt tới nay, Tổ công tác đã thực hiện các buổi tiếp DN mỗi tháng 1 lần, đơn vị cũng tiếp nhận, lắng nghe ý kiến, chia sẻ những vấn đề khó khăn, vướng mắc của DN, nhất là nhóm DN liên quan tới bất động sản, xây dựng và các nhà đầu tư dự án. Tổ công tác đặc biệt đã tổng hợp, báo cáo lên UBND tỉnh và đang chờ các cấp phê duyệt để nhanh chóng gỡ vướng cho DN.

VĨNH LỘC - PHAN VINH