[eMagazine] - Đánh thức tiềm năng du lịch miền núi

THÀNH CÔNG - HỒ QUÂN - ALĂNG NGƯỚC 17/09/2023 15:25

(QNO) - Đã có một hành trình dài với rất nhiều thử nghiệm, song vẫn còn khá ít dự án đầu tư vào du lịch miền núi tạo được sức thu hút, trong khi tài nguyên khu vực này vô cùng đa dạng về sinh thái và văn hóa. Định hình sản phẩm, xây dựng tour tuyến và mời gọi được du khách tìm về, vẫn là câu chuyện ở thì tương lai...

 
 

Có khá nhiều lợi thế được nhắc đến như nguồn tài nguyên đa dạng cho du lịch, ở khắp các địa phương miền núi. Sinh thái đa dạng, cảnh quan đẹp, độc đáo gắn với rừng cùng sự phong phú của sắc màu văn hóa đồng bào các dân tộc cho thấy đây là mảnh đất màu mỡ để hình thành những sản phẩm du lịch đặc trưng.

Cảnh sắc thiên nhiên miền núi Quảng Nam. Ảnh: PV
Cảnh sắc thiên nhiên miền núi Quảng Nam. Ảnh: PV

Theo đại diện Sở VH-TT&DL, sông suối, thác nước, những cánh rừng nguyên sinh với hệ động thực vật đặc trưng chính là “tài sản” quý. Nếu như phía Tây Giang còn giữ được rừng đỗ quyên cổ thụ, rừng pơ mu... thì ở cánh Nam Trà My, “quốc bảo” sâm Ngọc Linh đã được quảng bá rộng rãi, tạo hiệu ứng tốt nhờ nỗ lực truyền thông xứng tầm, là lời mời gọi đến với những “trải nghiệm xanh”. Cùng với đó, cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại, các khu di tích lịch sử trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc… đa dạng thêm điểm đến. 

Độc đáo văn hóa vùng cao xứ Quảng. Ảnh: PV
Độc đáo văn hóa vùng cao xứ Quảng. Ảnh: PV

Miền núi còn là nơi lưu giữ nguyên vẹn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu, Co, Xê Đăng, Giẻ Triêng với các lễ hội đặc trưng, lối sống sinh hoạt hằng ngày, nhiều món ăn đặc sản, nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng… Đây là những chất liệu quan trọng để hình thành những sản phẩm du lịch riêng có, độc đáo, hấp dẫn du khách với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch lịch sử - văn hóa…

Du khách trải nghiệm du lịch vùng cao. Ảnh: PV
Du khách trải nghiệm du lịch vùng cao. Ảnh: PV

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch miền núi, du lịch xanh. Nhiều sản phẩm du lịch đã được đầu tư và được du khách trong nước, nước ngoài đón nhận, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch khu vực miền núi, mang đến trải nghiệm mới mẻ cho du khách khi đến Quảng Nam và giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương.

Một số điểm đến đã bước đầu hình thành như làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, làng dệt Zơra (Nam Giang), làng du lịch Bhờ Hôồng, Đhrôồng (Đông Giang), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), làng du lịch cộng đồng Đại Bình (Nông Sơn), làng văn hóa Cao Sơn, làng Mường (Bắc Trà My), khu du lịch bảo tồn văn hóa Bh’noong (Phước Sơn), khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang... Bên cạnh đó, thương hiệu sâm Ngọc Linh Nam Trà My cũng bắt đầu được nhiều công ty lữ hành và du khách chú ý.

[VIDEO] -  Đặc sắc các điểm đến du lịch miền núi Quảng Nam:

Cùng với nỗ lực các địa phương thì sự đầu tư khá bài bản của doanh nghiệp, từ Cổng trời Đông Giang, Làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang, cho đến các tour du lịch vùng sâm Ngọc Linh đã ra đời, từng bước hấp lực với du khách. Đây sẽ là hành trình đánh thức tài nguyên, mở ra cơ hội mới trong phát triển du lịch gắn với công tác quản lý, khai thác hiệu quả, bền vững dư địa về tài nguyên thiên nhiên, danh thắng, rừng cây di sản và văn hóa bản địa. 

[VIDEO] - Bà Phạm Quế Anh – Giám đốc Công ty TNHH du lịch – dịch vụ Hội An Express đánh giá về du lịch Quảng Nam:

 
Hạ tầng không đồng bộ là rào cảng cho sự phát triển du lịch miền núi. Ảnh: PV
Hạ tầng không đồng bộ là rào cản cho sự phát triển du lịch miền núi. Ảnh: PV

Theo ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, miền núi vẫn còn rất nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ. Cơ sở hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều điểm du lịch tại các huyện vùng núi cao không thể đón xe khách 45 chỗ, khoảng cách giữa các điểm du lịch còn khá xa - điều này đã trở thành rào cản không nhỏ để phát triển tour tuyến du lịch.

“Sự trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương làm cho việc kết nối, tạo ấn tượng thực sự độc đáo để du khách hào hứng với những chuyến khám phá đại ngàn vẫn chưa được như mong đợi. Lao động du lịch còn hạn chế về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều nơi làm du lịch tự phát, chưa được quy hoạch, đầu tư bài bản, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan...

So với tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch miền núi Quảng Nam chưa thực sự được đầu tư tương xứng, hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại chưa đáng kể, người dân bản địa vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ sự phát triển của du lịch” - ông Sơn cho biết.

Miền núi Quảng Nam chịu ảnh hưởng thiên tai, ảnh hưởng đến dự án du lịch. Ảnh: PV
Miền núi Quảng Nam chịu ảnh hưởng thiên tai, ảnh hưởng đến dự án du lịch. Ảnh: PV

[VIDEO] - Ông Lê Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My chia sẻ về khó khăn phát triển du lịch miền núi:

Cạnh đó, nhân lực du lịch, khu vực miền núi chịu ảnh hưởng nhiều bởi tình hình thời tiết như mưa bão, sạt lở gây ảnh hưởng lớn đến các dự án du lịch; các cơ sở dịch vụ phụ trợ phục vụ cho du lịch như các điểm mua sắm, các điểm tham quan còn thiếu. Điều kiện đi lại còn cách trở, không có nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ văn hóa nên việc tổ chức, triển khai các hoạt động gặp rất nhiều khó khăn.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động văn hóa ở miền núi nhìn chung trong tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ, không đảm bảo về diện tích; thiếu công trình phụ trợ các hoạt động văn hóa; việc khôi phục nhà làng truyền thống của các dân tộc có nhiều khó khăn. Kinh phí hỗ trợ đầu tư hạ tầng tại các điểm du lịch ở các địa phương miền núi theo các quy định hiện hành còn thấp hoặc chưa được phân bổ hợp lý.

Du khách chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm tại miền núi Quảng Nam. Ảnh: PV
Du khách chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm tại miền núi Quảng Nam. Ảnh: PV
 

Từ năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục dự án nghiên cứu đầu tư làm cơ sở để triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, với 70 dự án năm 2021; 29 dự án năm 2022 và 3 dự án năm 2023. Trong đó, có tổng cộng 20 dự án thuộc các huyện miền núi, tuy nhiên không có dự án trong lĩnh vực du lịch.

Trong số hơn 1.100 dự án trong nước và 195 dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh, khu vực miền núi chỉ có 202 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 67.000 tỷ đồng; 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 44 triệu USD. Trong đó lĩnh vực du lịch chỉ có 8 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 3.200 tỷ đồng.

 

Mở rộng phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch xanh luôn được xem như một hành trình đánh thức tài nguyên. Để tạo dựng được thương hiệu, hướng đến mục tiêu kết nối, kêu gọi và đón nhà đầu tư, thời gian qua, nhiều địa phương miền núi có nhiều toan tính phát huy tiềm năng, lợi thế khai mở du lịch từ sản vật, văn hóa đặc trưng của vùng. 

Hỗ trợ du lịch cộng đồng

Xây dựng được cộng đồng thành chủ thể du lịch và hình thành sản phẩm du lịch dựa vào cộng đồng là một hướng đi đầy triển vọng. Bằng một số chương trình hỗ trợ du lịch cộng đồng đang triển khai, kỳ vọng sẽ có thể đa dạng sinh kế từ hướng đi này đang được củng cố.

Hợp tác xã dệt thổ cẩm Zơra. Ảnh: PV
Hợp tác xã dệt thổ cẩm Zơra. Ảnh: PV

Từ sự hỗ trợ của tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế FIDR (Nhật Bản), Hợp tác xã dệt thổ cẩm Zơra (xã Tà Bhing, Nam Giang) được thành lập với 27 thành viên đều là đồng bào bản địa. Nghề dệt thổ cẩm được khôi phục, không chỉ tạo ra sản phẩm hàng hóa từ thổ cẩm mà còn có thể phục vụ du lịch bằng chính năng lực của cộng đồng. Sau đại dịch, du khách bắt đầu trở lại, củng cố những tín hiệu tích cực từ điểm đến này.

Bà Nobuko Otsuki - Trưởng Đại diện FIDR Việt Nam cho hay du lịch dựa vào cộng đồng thông qua Hợp tác xã dệt thổ cẩm Zơra là hình mẫu của việc “săn tìm kho báu”, bao gồm chuỗi hoạt động tương tự mà FIDR đã triển khai ở 8/9 huyện miền núi tại Quảng Nam.

 
Du lịch cộng đồng miền núi Quảng Nam. Ảnh: PV
Du lịch cộng đồng miền núi Quảng Nam. Ảnh: PV

[VIDEO] - Bà Bùi Thùy Giang - nhân viên phụ trách truyền thông Công ty CP Đầu tư thương mại và phát triển du lịch K’lang Adventure đánh giá về tiềm năng du lịch cộng đồng ở Tây Giang:

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam nói, du lịch cộng đồng, đặc biệt là du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đang là xu hướng rõ nét. Đang có thay đổi cơ bản trong cấu trúc khách, du khách hướng đến sản phẩm giàu trải nghiệm, đồng sáng tạo, gắn với địa phương và có trách nhiệm trong phát triển bền vững. Đây là cơ hội rất lớn để đầu tư có trọng điểm cho du lịch cộng đồng.

Làm mới trải nghiệm

Các hoạt động du lịch miền núi Quảng Nam có sự trùng lặp giữa các địa phương. Ảnh: PV
Các hoạt động du lịch miền núi Quảng Nam có sự trùng lặp giữa các địa phương. Ảnh: PV

Nếu quan sát kỹ những sự kiện văn hóa được tổ chức tại nhiều huyện miền núi trong thời gian gần đây, sẽ ít nhiều nhận thấy những cách làm tương đối “quen thuộc”: trưng bày giới thiệu tiềm năng, tổ chức các gian triển lãm về nghề truyền thống, điêu khắc, hiện vật về đời sống sản xuất của đồng bào. Hàng hóa mang đến các sự kiện này cũng “na ná” nhau: thổ cẩm, măng rừng, mật ong, một số loại nông sản, sản phẩm OCOP...

Sẽ khó tạo được điểm nhấn, nếu không muốn nhắc đến tham vọng lớn hơn là định hình được một sự kiện nhằm hướng tới câu chuyện phục vụ du lịch. Lúng túng trong cách làm, giẫm chân nhau trong quá trình cố gắng tạo dựng điểm đến và làm rời rạc, manh mún vẫn là thực trạng của du lịch miền núi.

Ông Vũ Quốc Tuyển - Giám đốc Công ty TNHH thương mại và du lịch Amber cho biết, hiện nay, doanh nghiệp gặp khó trong việc làm sao để giữ chân khách nước ngoài ở lại thêm một đêm khi đến miền núi. Khách vẫn đa số đi phượt dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, khám phá một số cảnh quan, chưa có thêm nhiều lựa chọn trải nghiệm.

 

Liên kết để phát triển

Không “hô hào” những câu chuyện vĩ mô về thu hút đầu tư hay nâng cấp hạ tầng, nhiều ý kiến từ phía các doanh nghiệp lữ hành chọn khuyến nghị các địa phương và ngành du lịch nên chú trọng cải thiện những điểm yếu “cố hữu” của các địa phương miền núi trong việc tạo ra sản phẩm và liên kết điểm đến.

 
 

[VIDEO] - Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam chia sẻ về những giải pháp phát triển du lịch miền núi Quảng Nam:

Các địa phương, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các điểm đến phải cùng nhau hợp tác phát triển du lịch. Hỗ trợ và phát triển sản phẩm du lịch, tạo ra các tour tuyến hoàn chỉnh góp phần tạo sự cạnh tranh với các vùng khác, thúc đẩy du lịch miền núi phát triển một cách bài bản, hiệu quả, bền vững là mục tiêu lớn được lãnh đạo Sở VH-TT&DL đặt ra nhằm tìm “tiếng nói chung”.

Miền núi Quảng Nam tập trung khai thác các dòng khách tiềm năng. Ảnh: PV
Miền núi Quảng Nam tập trung khai thác các dòng khách tiềm năng. Ảnh: PV

Từ phía cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nghiệp du lịch mong muốn kiếm tìm các sản phẩm đặc thù, tạo được sự khác biệt, đặc trưng của điểm đến để tập trung khai thác. Định hình được sản phẩm, điểm đến, doanh nghiệp sẽ xác định phân khúc, thị trường khách ngay từ đầu, tránh lãng phí nguồn lực, tập trung được các nguồn xúc tiến sâu, mạnh vào các thị trường tiềm năng để có các nguồn khách đến với miền núi.

 

[VIDEO] - Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL nói về định hướng phát triển du lịch miền núi Quảng Nam:

 

THÀNH CÔNG - HỒ QUÂN - ALĂNG NGƯỚC