[eMagazine] - Giữ hồn phố cổ Hội An
Nhiều lần rộ lên tình trạng mua bán nhà cổ trong di sản Hội An, lại đặt ra câu chuyện phai nhạt hồn cốt di sản do pha trộn nếp sống và thay đổi công năng nhà cổ, phố cổ thành nơi chỉ dành cho buôn bán. Hơn lúc nào hết, một cơ chế đặc thù tương thích với di sản sống động này cần sớm được địa phương và trung ương xây dựng.
Là một di tích sống nên các công trình kiến trúc nhà cổ Hội An chịu nhiều tác động về thời tiết, khí hậu, vật liệu cũng như hoạt mua bán, sang nhượng. Quản lý, bảo tồn nhà cổ Hội An không chỉ qua hiện trạng kiến trúc mà còn chú trọng đến các giá trị văn hóa, nếp sống sinh hoạt…, những yếu tố cấu thành “hồn” di sản.
Cơ chế hỗ trợ bảo tồn di tích
Năm 2018, gia đình ông La Gia Hồng (đường Trần Phú) được Hội An hỗ trợ 45% tổng giá trị kinh phí sửa chữa (khoảng 1,3 tỷ đồng) tu bổ ngôi nhà trước nguy cơ sụp đổ. Đây là một trong số những công trình được sửa chữa thành công dựa trên cơ chế hợp tác công tư này. Từ năm 2008, Hội An đã ban hành Cơ chế quản lý hỗ trợ kinh phí tu bổ các di tích sở hữu tư nhân – tập thể (đến năm 2016 thay thế bằng Cơ chế quản lý hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa – cải tạo công trình, nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân – tập thể trong khu phố cổ Hội An).
Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ từ 40 - 75% kinh phí cho chủ di tích tu bổ, tùy theo giá trị bảo tồn của di tích, địa điểm di tích ở trục đường chính hay kiệt/hẻm kèm một số quy định khác (chủ nhà là dân gốc, có hoàn cảnh khó khăn...). Gần 15 năm qua, rất nhiều công trình nhà cổ thuộc sở hữu tập thể và tư nhân đã được đầu tư tu bổ từ cơ chế này. Trước dịch COVID-19, trung bình mỗi năm số tiền dành cho tu bổ các di tích từ 5 - 7 tỷ đồng.
Ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An khẳng định, gìn giữ bảo tồn các công trình kiến trúc, di tích nhà cổ (không chỉ về mặt hiện trạng kiến trúc mà cả các giá trị phi vật thể của di tích) đã trở thành quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Hội An.
Từ các nguồn vốn ngân sách, tài trợ nước ngoài, xã hội hóa của người dân... thông qua các dự án hợp tác trong nước, quốc tế, hơn 600 công trình di tích nhà nước và di tích tư nhân, tập thể đã được hỗ trợ trùng tu. Đến nay quần thể kiến trúc khu phố cổ Hội An đã vượt qua được giai đoạn nguy cơ khẩn cấp về sự sụp đổ, mất di tích...
Phai nhạt phần hồn
Đa phần di tích nhà cổ đã được gìn giữ bảo tồn tốt, dù vậy các công trình kiến trúc Hội An cũng đối diện nhiều nguy cơ tiềm ẩn như cháy nổ, mối mọt, kể cả thiếu vật liệu trùng tu (ngói, gỗ..). Đáng lo ngại nhất là việc thay đổi chủ sở hữu thông qua các hình thức sang nhượng, bán, thuê chuyển công năng nhà ở từ nơi sinh sống sang hoạt động chủ yếu kinh doanh khiến phố cổ Hội An phai nhạt phần nào hồn cốt.
Sự thay đổi chủ sở hữu trong các di tích, ngôi nhà cổ Hội An làm biến đổi chức năng cấu trúc, không gian của các di tích, ảnh hưởng đến sự bảo tồn toàn vẹn chung của khu phố cổ.
Ông Phạm Phú Ngọc phân tích, thay vì trước đây các ngôi nhà tồn tại một hoặc vài thế hệ sống, có không gian thờ tự, sinh hoạt, bếp…, dành một phần không gian phía trước để buôn bán nhỏ, thì nay toàn bộ không gian chỉ để phục vụ cho mục đích kinh doanh, các không gian truyền thống bị tháo dỡ hoặc thu nhỏ, các vật dụng trang trí, trưng bày theo kiểu truyền thống được thay thế bằng các loại vật liệu hiện đại.
Chưa kể, chủ cũ rời đi, mang theo hoành phi, liễn đối, bàn thờ… Người chủ mới thường cải tạo nội thất di tích cho phù hợp với mục đích sử dụng kinh doanh khiến kiến trúc ngôi nhà thay đổi, chưa kể yếu tố phi vật thể của di tích cũng phai mờ. Đến nay, khoảng 30% di tích nhà cổ Hội An đã được người từ nơi khác đến mua chủ yếu sử dụng kinh doanh.
Theo quy định, các di tích loại đặc biệt, loại 1, loại 2 cần được bảo tồn nguyên vẹn về kiểu dáng kiến trúc bên ngoài, nội thất, không gian bên trong. Những vi phạm trong cơi nới đều bị xử lý, tùy mức độ vi phạm số tiền xử phạt có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Thực tế, phần lớn di tích kiến trúc trong khu phố cổ được xây dựng từ vật liệu gỗ, rất dễ cháy, kèm theo việc kinh doanh và trưng bày các mặt hàng dễ cháy quá nhiều, chưa kể một số thiết bị và hệ thống điện chiếu sáng, sinh hoạt trong các di tích đã cũ, quá tải, hết hạn sử dụng, việc đốt nhang, hàng mã khi cúng tại các di tích là những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ cao về hỏa hoạn. Thống kê trong vòng 7 năm qua có đến 9 vụ cháy lớn nhỏ trong phố cổ.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An, nguy cơ cháy nổ nằm chủ yếu ở 30% ngôi nhà cổ có chủ từ nơi khác đến mua kinh doanh bởi không có người ở thường xuyên, đa phần kinh doanh buôn bán ban ngày, ban đêm đóng cửa. “Nếu nhà có người ở hoặc cho thuê, ít nhiều chủ nhà cũng lui tới hương khói, cúng bái. Nhưng với những người mua lại kinh doanh thì rất hiếm, bởi họ không ở nên không thờ cúng…” - ông Sơn chia sẻ.
Hội An là một di tích sống, trong đó giá trị khu phố cổ không chỉ biểu hiện ở bề mặt kiến trúc mà còn hàm chứa nhiều giá trị văn hóa phi vật thể gắn với đời sống cư dân để tạo nên hồn của phố. Ông Nguyễn Văn Sơn thừa nhận, phố cổ hiện đã trở thành khu du lịch, buôn bán sầm uất nên việc phát triển chắc chắn ít nhiều ảnh hưởng đến bảo tồn.
“Tất nhiên, những tác động về mặt dân cư, kinh doanh tại những ngôi nhà phố cổ sẽ ảnh hưởng đến hồn phố, đây cũng là quy luật tất yếu, tuy nhiên người dân có giàu lên mới giữ được di sản, nên thành phố sẽ phải chọn những giải pháp ít ảnh hưởng đến di sản nhất, không thể triệt tiêu được những hoạt động kinh doanh buôn bán được” - ông Sơn nói.
Từ vài năm nay, nhiều nhà cổ ở Hội An đã được rao bán, sang nhượng qua tay nhiều chủ sở hữu khiến “hồn” phố dần phai nhạt. Dù vậy, chính quyền thành phố khó thể can thiệp bởi hầu hết nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân hoặc tập thể.
Tự do mua bán nhà cổ
Ngôi nhà cổ một trệt trên đường Trần Phú, diện tích 165m2, giá thương lượng 33 tỷ đồng được gia chủ treo bảng bán từ hơn năm nay, tuy nhiên vẫn chưa thể sang nhượng được. Bà N.D.L. – chủ nhân ngôi nhà cho biết, lý do rao bán vì không có nhu cầu ở.
“Đây là ngôi nhà hai chị em tôi thừa hưởng từ cha mẹ để lại nên thật sự không muốn bán vì gắn nhiều kỷ niệm. Nhưng nay em tôi đã định cư ở nước ngoài, tôi thì lớn tuổi sống cùng con cháu tận Hà Nội nên phải bán” - bà L. giải thích.
Một ngôi nhà cổ bằng gỗ 2 tầng diện tích nền 107m2 trên đường Nguyễn Thái Học cũng được gia chủ treo bảng rao bán mức giá 38 tỷ đồng (hơn 355 triệu đồng/m2), dù được xem là tương đối rẻ so với thời điểm trước năm 2019 nhưng vẫn chưa thể giao dịch thành công.
Đại dịch COVID-19 bùng phát, du lịch trì trệ khiến hoạt động mua bán, sang nhượng cho thuê nhà trong phố cổ cũng “rộn ràng” hơn. Dạo một vòng các tuyến đường chính như Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng… dễ dàng nhận thấy nhà treo bảng bán hoặc cho thuê.
Tháng 5 vừa qua, bà Nguyễn Thị L. đã bán ngôi nhà trên đường Nguyễn Hoàng (diện tích 50m2) giá 8 tỷ đồng (giảm giá 45% so với trước dịch) để chia tài sản sau ly hôn. “Bữa nay kinh tế khó khăn, con cháu lại đông nên nhiều người treo bảng bán nhà để chia tiền cho con cháu làm ăn, nhưng không phải ai cũng bán được. Nhà tôi dù giá rẻ nhưng có người mua là may lắm rồi” - bà L. chia sẻ.
Tính đến cuối năm 2022, Hội An có tổng cộng 1.439 di tích, phần lớn phân bố khu vực phố cổ (1.175 di tích), đa phần là công trình kiến trúc nghệ thuật và nhà ở, trong đó chỉ riêng nhà ở là 1.069 căn, tuy nhiên cũng chỉ 30% trong số này còn người dân ở, 40% ngôi nhà đã được chủ nhân (là người gốc Hội An) cho thuê kinh doanh buôn bán. Đặc biệt khoảng 30% ngôi nhà trong phố cổ đã được bán cho chủ mới đến từ địa phương khác (TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội…) mua đầu tư hoặc cho thuê lại kinh doanh. Dù vậy, chính quyền khó thể can thiệp bởi đây là tài sản thuộc quyền sở hữu tập thể và tư nhân.
Giám sát chặt hiện trạng kiến trúc
Việc sang nhượng, cho thuê nhà cổ trong khu phố cổ đã diễn ra từ nhiều năm nay, thống kê cho thấy khoảng 10 năm gần đây có gần 120 di tích nhà cổ đã được mua bán, hầu hết phục vụ mục đích kinh doanh.
Có 4 nguyên nhân chính khiến nhà cổ bị bán hoặc cho thuê. Nhà cổ thuộc tài sản chung cha mẹ để lại, gia đình đông anh em, không thể phân ai ở nên bán chia. Con cái ở xa hoặc có cơ ngơi riêng, cha mẹ già yếu không người chăm sóc phải bán hoặc cho thuê nhà cổ để tới sống cùng con cháu. Điều kiện sinh hoạt trong phố cổ bất tiện (xe máy, ô tô không thể ra vào tự do, thường xuyên...).
Ngoài ra, có thể kể đến trường hợp nhà cổ thuộc sở hữu tập thể xuống cấp nhưng các thành viên không ai chịu đóng góp sửa chữa hoặc đồng ý bán, buộc thành phố phải bỏ tiền trùng tu sau đó cho thuê trong thời gian nhất định nhằm thu hồi vốn.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An đề xuất: “Trong các nội dung đề nghị về cơ chế đặc thù dành cho Hội An sắp tới, thành phố cũng sẽ đề nghị trung ương cho phép hình thành quỹ bảo tồn để có thể trích ra mua lại các di tích nhà cổ chứ với giá trị mỗi ngôi nhà vài chục tỷ đồng như hiện nay thì quá sức của thành phố, với lại cơ chế hiện nay cũng chưa cho phép chuyện đó”.
Trước mắt thành phố chủ yếu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chủ sở hữu nhà cổ là người dân Hội An cố gắng cho thuê, hạn chế bán, bởi khi chủ nơi khác tới mua kinh doanh sẽ làm mất đi các giá trị về nếp sống, sinh hoạt của ngôi nhà. Riêng với những ngôi nhà đã bán cho chủ mới và chuyển sang hoạt động kinh doanh, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra quản lý chặt hiện trạng kiến trúc, nghiêm cấm các trường hợp cơi nới kinh doanh, bố trí các trang bị hiện đại vào bên trong (tủ gương...) ảnh hưởng đến không gian di tích.
“Tài sản cá nhân thì thành phố khó thể làm gì được, nên mình chỉ quản lý bằng cách áp dụng Luật Di sản hoặc các quy chế bắt buộc người mua nhà kinh doanh phải tuân thủ các quy chế. Hàng năm thành phố cũng ủy quyền cho một số cấp ngành, địa phương liên quan tổ chức gặp mặt các chủ nhân di tích nhằm tuyên truyền vận động họ về bảo tồn di sản. Kể cả, yêu cầu phải bố trí người ở ban đêm để trực, kịp thời xử lý các vụ việc như cháy nổ...” - ông Sơn nói thêm.
Chuyển đổi chủ nhân nhà ở, bất động sản là câu chuyện bình thường trong quy luật vận hành xã hội, chỉ đau đáu rằng nó lại diễn ra ở một khu vực mà đất đai, nhà cửa không đơn thuần chỉ là tài sản cố định như tại Khu phố cổ Hội An.
Chỉ riêng trên địa bàn phường Minh An hiện có đến 828 di tích nhà ở, chiếm gần 96% tổng số di tích trong khu vực I của phường và chiếm hơn 73% tổng di tích trong khu vực I. Ngoài ra, không chỉ có nhà ở, trong khu phố cổ còn đa dạng loại hình di tích khác phân bố đan xen.
Với đặc thù trên, Khu phố cổ Hội An không chỉ chịu ảnh hưởng bởi các quy định về lĩnh vực bảo tồn di sản mà còn chịu sự điều tiết của rất nhiều quy định pháp luật khác thuộc hệ thống quản lý nhà nước. Do đó tất yếu dẫn đến nhiều vấn đề khó khăn trong quá trình quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị so với nhiều di sản khác.
Nhiều ngôi nhà trong phố cổ không chỉ có giá trị về kiến trúc nghệ thuật mà còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị. Mỗi chủ nhân cũ kỹ của phố rời đi còn vô tình mang theo những trầm tích thời gian vun đắp nên thương hiệu của khu phố cổ.
Điều đáng buồn là theo thống kê của chính quyền địa phương, qua thời gian đã có khoảng 30% số di tích nhà cổ đã được chuyển nhượng cho các chủ nhân mới đến từ nhiều nơi, đáng báo động là họ hiếm khi ở đây mà chỉ mua để cho thuê lại.
Cháy nổ, mối mọt và lũ lụt là những mối nguy thường trực khi chủ mới có khi hàng tháng trời không ghé lại ngôi nhà của mình. Câu chuyện nghiêm trọng hơn đã nhiều lần được đề cập gần đây là nguy cơ dẫn lối đến một khu phố “chết” vào ban đêm trong vài chục năm nữa, nếu thực trạng này cứ tiếp diễn.
Những năm qua, chính quyền địa phương có nhiều nỗ lực để giảm thiểu “làn sóng” rời đi khỏi khu phố cổ của cư dân bản địa. Đến nay có 64 di tích do tư nhân - tập thể quản lý được hưởng lợi từ dự án đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ, góp phần đáng kể vào việc níu chân khoảng 30% chủ nhân lâu đời của nhà cổ ở lại với phố cổ.
Thời gian qua chính quyền TP.Hội An cũng vận động một số cư dân bản địa quay trở lại các nhà cổ thuộc sở hữu Nhà nước bằng hình thức cho thuê để phần nào khôi phục nếp sống của phố. Bước đầu cũng đã có một vài hộ dân quay trở lại sống trong các ngôi nhà cổ này.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An thông tin, ở thời kỳ trước đây địa phương tổ chức giãn dân khỏi khu phố cổ thì bây giờ Hội An đang xây dựng phương án ngược lại là sẽ từng bước đưa người dân trở lại sống trong khu phố cổ. Đây là vấn đề hết sức trăn trở, nhức nhối và một mình Hội An không đủ sức để giải quyết được, thành phố sẽ có đề án cụ thể báo cáo với tỉnh thậm chí là Bộ VH-TT&DL để có giải pháp hỗ trợ đặc thù cho Hội An. Một số phương án có thể nghiên cứu là mua lại nhà cổ từ ngân sách nhà nước, giảm thuế kinh doanh cho người dân bản địa hay miễn tiền thuê nhà cho cư dân gốc Hoa từng sinh sống nhiều đời ở đây để người dân yên tâm ở lại với di sản.
Khó tiếp cận nhà cổ
Họa sĩ Trương Bách Tường đã trả lại căn nhà cổ thuộc quản lý của Nhà nước ở vùng lõi phố cổ Hội An, nơi anh từng mở phòng tranh từ ba năm trước. Đó là thời điểm những biến động của đại dịch mới bắt đầu chi phối, song câu chuyện lớn hơn, là khó cân bằng được khi vừa làm “văn hóa”, vừa phải kiếm ra lợi nhuận để cân đối chi phí.
Là người gắn bó với phố cổ, ông Tường cho rằng, câu chuyện nhiều nhà cổ đóng cửa, rao bán trong vùng lõi phố... là hệ quả tất yếu của suy thoái kinh tế hiện tại. Tuy nhiên, rất khó để có thể tiếp cận những căn nhà cổ rao bán hiện tại.
Giá của mỗi căn nhà cổ ở Hội An được rao bán rơi vào 15 tỷ đến 20 tỷ đồng, có căn lên đến vài chục tỷ đồng. Nhà cổ đã được “đóng đinh” trong phố, với không gian và kiến trúc đặc thù, khó có thể thay đổi và sẽ không hạ giá. Ngoài ra, câu chuyện bảo vệ, gìn giữ nhà cổ còn gian nan gấp bội lần.
"Theo tôi, cần có cơ chế ràng buộc và khuyến khích để giữ lấy nhà cổ. Ràng buộc về mặt quản lý, tức là luôn có người túc trực, xử lý kịp thời các tình huống cháy, nổ và nguy cơ khác làm hư hại. Khuyến khích bằng những điều kiện ưu đãi, để có thể tinh chọn các hoạt động kinh doanh, giúp tôn lên vẻ đẹp văn hóa trong không gian phố, không thể thả nổi kiểu ai ưa bán gì, làm gì thì có thể làm nấy” - ông Tường đề xuất.
Thêm một lý do khó tiếp cận nhà cổ, theo họa sĩ Trương Bách Tường, là những ngôi nhà đã mua đi bán lại nhiều lần, khó xác định được chủ sở hữu. Căn nhà La Thoại Tân trên phố Phan Chu Trinh là điển hình, khi không có người sở hữu túc trực, bị hoang hóa lâu nay.
“Rất khó ràng buộc người thuê nhà cổ bằng các quy định, chế tài. Đã từng có nhiều hệ lụy trong câu chuyện buôn bán, giao dịch, một số hành động chưa thực sự văn minh, văn hóa như lấn chiếm lề đường, chèo kéo khách... cũng đã xảy ra. Đó là những tác động đang từng ngày bào mòn di sản sống.
Gần đây, có việc một số người dân được tạo điều kiện quay trở lại thuê những căn nhà cổ sinh sống. Tôi cho rằng đây cũng là một trong những giải pháp để bảo tồn sức sống, các giá trị văn hóa cốt lõi dựa vào những cư dân di sản thực sự, giảm bớt các biến động của sự lệch pha văn hóa” - ông Tường chia sẻ.
Phải có cơ chế đặc thù
Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng chuyện mua bán nhà cổ là đương nhiên và khó can thiệp. Bán bao nhiêu, nhu cầu mua bán như thế nào là do thị trường. Người mua sử dụng mục đích gì cũng là nhu cầu tự thân của họ, miễn là trong phạm vi pháp luật không cấm. “Lời giải không khó, thậm chí đã được đề xuất rất nhiều lần: một cơ chế đặc thù cho riêng Hội An” - ông Nguyễn Sự nhấn mạnh.
Theo ông Sự, Hội An là di sản sống, di sản đặc thù, điều này đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Nhưng đến giờ, vẫn không có một cơ chế đặc thù nào cho Hội An, dù chính quyền đã đề nghị từ... 20 năm trước.
“Hội An là di sản đặc thù nhất trong các di sản thế giới của nước ta. Các di sản khác có thể bỏ ra rất nhiều tiền để di dời dân, để bảo tồn theo cơ chế riêng. Nhưng với Hội An thì chưa có cơ chế đặc thù tương thích. Trong khi nếu phố cổ mà "hao hụt" thì cần số tiền cực lớn, thậm chí có tiền cũng không thể phục hồi được.
Cần làm rõ một nghịch lý rằng, với đô thị cổ Hội An, việc quản lý được điều chỉnh bởi Luật Di sản văn hóa và những luật khác, luật nào là chính? Có như vậy mới thoát những khó khăn dở khóc dở mếu trong quản lý phố cổ như lâu nay" – ông Sự nói.
Thành phố từng đề xuất dùng ngân sách mua lại nhà cổ loại đặc biệt, sử dụng vào câu chuyện tái hiện không gian văn hóa cũ, ví dụ phục dựng và hoạt động tiệm thuốc đông y ở phố Nguyễn Thái Học, song không thể thực hiện. Hay thậm chí việc cho thuê nhà cổ để sử dụng theo ý đồ phục hồi một số không gian truyền thống cũng không thể tiến hành, bởi nhà cổ là công sản thì phải đấu thầu thuê quyền sử dụng, ai trúng thầu muốn buôn bán gì thì chính quyền không thể quản được.
Theo ông Nguyễn Sự, hồn phố, đến từ những góc nhỏ, những con người rất nhỏ trong phố. Giữ di sản, là giữ lấy một tiếng rao, giữ lấy một gánh hàng rong, giữ lấy những con người cụ thể tạo nên văn hóa. Phải điều chỉnh bằng quy hoạch, và quan trọng hơn là cần cơ chế đặc thù để người dân trong phố cổ sống được, kinh doanh được để giữ dân ở lại.
Nếu chỉ nhắm vào câu chuyện đấu giá để giữ lấy nguồn quỹ công sản, sẽ thua. Cơ chế đặc thù, ưu tiên tái hiện không gian phố cổ, khuyến khích các hoạt động quảng bá, tôn vinh văn hóa là điều nên làm. Từng căn nhà, từng góc phố, từng con người tạo nên Hội An. Sẽ rất khó nếu cứ loay hoay tìm giải pháp, trong khi cốt lõi là cơ chế đặc thù vẫn chưa được áp dụng.
Hội An là mảnh đất văn hóa, chào đón nhiều sắc màu văn hóa, nhưng không thể “tả pí lù” để rồi làm hỏng Hội An. Những người đến với Hội An, sống ở Hội An phải làm cho Hội An sang trọng hơn, giàu giá trị hơn.
“Phải gạn đục khơi trong, chọn lọc và tiếp biến phù hợp trên cơ sở đãi cát tìm vàng. Văn hóa là mở, mở rất rộng, nhưng không thể đánh mất đi hồn cốt của phố cổ. Thế nên phải giữ từ bây giờ, giữ từ trong kinh doanh, phải để người kinh doanh vì yêu Hội An mà đến, mang thêm những giá trị mới tốt đẹp hơn trên nền tảng cũ. Sẽ mất mát rất lớn nếu cứ đua theo câu chuyện kinh tế, xem nhẹ sức sống của văn hóa ở vùng đất đặc thù này” – ông Nguyễn Sự bày tỏ.